[Diễn đàn] Kỳ vọng ngành Dệt may bứt phá trong giai đoạn mới

Để hoàn thiện Dự thảo Chiến lược phát triển ngành Dệt may và Da giày từ năm 2021 đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2035, nhiều ý kiến từ các nhà quản lý, tổ chức hiệp hội, nghiên cứu khoa học, luật sư, doanh nghiệp đã tích cực tham gia đóng góp hoàn thiện chiến lược phát triển cho ngành Dệt may trong thời gian tới. Xin trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc.

Hiện Cục Công nghiệp, Bộ Công Thương đang tập hợp góp ý xây dựng hoàn thiện Dự thảo Chiến lược phát triển ngành Dệt may và Da giày từ năm 2021 đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2035 (gọi tắt là Chiến lược). Hy vọng Chiến lược sẽ sớm được trình lên Thủ tướng Chính phủ để kịp thời phê duyệt và ban hành, tạo hành lang pháp lý huy động sự tham gia tích cực hơn nữa của các cấp từ Trung ương đến địa phương, đặc biệt là địa phương và doanh nghiệp trong phát triển riêng ngành Dệt may – một trong những ngành chủ lực về xuất khẩu của nền kinh tế.

Phó Cục trưởng Cục Công nghiệp (Bộ Công Thương) Phạm Tuấn Anh: “Sẽ hoàn thiện, trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, phê duyệt Chiến lược trong năm 2021”. 

Phó Cục trưởng Cục Công nghiệp Phạm Tuấn AnhPhó Cục Trưởng Cục Công nghiệp Phạm Tuấn Anh

Dệt may và Da giày là 2 trong số những ngành có kim ngạch xuất khẩu lớn, tạo công ăn việc làm cho hơn 3,4 triệu lao động. Tuy nhiên Việt Nam vẫn chưa tự chủ được nguồn cung nguyên phụ liệu dệt may, da giày, phải nhập khẩu nhiều, đặc biệt là vải. Vì vậy, dự thảo Chiến lược định hướng: Thúc đẩy đầu tư sản xuất nguyên, phụ liệu ngành Dệt may, Da giày, đáp ứng yêu cầu về quy tắc xuất xứ của các FTA thế hệ mới, cũng như đẩy mạnh quá trình nội địa hóa; Đẩy mạnh chuyển từ gia công sản xuất sang các hình thức đòi hỏi năng lực cao hơn về quản lý chuỗi cung ứng, chuỗi giá trị, thiết kế và xây dựng thương hiệu trên cơ sở công nghệ phù hợp đến hiện đại gắn với hệ thống quản lý chất lượng, quản lý lao động và bảo vệ môi trường theo chuẩn mực quốc tế.

 Để thực hiện theo những định hướng nêu trên, giải pháp đặt ra là: Hoàn chỉnh hệ thống luật, cơ chế chính sách liên quan đến đầu tư theo hướng thông thoáng, hấp dẫn nhưng vẫn đảm bảo chặt chẽ và phù hợp với thông lệ quốc tế; Xây dựng chính sách thu hút và khuyến khích đầu tư các dự án dệt-nhuộm-hoàn tất (ngành Dệt may) và bảo quản da nguyên liệu-thuộc da (ngành Da giày) có quy mô lớn, công nghệ hiện đại, đáp ứng các tiêu chuẩn về môi trường; Có chính sách ưu đãi, hỗ trợ cho doanh nghiệp ngành Dệt may, Da giày di dời vào các khu, cụm công nghiệp như: miễn thuế, giảm giá thuê đất, thuê hạ tầng cơ sở, hỗ trợ tuyển dụng lao động trên cơ sở tuân thủ các quy định pháp luật và các quy định về trợ cấp trong khuôn khổ WTO và các FTA mà Việt Nam là thành viên…

Về phần mình, các địa phương cần nghiên cứu, đề xuất, xây dựng cơ chế hỗ trợ kinh phí cho công tác xử lý chất thải ngành Dệt may và Da giày trong các khu công nghiệp, cụm công nghiệp chuyên ngành đã được quy hoạch.

Bên cạnh đó, cũng cần chú trọng chất lượng nguồn nhân lực. Đây là yếu tố quan trọng, góp phần vào quá trình phát triển ngành Dệt may - Da giày.

Cục Công nghiệp được Lãnh đạo Bộ Công Thương giao chủ trì xây dựng Chiến lược. Cục đang phối hợp chặt chẽ với đơn vị liên quan, trong đó có Viện Chiến lược Chính sách Công Thương, Vitas, Lefaso và sẽ đẩy nhanh tiến độ nhằm hoàn thiện dự thảo Chiến lược, trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, phê duyệt Chiến lược trong năm 2021.

Chủ tịch Vitas Vũ Đức Giang: “Không để những “đánh đổi” mở cửa là vô ích”. 

Chủ tịch Vitas Vũ Đức GiangChủ tịch Vitas Vũ Đức Giang

Các Hiệp định thương mại tự do giúp doanh nghiệp của ta được hưởng ưu đãi thuế quan, Dệt may là một trong những ngành được hưởng lợi nhiều, nếu đáp ứng được các quy tắc xuất xứ. Đơn cử, đối với Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) là quy tắc “từ sợi trở đi”; với Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EVFTA) là “từ vải trở đi”. Rõ ràng, để mở được cánh cửa vào thị trường EU với dòng thuế giảm sâu thì Việt Nam cũng cần mở cửa và giảm thuế cho một số mặt hàng của EU. Vậy nên, ở tầm chiến lược quốc gia, chúng ta phải có giải pháp đầu tư vào phần cung thiếu hụt của các ngành công nghiệp Dệt may, Da giày để tận dụng lợi ích từ dòng thuế đó, để những “đánh đổi” mở cửa không là vô ích. Và Chiến lược sẽ cần chú trọng giải quyết vấn đề này.

Việc ban hành một chiến lược cụ thể sẽ góp phần quy hoạch lại ngành Dệt may theo địa phương và vùng miền, xác định được những địa phương nào nằm trong khu vực cần phải đầu tư hạ tầng các khu công nghiệp để kêu gọi đầu tư vào sản xuất nguồn cung thiếu hụt cho ngành Dệt may và thậm chí là cả ngành Da giày - một trong những điểm nghẽn của Việt Nam thời gian qua. Đã đến lúc chúng ta phải đi bằng đôi chân của chính chúng ta, phát triển bằng nội lực của chúng ta.

Luật sư Trần Hữu Huỳnh, thành viên Ban điều hành Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam: "Dứt khoát không cho các hãng nước ngoài chi phối thị trường dệt may trong nước". 

Luật sư Trần Hữu Huỳnh, thành viên Tổ điều hành Trọng tài Quốc tếLuật sự Trần Hưu Huỳnh

Xét về định hướng phát triển của đất nước, với tư cách là ngành thu hút đến hàng triệu lao động, đóng góp vào GDP, đặc biệt là đóng góp vào xuất khẩu, giải quyết vấn đề nội tại của đất nước thì ngành Dệt may cũng có vai trò tương đối lớn, có một tỷ trọng tương đối trong nền kinh tế thì cần phải có một chiến lược để ngành phát triển. Theo đó, cần đặt chiến lược ngành trong tương quan Việt Nam hội nhập, chuyển đổi nền kinh tế, chuỗi giá trị, giá trị toàn cầu, cách mạng công nghệ và trên tinh thần phát huy một nền kinh tế độc lập, tự chủ. Đặt trong bối cảnh đó thì chúng ta sẽ làm rõ những nội dung cơ bản của chiến lược ngành Dệt may.

Bên cạnh đặt trong bối cảnh trên thì không thể tách rời việc nghiên cứu, tổng hợp, phân tích những thành công và thất bại của ngành Dệt may trong 30 năm qua như tỷ lệ nội địa hoá (hàm lượng Việt Nam) phải cao lên; những ngành phụ trợ cho dệt may (cúc, khoá…) mà sản xuất được thì phải sản xuất gấp…

Đồng thời, cần định rõ nguồn lực, phân công cơ quan/đơn vị thực hiện, giám sát việc triển khai Chiến lược. Chiến lược cho ngành Dệt may phải đặt trong bối cảnh quốc tế là “bay cùng đàn sếu” theo nguyên lý rằng khi đã hội nhập thì xuất phát điểm có thể bay sau cùng nhưng trong quá trình bay anh phải vươn lên thứ nhất.

Đặc biệt, các Hiệp định EVFTA, CPTPP đã mở cửa cho ngành Dệt may, thì khâu dệt nhuộm phải giải quyết dứt điểm, phải đề ra thời hạn sau bao lâu làm được. Ở đây chúng ta không phải hy sinh môi trường vì bây giờ công nghệ phát triển, phải nhập công nghệ tiên tiến. Nếu 1 doanh nghiệp không làm được thì các doanh nghiệp phải hợp lại thành tập đoàn dệt nhuộm.

Điều quan trọng nữa là thiết kế một số nhãn mang tên tuổi Việt Nam, dứt khoát không để các hãng nước ngoài chi phối thị trường dệt may trong nước. Chúng ta đã có May 10, Thắng Lợi, An Phước… thì phải coi đây phong trào để chiếm lĩnh thị trường nội địa, giành được thị phần của mình trong nước, tăng cạnh tranh với nước ngoài.

Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Viện Nghiên cứu Dệt may Việt Nam Phạm Văn Lượng: “Thu hút các doanh nghiệp sử dụng công nghệ dệt nhuộm bền vững”.

Ông Phạm Văn Lượng, Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Viện nghiên cứu Dệt MayChủ tịch HĐQT Phạm Văn Lượng

Cần phải thấy một thực tế là các doanh nghiệp nước ngoài nói chung và các doanh nghiệp FDI lớn đã đầu tư tại Việt Nam đều rất thành công và là những nhà cung cấp vải rất tiềm năng trong chuỗi cung ứng toàn cầu. Vì vậy, trong thời gian tới, Việt Nam rất cần có chính sách khuyến khích, thu hút đầu tư từ các doanh nghiệp sử dụng công nghệ dệt nhuộm bền vững để ngành Dệt may Việt Nam phát triển xanh hơn, bền vững hơn. Chỉ có như vậy, ngành Dệt may mới có thể giải quyết được những yếu kém trong sản xuất dệt nhuộm, tạo thêm nguồn nguyên liệu sợi, vải đạt tiêu chuẩn chất lượng cho may xuất khẩu.

Chúng ta cần khuyến khích đầu tư sản xuất sợi, vải trong nước, đáp ứng yêu cầu chất lượng cho may xuất khẩu, quy tắc xuất xứ của các FTA thế hệ mới, cũng như đẩy mạnh quá trình nội địa hóa, để cải thiện và giảm nhanh khoảng cách chênh lệch về trình độ, và năng suất với các nước có ngành dệt phát triển cao hơn. Xây dựng một số khu công nghiệp ngành Dệt may đồng bộ (bao gồm chuỗi sợi-dệt-nhuộm, hoàn tất vải-may mặc), hình thành chuỗi giá trị và cung ứng hoàn chỉnh giữa sản xuất sợi, vải, may và sản xuất nguyên, phụ liệu; Ưu tiên dự án sử dụng công nghệ hiện có tốt nhất, có quy trình sản xuất đồng bộ, đáp ứng các yêu cầu về sản xuất dệt may bền vững, tuần hoàn…

Tổng Giám đốc Tổng công ty May 10 Thân Đức Việt: “Đầu tư xứng đáng cho công nghiệp hỗ trợ ngành Dệt may”

Ông Thân Đức Việt, Tổng giám đốc Tổng công ty May 10 - CTCPTổng giám đốc Thân Đức Việt

Hiện, Tổng Công ty May 10 (May10) đang phải phụ thuộc khoảng 60% nguồn cung nguyên phụ liệu từ nước ngoài. Thế mạnh của May 10 là sản xuất các sản phẩm may mặc cuối cùng như veston, sơ mi... Chỉ tính riêng về mặt nguyên liệu vải, hiện May 10 đang phải nhập khẩu trên 60% từ các nước như Trung Quốc, Ấn Độ, Đài Loan, Hàn Quốc thậm trí cả các nước phát triển như là Châu Âu, Ý, và Tây Ban Nha…

Vì thế tôi có thể khẳng định, nếu thiếu công nghiệp hỗ trợ, chuỗi cung ứng nguồn cung nguyên phụ liệu không chủ động sẽ là rào cản lớn nhất cho sự phát triển của các DN như chúng tôi. Việc khơi thông “điểm nghẽn” này đồng nghĩa với việc đầu tư xứng đáng cho công nghiệp hỗ trợ để có thể chủ động nguồn cung nguyên phụ liệu. Hoạt động của các doanh nghiệp may Việt Nam có tính chất gia công lớn, nguyên phụ liệu chiếm khoảng 65% từ nguồn nhập khẩu. Sự lệ thuộc này không chỉ ảnh hưởng gián đoạn nguồn cung mà nó còn ảnh hưởng đến cả giá cả đầu vào thu mua nguyên vật liệu, đặc biệt là trong giai đoạn dịch bệnh hiện nay, giá container biến động, nguồn cung bị đứt gãy…

Tôi được biết Dự thảo Chiến lược này cũng đã diễn ra trong khoảng thời gian tương đối dài, để phù hợp và sát với thực tế của ngành, các cơ quan chức năng nên có một buổi hội thảo cuối cùng để đưa ra những tham vấn ý kiến cuối cùng, trước khi trình Chính phủ quyết định ký ban hành Quy hoạch này. Việc Chính phủ sớm ban hành Quy hoạch này là cấp thiết đối với nhu cầu các DN trong ngành như chúng tôi. Trên cơ sở đó có thể  tạo được hành lang pháp lý, cũng như tạo được hướng đi mới trong việc cung cấp nguồn cung nguyên phụ liệu sơi đệt nhuộm tại Việt Nam.

Hình thành cụm ngành Dệt may không chỉ bao gồm các doanh nghiệp sợi, dệt, nhuộm và may mặc mà còn bao gồm các doanh nghiệp thuộc ngành hạ nguồn như các kênh phân phối, bán lẻ đến người tiêu dùng; các nhà sản xuất sản phẩm phụ trợ, nhà cung cấp hạ tầng chuyên dụng, các tổ chức đào tạo và cung cấp nguồn nhân lực, trung tâm nghiên cứu và hỗ trợ kỹ thuật như các trường đại học, cơ quan nghiên cứu chính sách, trường dạy nghề. Ngoài ra, các cơ quan quản lý nhà nước cũng đóng vai trò quan trọng trong hoạt động của cụm ngành Dệt may.

Nguồn: Tapchicongthuong.vn

 

ĐĂNG KÝ HỘI VIÊN

Vui lòng đọc kĩ nội dung Thư mời gia nhập hội
Điền đầy đủ thông tin vào đơn gia nhập hội và gửi về địa chỉ bên dưới

  • Address: 183H Dương Quảng Hàm, P. 5, Q.Gò Vấp
  • Phone: (08) 6 2973 567 - Fax : (08) 62 973 540
  • Website: http://agtek.org.vn/