Đại dịch COVID-19 đã kéo theo nhiều hệ lụy to lớn, không chỉ vấn đề thị trường, nguồn cung nguyên phụ liệu mà cả những vấn đề sát sườn đó là an toàn, an sinh cho người lao động - lực lượng chính trong guồng máy của các doanh nghiệp.

Là một doanh nghiệp chủ lực, sản xuất và xuất khẩu của Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex) cũng chịu ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch vừa qua.

Song “trong nguy có cơ,” việc chủ động đề ra các giải pháp để thích ứng linh hoạt, sẵn sàng các biện pháp phòng dịch ở mức cao nhất đã giúp Vinatex vượt qua khó khăn và cán đích một cách ngoạn mục. Đây cũng là điểm nhấn khẳng định thương hiệu ngành thời trang Việt Nam trên bản đồ dệt may thế giới.

Ông Cao Hữu Hiếu, Tổng Giám đốc Tập đoàn Dệt may Việt Nam đã có một số trao đổi với VietnamPlus về hoạt động sản xuất-kinh doanh của Tập đoàn trong một năm vừa qua.

Đẩy mạnh chuyên nghiệp hóa

- Thưa ông, nhìn lại đợt dịch lần thứ 4 cũng như cả một giai đoạn dịch bệnh 2 năm gần đây, ông đánh giá như thế nào về những tác động và thay đổi đối với ngành dệt may?

Ông Cao Hữu Hiếu: Trong suốt 2 năm qua, khi dịch bệnh do COVID-19 diễn ra, ngành dệt may trải qua nhiều khó khăn và thách thức. Những khó khăn chính có thể kể đến về xuất khẩu như: Lực cầu suy giảm, nguồn cung nguyên phụ liệu đứt gẫy, dẫn đến tình trạng hủy, hoãn đơn hàng xảy ra.

Ngoài ra, thị trường trong nước giãn cách và đóng cửa xã hội dẫn đến tình trạng cầu suy giảm, doanh thu nội địa bị ảnh hưởng. Gánh nặng tài chính đối với các doanh nghiệp trong 2 năm đại dịch không phải nhỏ, vừa phải tránh bị phạt hợp đồng do giãn cách, giữ chân khách hàng cũ, vừa đảm bảo an sinh xã hội, tránh biến động lao động.

Với những tác động tiêu cực như vậy, ngành dệt may cũng có những thay đổi nhất định để thích ứng, tìm xu hướng phát triển trong tương lai. Thực tế, khi xảy ra đứt gãy chuỗi cung ứng khiến sản xuất dệt may toàn thế giới gặp khó khăn, các nhà sản xuất đã nhận thấy sự rủi ro rất lớn khi phụ thuộc quá mức vào chỉ một nguồn cung. Họ đã chuyển dịch dần ra khỏi Trung Quốc và tăng cường đầu tư vào một số quốc gia có tiềm năng khác, trong đó có Việt Nam.

Khách hàng thường ưu tiên các nhà sản xuất có thể cung cấp giải pháp trọn gói từ thiết kế đến sản phẩm cuối cùng. Muốn tận dụng được cơ hội này, ngành dệt may Việt Nam cần chuẩn bị các nguồn lực để có thể đáp ứng yêu cầu của khách hàng, chuyển dịch lên các phương thức sản xuất cao hơn (OEM, ODM) trong chuỗi để đem lại giá trị gia tăng lớn hơn.

Năm 2021, ngành dệt may phục hồi do một số thị trường chính ấm lên nhờ các gói hỗ trợ kinh tế bắt đầu có tác dụng. Ở các nhóm ngành, ngành sợi đạt được kết quả kinh doanh ấn tượng nhờ hưởng lợi từ giá sợi thế giới tăng.

Năm 2021, tổng kim ngạch nhập khẩu dệt may thế giới dự kiến ước đạt 753,2 tỷ USD, tăng 4,74% so với cùng kỳ 2020. Trước đó năm 2020, kim ngạch nhập khẩu dệt may thế giới đạt 719,1 tỷ USD giảm 3,3% so với 2019.

 - “Chuỗi cung ứng” là cụm từ được nhắc tới nhiều nhất trong giai đoạn dịch bệnh vừa qua. Với dệt may, ông có thể cho biết sự thích ứng và chủ động của các doanh nghiệp như thế nào?

Ông Cao Hữu Hiếu: Chuỗi sản xuất ngành dệt may đi từ khâu sản xuất xơ, sợi --> dệt --> nhuộm, hoàn tất --> thiết kế --> may --> marketing/ phân phối. Từ trước tới nay, ngành dệt may Việt Nam tham gia nhiều nhất tại khâu sản xuất may, trong đó may gia công chiếm đa số. Đđây là khâu thâm dụng lao động nhưng mang lại giá trị gia tăng thấp nhất.

Khi dịch bệnh xảy ra, những chuỗi cung ứng không hoàn chỉnh, lỏng lẻo lập tức bộc lộ những yếu điểm của nó, dẫn tới đứt gãy nguồn cung trong chuỗi. Vì vậy, từ lâu ngành dệt may cố gắng tìm lời giải cho bài toán này.

Liên kết chuỗi hay hướng tới các mắt xích mang lại giá trị cao hơn là mục tiêu mà nhiều doanh nghiệp dệt may hướng tới. Tuy nhiên, mỗi doanh nghiệp dệt may đều cần có cái nhìn thực tế xem hướng đi nào phù hợp với doanh nghiệp mình.

Ví dụ, như một đơn vị may từ trước tới nay đều làm gia công, thì có thể từng bước hướng tới xây dựng trung tâm phát triển sản phẩm, nhà máy làm FOB chủ động, hướng cung cấp giải pháp trọn gói cho khách hàng từ nguyên phụ liệu đến may. Những doanh nghiệp quy mô lớn thì có mục tiêu lâu dài hướng tới phát triển thương hiệu, mang thiết kế đến với khách hàng thế giới.

Việc xây dựng chuỗi cung ứng hoàn chỉnh là không đơn giản. Ngành dệt may Việt Nam hiện chưa chủ động được nguyên vật liệu đầu vào trong chuỗi, vì vậy cần phải tích cực hoàn thiện các khâu sản xuất đầu chuỗi, từng bước phát triển các mắt xích nguyên liệu (sợi, vải) để đáp ứng nhu cầu cho khâu may, đảm bảo khép kín chuỗi cung ứng.

Bên cạnh đó, các doanh nghiệp dệt may cũng cần chuẩn bị nguồn nhân lực cần thiết để có thể tiến dần lên các phương thức sản xuất cao hơn, cũng như các mắt xích mang lại giá trị gia tăng cao hơn như thiết kế, marketing, phân phối...

Ổn định lao động là nhiệm vụ sống còn

- Là ngành có số lượng lao động phổ thông rất lớn, vì vậy khi dịch bệnh tác động trực tiếp đến các khu công nghiệp, Vinatex đã có giải pháp gì để giải quyết việc lao động dịch chuyển cũng như giữ chân người lao động.

Ông Cao Hữu Hiếu: Kể từ tháng 6, khi dịch bệnh dần lan mạnh ở phía Nam, tình hình sản xuất kinh doanh có những diễn biến bất lợi tăng nhanh. Chỉ trong vòng 1 tháng số lượng lao động tạm thời không thể đi làm của Tập đoàn đã lên tới trên 40.000 người, chủ yếu tại khu vực phía Nam.

Bên cạnh gánh nặng về trách nhiệm với người lao động thì doanh nghiệp dệt may có thêm rủi ro liên quan đến các hợp đồng kinh tế và quan hệ với các khách hàng.

Nhận thấy việc ổn định lao động là nhiệm vụ sống còn của doanh nghiệp, Đảng uỷ, Hội đồng quản trị, Tổng Giám đốc Tập đoàn đã xác định mục tiêu hướng đến hàng đầu là "bảo toàn đội ngũ," có nghị quyết và các chỉ đạo cụ thể tới lãnh đạo doanh nghiệp, xây dựng phương án chi tiết, tổ chức diễn tập ở nhiều doanh nghiệp lớn các phương án sản xuất khi có dịch bệnh xảy ra.

Bai 2: Det may vuot bao dai dich: 'Lua thu vang, gian nan thu suc' hinh anh 2Ông Cao Hữu Hiếu, Tổng Giám đốc Tập đoàn Dệt may Việt Nam. (Ảnh: Đức Duy/Vietnam+)

Trực tiếp Chủ tịch Hội đồng quản trị, Tổng Giám đốc ghi hình các video tuyên truyền, vận động, giải thích chủ trương để doanh nghiệp phát cho người lao động. Các doanh nghiệp thành viên cũng sáng tạo trong tuyên tuyền như qua kênh phát thanh của công đoàn, bản tin tuần, phổ biến trong chào cờ, trong giờ nghỉ tại từng phân xưởng, tổ đội sản xuất.

Cùng với việc chăm lo về tinh thần, Vinatex cùng các doanh nghiệp cũng chăm lo tốt cho đời sống cán bộ công nhân viên như: trang bị cơ sở vật chất cho hoạt động 3 tại chỗ, hỗ trợ các trường hợp người lao động là F0, F1, phát động các chương trình đi chợ hộ cán bộ công nhân viên…

Nhờ đó, nhìn chung giữ được tinh thần tốt cho người lao động, làm việc vất vả hơn nhưng lại có năng suất cao hơn, kỷ luật lao động tốt hơn, gắn bó hơn với doanh nghiệp, tỷ lệ nghỉ việc 6 tháng đầu năm thấp hơn bình quân các năm trên 30%.

Bên cạnh đó, Vinatex cũng đẩy mạnh việc tiêm vắc xin cho người lao động. Tới nay, tỷ lệ người lao động tại Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh được tiêm vaccine đủ 2 mũi đạt 100% (trừ những trường hợp không đủ điều kiện tiêm.)

Còn tại các địa phương khác ở miền Bắc, tỷ lệ được tiêm vaccine mũi 1 đạt 90%, mũi 2 đạt 60%; Trong khi tại các địa phương ở miền Trung, tỷ lệ được tiêm mũi 1 đạt 80%, mũi 2 đạt 50%; tại các địa phương ở miền Nam, tỷ này lần lượt là 50% và 30%.

Chính nhờ những chính sách ổn định tâm lý và sức khỏe cho người lao động mà họ gắn bó với doanh nghiệp hơn. Ngay sau dịch, tỷ lệ lao động trở lại làm việc khá cao, theo đó ở khu vực Thành phố Hồ Chí Minh là 90%, các tỉnh khác từ 70% - 85%. Tổng số lao động trở lại làm việc tới thời điểm này đạt gần 90% so với trước giãn cách.

Chuyển đổi số: Chìa khóa để tăng trưởng

- Từ giai đoạn khó khăn vừa qua cho thấy việc áp dụng công nghệ và chuyển đổi số càng trở nên cấp thiết, thưa ông?

Ông Cao Hữu Hiếu: Kinh tế số đang được coi là động lực phát triển quan trọng để đưa Việt Nam trở thành nước phát triển vào năm 2045.

Đối với dệt may, chúng tôi định hướng phát triển theo hướng chú trọng công nghiệp thông minh; ứng dụng công nghệ số để tự động hóa các quy trình sản xuất, kinh doanh; quản lý, giám sát chuỗi cung ứng sản phẩm, bảo đảm nhanh chóng, minh bạch, chính xác; giảm những khâu trung gian khi xuất khẩu ra thị trường quốc tế.

Việc chuyển đổi số cũng như áp dụng các công nghệ tự động hóa sẽ thay thế một lực lượng lao động nhất định, đặt ra các câu hỏi về các giải pháp xử lý những tình huống phát sinh về dôi dư lao động, an sinh xã hội… cho một ngành thâm dụng lao động như dệt may.

Hiện tại, ngành Dệt may Việt Nam đang sử dụng khoảng 2,5 triệu lao động trên cả nước, tạo ra kim ngạch xuất khẩu 40 tỷ USD, thặng dư thương mại đạt gần 20 tỷ USD, là ngành có thặng dư cao nhất trong các ngành xuất khẩu do có tỷ lệ nội địa hoá khả quan nhất; đồng thời đang chi trả thu nhập cho người lao động khoảng 3.800USD/người/năm.

Với các mục tiêu xuất khẩu đến năm 2030, ngành dệt may hoàn toàn có thể sử dụng khoảng 4 triệu lao động trực tiếp (tăng 1,5 triệu so với hiện nay) và tạo việc làm cho 1,5 triệu lao động dịch vụ phục vụ ngành, tương đương với 250.000-300.000 việc làm mới mỗi năm.

Bên cạnh những việc làm bị thay thế bởi thiết bị tự động hóa, định hướng phát triển ngành ngành dệt may trong giai đoạn tới cũng tạo ra những vị trí việc làm mới như thiết kế thời trang, marketing, công nhân kỹ thuật bảo trì ở trình độ điện tử, cơ điện tử cao…

Tuy nhiên, lao động dệt may có đặc điểm là trình độ tương đối thấp, 84.4% lao động trong ngành dệt may chỉ có trình độ phổ thông, số lượng nhân lực có trình độ từ trung cấp trở lên chỉ chiếm 15,6%.

Do đó, việc đào tạo nâng cao trình độ, kỹ năng, đặc biệt các kiến thức liên quan đến công nghệ thông tin, tự động hóa, thiết kế... cần được chú trọng.

Xuất khẩu Dệt may Việt Nam tại một số thị trường:

Một yếu tố rất quan trọng đối với ngành là nếu đầu tư công nghệ, xây dựng hệ thống quản lý sản xuất hợp lý, giúp nâng cao năng suất lao động thì đơn giá lao động trên một sản phẩm sẽ giảm mà vẫn đảm bảo đáp ứng lương lao động cao.

Điều này cũng giúp giải quyết vấn đề thiếu lao động, tạo cơ hội để dệt may Việt Nam bứt phá, thoát ra khỏi xu thế tận dụng nhiều lao động nhưng lương thấp, không ổn định.

- Trong gian khó càng thể hiện bản lĩnh của các doanh nghiệp, là CEO của Vinatex, ông có thể chia sẻ cách làm để giúp Vinatex vượt qua những giai đoạn khó khăn nhất?

Ông Cao Hữu Hiếu: Giai đoạn dịch bệnh vừa qua là thời điểm khó khăn nhất mà Vinatex từng đối mặt. Đến thời điểm này, Vinatex đã có chiến lược đối phó tương đối tốt với tình hình dịch bệnh để ổn định lao động, phát triển sản xuất kinh doanh.

Theo tôi, điều quan trọng nhất góp phần vào thành công của Vinatex đó chính là xác định chiến lược phát triển đúng đắn, đưa ra những quyết định nhanh, chính xác và quan trọng hơn là sự đoàn kết, đồng lòng, quyết tâm của tập thể trong việc thực hiện chiến lược và quyết định đó.

Cụ thể, lãnh đạo Tập đoàn luôn xác định một cách cụ thể các tôn chỉ, tầm nhìn chiến lược, mang tính dài hạn. Chúng tôi tạo ra sự thấu hiểu trong toàn đơn vị, hướng tới mục tiêu: Xây dựng văn hóa doanh nghiệp, khơi dậy niềm tự hào về truyền thống và những thành quả của tập đoàn qua nhiều thế hệ.

Mặc khác, Vinatex luôn coi người lao động là tài sản quý giá của doanh nghiệp. Ngay khi dịch bệnh xảy ra, lãnh đạo Tập đoàn đã xác định rõ mục tiêu tiên quyết là “bảo toàn lực lượng lao động.”

Bên cạnh đó, hoạt động đào tạo, nghiên cứu phát triển cũng được quan tâm. Chúng tôi cũng đẩy mạnh hoạt động nghiên cứu, cập nhật công nghệ, phát triển sản phẩm mới, đảm bảo nền sản xuất tiên tiến, hiện đại, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của khách hàng và hệ thống sản phẩm chất lượng cao mang dấu ấn của Tập đoàn.

Hiện nay, tập đoàn đang tập trung xây dựng hệ thống quản trị số cho toàn bộ hệ thống sản xuất kinh doanh, tiến tới Công ty Mẹ và toàn bộ các đơn vị chi phối cùng chung một môi trường số hoá quản trị toàn bộ hoạt động - coi đây là chìa khóa để đảm bảo cho việc thực hiện thành công mục tiêu chiến lược giai đoạn 2022-2025.

- Xin trân trọng cảm ơn ông./.

Bài 3: Bứt phá thành công, xuất khẩu về đích ngoạn mục trong năm 2021

Đức Duy (Vietnam+)