Theo một báo cáo vừa được công bố, Công ty Chứng khoán SSI đánh giá ngành dệt may của Việt Nam trong năm 2021 đã phải đối mặt với nhiều khó khăn, áp lực về chi phí nguyên liệu, về lạm phát, giá cước vận chuyển tăng và tình trạng thiếu lao động sau giãn cách xã hội.
Trong bối cảnh hầu hết các công ty may mặc đều phải trải qua chặng đường phục hồi không mấy thuận lợi, điểm sáng của ngành dệt may đến từ các công ty sản xuất sợi, đặc biệt là sợi bông.
Cụ thể, phía SSI cho biết giá sợi toàn cầu đã bắt đầu cao hơn năm 2019 kể từ cuối tháng 2 và đạt đỉnh vào quý III/2021 khi giá sợi polyester và bông tăng khoảng 30% - 50% so với cùng kỳ, do giá bông và dầu tăng vọt. Điều này là do nhu cầu về sợi tăng nhanh, khi nguồn cung sợi của Trung Quốc dần cạn kiệt.
Mặt khác, lệnh cấm của Mỹ đối với bông có xuất xứ từ vùng Tân Cương cũng gây ra sự gián đoạn trong chuỗi cung ứng và đẩy giá bông lên cao hơn.
Theo báo cáo của SSI, thị trường dệt may dự kiến sẽ vẫn diễn biến phức tạp với những thách thức mới trong bối cảnh tắc nghẽn logistics, sản xuất bị gián đoạn, chi phí vận chuyển cao và tình trạng thiếu nguyên liệu.
“Những yếu tố này tiếp tục làm tăng chi phí đầu vào và mất cân đối giữa cung và cầu, người tiêu dùng có thể chịu mức giá cao hơn và các công ty sản xuất có mức biên lợi nhuận thu hẹp”, báo cáo nêu rõ.
Hiệp hội Dệt may Việt Nam (VITAS) dự báo kim ngạch xuất khẩu hàng dệt may năm 2022 đạt 43 tỷ USD, tăng 10% so với cùng kỳ theo kịch bản khả quan, giả định dịch bệnh bắt đầu giảm dần trong quý I/2022 và đạt 41 tỷ USD (tăng 5% so với cùng kỳ) theo kịch bản cơ sở với giả định dịch bệnh bắt đầu giảm dần trong quý II/2022.
Các chuyên gia của Chứng khoán SSI dự báo ngành sợi bông sau khi tăng trưởng nhanh trong năm 2021 sẽ dần tìm được điểm cân bằng trong năm 2022. Giá bông đầu vào sẽ tiếp tục tăng mạnh trong 2 quý tới, nhưng khả năng cao sẽ điều chỉnh vào nửa cuối năm 2022.
“Giá sợi bông và sản lượng sản xuất sẽ tăng trưởng trong 6 tháng đầu năm 2022, nhưng biên lợi nhuận gộp của các công ty sản xuất sợi bông có thể sẽ điều chỉnh trong 6 tháng cuối năm 2022. Do đó, chúng tôi ước tính hầu hết các công ty sản xuất hàng may mặc sẽ có biên lợi nhuận gộp giảm so với năm 2021 do chi phí vải đầu vào cao trong 6 tháng đầu năm 2022”, chuyên gia của SSI dự đoán.
Công ty chứng khoán này cũng cho rằng việc Bộ Công Thương áp thuế nhập 5 năm đối với sợi polyester nhập khẩu (loại POY, DTY và FDY) từ ngày 16/10/2021 đối với Trung Quốc, Ấn Độ, Indonesia và Malaysia sẽ có lợi cho hầu hết các công ty sản xuất sợi trong nước.
“Ngành dệt may đã được định giá lại để phản ánh sự phục hồi mạnh mẽ và triển vọng tích cực trong trung hạn. Chúng tôi tin rằng việc định giá lại có thể xảy ra tiếp khi kế hoạch phát triển nguồn cung vải trong nước trở nên rõ ràng hơn, giúp ngành gặt hái được nhiều lợi ích từ Hiệp định EVFTA. Tuy nhiên, chúng tôi cho rằng điều này khó có thể xảy ra trong một sớm một chiều. Do đó, đây sẽ là thách thức đối với cổ phiếu ngành dệt may khi giao dịch ở mức P/E cao hơn so với năm 2021”, báo cáo nêu.