Tính chung trong 10 tháng, tổng trị giá nhập khẩu của nhóm hàng này đạt 21,58 tỷ USD, tăng 24%, tương ứng tăng 4,18 tỷ USD so với cùng kỳ năm 2020.
Nhóm hàng nguyên phụ liệu phục vụ ngành dệt may, da giày nhập khẩu về Việt nam trong 10 tháng năm 2021 chủ yếu có xuất xứ từ Trung Quốc, chiếm 52%, với 11,12 tỷ USD, tăng 27% so với cùng kỳ năm 2020. Tiếp theo là: Hàn Quốc với 2,04 tỷ USD, tăng 11%; Đài Loan (Trung Quốc) với 2,03 tỷ USD, tăng 23%; Hoa Kỳ với 1,49 tỷ USD, giảm 4,4%.
Trước đó, số liệu của Trung tâm thông tin Công nghiệp và Thương Mại (Bộ Công thương) cho hay, năm 2020 kim ngạch xuất khẩu hàng dệt và may mặc của Việt Nam đạt 35,29 tỷ USD, nhưng nhập khẩu nguyên phụ liệu phục vụ sản xuất hàng dệt và may mặc của Việt Nam cũng lên tới con số 21,38 tỷ USD.
Theo các chuyên gia, dù là một trong những ngành luôn dẫn đầu về kim ngạch xuất khẩu, song dệt may vẫn phụ thuộc chủ yếu vào nguồn nguyên phụ liệu nhập khẩu. Bởi không chủ động được nguồn nguyên liệu nên dệt may dễ rơi vào tình thế khó khăn khi xảy ra rủi ro như dịch bệnh, đồng thời ảnh hưởng đến lợi thế cạnh tranh.
Dẫu biết vậy, song nhiều năm qua, dệt may Việt Nam phải chấp nhận thực tế phụ thuộc nêu trên do công nghiệp hỗ trợ còn yếu kém, như chuyên gia kinh tế Bùi Ngọc Sơn (Viện Kinh tế và Chính trị thế giới) nhận xét, "bao nhiêu năm qua ngành nguyên phụ liệu may của Việt Nam không phát triển được".
Nguồn: https://datviet.trithuccuocsong.vn/kinh-te/thi-truong/det-may-giam-phu-thuoc-vao-trung-quoc-bai-toan-chi-phi-3442182/