Dệt kim Đông Xuân từ doanh nghiệp xuất khẩu khẩu trang đến đáp ứng các sản phẩm dệt kim của thế giới - Ảnh: V.T.
Không mấy ai tin có 2 bức tranh tương phản của ngành: phải tạm dừng hoạt động, công nhân lao động nghỉ việc trên diện rộng để ứng phó với làn sóng dịch COVID-19.
"Đã có lúc cảm thấy tuyệt vọng" - ông Cao Hữu Hiếu, tổng giám đốc Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex), nhớ lại thời điểm làn sóng dịch bệnh lần thứ 4 bùng phát và 19 tỉnh thành phía Nam phải áp dụng giãn cách xã hội.
"Nói nôm na là phá sản"!
Là một trong những doanh nghiệp lớn của Vinatex có số lao động nghỉ việc lúc cao điểm nhất lên tới 34.000/36.000 người, nhà máy đặt ở 8/19 tỉnh phải giãn cách dài ngày, ông Bùi Văn Tiến, tổng giám đốc Tổng công ty cổ phần may Việt Tiến, chia sẻ đã có "4 tháng đánh rớt hoàn toàn các chỉ tiêu phát triển". Mức độ ảnh hưởng là 100%, có đơn vị phải tái cấu trúc, hay nói nôm na là "phá sản".
Trong khi đó, ông Trần Như Tùng, chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần dệt may - đầu tư - thương mại Thành Công, chia sẻ về việc duy trì sản xuất "3 tại chỗ": "Chúng tôi phải làm chứ không thể đóng cửa nhà máy, vì dù sao có làm, có khó khăn, đội chi phí nhưng vẫn đỡ tồi tệ hơn, ít lỗ hơn so với không làm, đóng cửa". Tuy nhiên việc lo cho hơn 2.200/4.500 lao động ăn ở tại công ty là áp lực rất nặng nề.
Nhưng rồi giai đoạn khó khăn nhất cũng qua đi. Việc kiên trì duy trì sản xuất bất cứ lúc nào có thể, nhanh chóng khôi phục lực lượng lao động giúp doanh nghiệp vẫn giữ chân được khách hàng, duy trì được đơn hàng, mặc dù chi phí tăng trong khi giá đơn hàng không tăng.
Vinatex đã kịp thời đưa vào khánh thành 2 nhà máy sợi tại Khu công nghiệp Phú Bài (Thừa Thiên Huế) với tổng công suất hơn 5 vạn cọc sợi với định hướng xây dựng chuỗi cung ứng trọn gói, dịch COVID-19 bùng phát mạnh tác động sâu sắc đến chuỗi cung ứng toàn cầu.
Vinatex đã nhận ra cơ hội cho việc định vị và hoàn thiện hơn nữa định hướng trên, đó là giai đoạn 2022-2025 sẽ hình thành năng lực cung ứng đủ lớn cho ngành dệt kim.
Quả ngọt giữa thử thách
Nhờ nắm bắt cơ hội và đầu tư bài bản, các doanh nghiệp của Vinatex đã sớm hái quả ngọt ngay giữa mùa dịch đầy thử thách. Ông Hiếu khoe: tuần vừa rồi đã kết thúc xong đàm phán với một đối tác, khách hàng dệt may lớn cũng "ngang ngửa" Nike, Uniqlo.
Sau một thời gian hai nhà máy dệt kim làm đơn hàng ban đầu còn khiêm tốn thì tới đây có thể nâng lên gấp đôi và gấp 5 lần vào năm 2025 cho mỗi nhà máy.
Còn theo ông Tiến, dù làm gia công nhưng vẫn phải đầu tư bài bản nên các trung tâm R&D ra đời "đủ để nuôi bộ máy gia công". Sự đầu tư bài bản này giúp sản phẩm, đơn hàng mà doanh nghiệp nhận được có giá trị gia tăng cao hơn, sức cạnh tranh tốt hơn với thế giới.
Trong khi đó, với Dệt may Thành Công thì nỗ lực đàm phán, tìm kiếm bạn hàng, khách hàng có thể cùng đồng hành, chia sẻ những khó khăn với doanh nghiệp khi xảy ra cú sốc lớn vừa qua. Đồng thời, nỗ lực cải thiện bản thân để đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của khách hàng, đặc biệt là vấn đề phát triển bền vững trong các sản phẩm may mặc.
Ông Trần Thanh Hải, phó cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công thương), cho hay các sản phẩm xuất khẩu của Việt Nam đang dần đa dạng và phong phú hơn về chủng loại và mẫu mã, một số sản phẩm có thị phần lớn và vị thế cao, đáp ứng thị hiếu người tiêu dùng tại thị trường đích.
Điều này cho thấy các doanh nghiệp Việt đang chú trọng hơn đến việc xây dựng thương hiệu và nâng cao giá trị gia tăng của sản phẩm.
Thách thức nào cho năm 2022?
Ông Vương Đức Anh, chánh văn phòng Vinatex, chỉ ra: chi phí logistics đang ngày càng gia tăng rất cao vì tắc nghẽn và thiếu hụt container, tắc nghẽn cảng biển. Nhiều dự báo chỉ ra phải nửa sau 2022, sang năm 2023 tình hình mới có thể triển vọng sáng hơn. Trong bối cảnh đó, doanh nghiệp dệt may Việt Nam phải tìm cách để khắc phục khó khăn.
"Trong khi tổng cầu dệt may không tăng nhiều, miếng bánh không nở ra nhưng các quốc gia khác đều nỗ lực tăng thị phần, là sức ép cho năm 2022 nói chung" - ông Đức Anh nói.
Nguồn: Tuoitre.vn