Doanh nghiệp dệt may: Chưa kịp mừng đã vội lo
Đầu năm 2022, các doanh nghiệp (DN) dệt may liên tục đón nhận tín hiệu vui bởi hàng loạt đơn hàng xuất khẩu được ký kết. Tuy nhiên, với những bất ổn về chính trị diễn ra trên thế giới, ngành dệt may đang tiềm ẩn không ít rủi ro.
Đơn hàng tăng cao
Nếu năm 2021, kim ngạch xuất khẩu lĩnh vực dệt may của các DN trên địa bàn tỉnh chỉ đạt 72,92 triệu USD (giảm 10% so với năm 2020) thì trong 2 tháng đầu năm 2022 đã xuất khẩu được 16,5 triệu USD. Trong đó, mặt hàng xơ, sợi đạt kim ngạch xuất khẩu 1,4 triệu USD (tăng 56,98% so với cùng kỳ năm trước). Không những vậy, số lượng đơn hàng xuất khẩu liên tục tăng; đa phần các DN đã có đơn hàng đến hết tháng 6.
Dây chuyền sản xuất của Công ty Cổ phần Dệt may Nha Trang. |
Ông Lê Văn Hoạt - Trưởng phòng Nhân sự Xí nghiệp May Khatoco cho biết, trên địa bàn tỉnh có gần 50 DN may có từ 200 lao động trở lên. Năm 2020 và 2021, đa số DN đều bị cắt giảm đơn hàng. Xí nghiệp May Khatoco có thời điểm bị cắt giảm hơn 50% đơn hàng. Bước sang năm 2022, đơn hàng tăng rất nhiều. Hiện nay, DN đã có những đơn hàng đến hết quý II/2022. Bây giờ, DN đang tập trung vào sản xuất, hoàn thành các đơn hàng theo tiến độ đã ký kết.
Năm 2022, Công ty Cổ phần Dệt may Nha Trang đặt mục tiêu trở thành đối tác tin cậy cho khách hàng lớn ở thị trường Mỹ, phấn đấu tăng trưởng cao hơn năm trước và tỷ suất lợi nhuận lớn. Theo lãnh đạo công ty, so với cùng kỳ năm trước, năm nay, đơn hàng của DN tăng khoảng 30%. Hiện nay, các đối tác vẫn tiếp tục tìm hiểu và đàm phán cho các đơn hàng tiếp theo. Đây là tín hiệu rất tích cực cho DN.
Lý giải cho sự gia tăng đơn hàng dệt may nói chung, lãnh đạo Công ty Cổ phần Dệt may Nha Trang cho biết, nhu cầu mua sắm (quần áo, giày dép...) của người tiêu dùng tại các thị trường xuất khẩu chính là Mỹ, EU, Nhật Bản... tăng rõ rệt khi dịch bệnh được kiểm soát, dần dỡ bỏ lệnh phong tỏa và kinh tế từng bước phục hồi. Bên cạnh đó, sau một thời gian ngừng đặt hàng, nhiều đối tác cũ đã hợp tác trở lại nên số lượng đơn hàng ngày càng nhiều hơn.
Hoạt động sản xuất tại Xí nghiệp May Khatoco. |
Vẫn tiềm ẩn rủi ro
Mặc dù đầu ra đang là điểm sáng cho lĩnh vực dệt may, song với tình hình chính trị thế giới biến động, đặc biệt là chiến tranh Nga - Ucraina đã và đang mang đến không ít thách thức. Đối với các DN nhỏ, có sản phẩm xuất khẩu đi thị trường Nga và Đông Âu, hiện nay, đơn hàng bị ngưng trệ, chưa thể xuất được. Với các DN lớn như: Công ty Cổ phần Dệt may Nha Trang, Công ty TNHH FLD, Công ty Cổ phần May Cam Ranh…, sự bất ổn về chính trị đã dẫn tới giá thành xơ, bông tăng cao, hoạt động vận chuyển bị gián đoạn.
Ông Võ Đình Hùng - Phó Tổng Giám đốc Thường trực Công ty Cổ phần Dệt may Nha Trang phân tích: Thông thường, mặt hàng bông, xơ phải nhập trước 3 tháng. Vì vậy, để phục vụ cho các đơn hàng giữa và cuối năm thì nguyên liệu bông, xơ phải mua ngay từ bây giờ. Chiến sự Nga - Ucraina khiến cho quá trình vận chuyển hàng hóa gặp bất lợi. Điều này sẽ tác động rất lớn đến biên độ lợi nhuận. Chi phí vận tải hiện đã tăng từ 5 đến 7 lần so với mức trung bình 5 năm trở lại đây. Ngoài chi phí cao thì việc thường xuyên thiếu container, hàng sản xuất ra rồi nhưng không có vỏ container để đóng hàng cũng là thách thức lớn cho DN. Vì khi hàng làm ra không xuất đi được theo tiến độ, DN phải thuê kho để chứa hoặc lưu tại cảng. Việc này phát sinh thêm chi phí lưu kho, chậm giao hàng… Mặt khác, do dịch bệnh nên tình trạng thiếu lao động cũng là vấn đề nan giải, nhiều DN dệt may không dám nhận đơn hàng do lao động không ổn định, không chủ động được sản xuất.
Theo các DN dệt may, để có thể vượt qua những thách thức trước mắt, nhiệm vụ tiếp theo chính là xây dựng lộ trình đầu tư phù hợp, xác định cơ cấu thị trường, khách hàng chính cho từng loại sản phẩm và tăng cường phát triển thị trường mới. Đồng thời, DN tập trung đầu tư phát triển sản xuất nguyên liệu, sản phẩm đặc thù; ưu tiên đầu tư hạ tầng số hóa cho các phân xưởng, nhanh chóng triển khai thực hiện hệ thống quản trị số tập trung đối với nhóm sợi, nhóm may…
Đình Lâm
Nguồn:Baokhanhoa.vn