Sau những khó khăn chồng chất do ảnh hưởng bởi dịch bệnh, đình trệ sản xuất, thời gian gần đây, doanh nghiệp (DN) ngành dệt may đã dần quay trở lại nhịp độ sản xuất. Các DN đã làm việc với khách hàng để tranh thủ sự chia sẻ trong lúc khó khăn, chấp nhận giãn tiến độ giao hàng, không hủy đơn hàng chuyển đi nơi khác…
Bên cạnh đó, các DN tiếp tục quan tâm đến người lao động đang còn làm việc tại DN, cũng như những người nghỉ không lương, ngừng chờ việc để họ gắn bó với DN, sẵn sàng đi làm khi hết dịch. Tập trung rà soát, làm thủ tục kịp thời cho những người là đối tượng được hưởng trợ cấp nhà nước.
Nhiều DN cho rằng, khi khả năng kiểm soát dịch tốt hơn, thị trường dệt may sẽ khởi sắc.
Ông Phạm Xuân Hồng, Chủ tịch Hội Dệt May Thêu đan TP.HCM (AGTEK) cho biết, dự trữ các đơn hàng tồn đọng chưa sản xuất còn khá nhiều, đồng thời các đơn hàng mới được bổ sung sẽ giúp các DN dồi dào đơn hàng. Bên cạnh đó, tinh thần người lao động cũng đang khá tốt sau khi được trở lại làm việc, có những DN năng suất cao hơn bình thường.
“Sau khoảng thời gian dài đình trệ, công nhân đang rất cần việc làm và thu nhập. Có nhiều DN đã tính đến phương án tăng ca, làm thêm giờ để kịp các đơn hàng. Tôi cho rằng, đây cũng là tín hiệu mừng cho các DN dệt may phía Nam trong 3 tháng cuối năm”, ông Hồng nhấn mạnh.
Về dự báo triển vọng năm 2022, ông Phạm Xuân Hồng cho rằng, năm 2022, tình hình dịch bệnh của Việt Nam và thế giới sẽ đi xuống, khả năng kiểm soát dịch tốt hơn, khi đó thị trường sẽ tốt lên. Sau khoảng 2 năm thị trường dệt may toàn cầu bị “áp lực” quá lớn, nếu phục hồi nhu cầu mua sắm của người dân sẽ tăng cao. Bên cạnh đó, các đối thủ với Việt Nam hiện cũng chưa có quá nhiều ưu thế hơn so với Việt Nam.
“Không chỉ an toàn xã hội, chính trị ổn định mà tay nghề công nhân của Việt Nam cũng tốt hơn. Chúng ta nên “chớp” lấy cơ hội để vươn lên trong năm 2022. Tôi hy vọng sau một thời gian bị “oải” vì dịch bệnh, các DN sẽ liên kết lại với nhau để khai thác được tiềm năng tăng trưởng của thị trường dệt may thế giới”, ông Hồng nói.
Bên cạnh những yếu tố tích cực, nhìn lại tổng thể ảnh hưởng của dịch bệnh thời gian qua, ông Lê Tiến Trường, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex) phân tích, áp lực và rủi ro khá lớn cho DN dệt may Việt Nam là trong khi các thị trường chính phục hồi mạnh, nhu cầu tăng nhanh trở lại thì ngành dệt may Việt Nam lại không được tổ chức sản xuất vì dịch bệnh.
Điều này khiến lượng khách hàng phải dịch chuyển đơn hàng khỏi Việt Nam chắc chắn sẽ lớn, với mức dự báo khoảng 3-4 tỷ USD trong quý III/2021 khi kim ngạch xuất khẩu chỉ đạt 10 tỷ USD, trong khi mức trung bình của năm 2019 là khoảng 13 tỷ USD.
“Dịch chuyển của khách hàng đồng nghĩa với ảnh hưởng tới vị trí và thị phần của dệt may Việt Nam trong chuỗi cung ứng, chưa khẳng định ngay là sẽ giảm nhưng có tín hiệu xu thế giảm. Đồng thời tạo tâm lý cần đa dạng hoá quốc gia đặt hàng của các hãng, có nguy cơ dài hạn làm giảm tốc độ tăng trưởng của dệt may Việt Nam đang đạt được 3 năm trở lại đây”, ông Trường nói.
Ông Lê Tiến Trường cũng đánh giá, áp lực trở lại năng lực sản xuất như mức trước đại dịch và giãn cách sẽ là chủ đề của DN trong 3 năm tới. Ngoài việc cạnh tranh trong ngành dệt may về lao động, còn là sự cạnh tranh gay gắt hơn với các ngành công nghiệp khác ở khu vực kinh tế trọng điểm phía Nam đang cùng thiếu lao động trên diện rộng.
Bên cạnh đó, chi phí ngoài sản xuất sẽ còn tiếp tục tăng cao với các DN trong năm 2022, lớn nhất là 2 nhóm chi phí gồm: Xét nghiệm Covid -19 cho người lao động (nếu dự báo đến tháng 6/2022 Việt Nam mới phủ kín vaccine toàn dân); chi phí logistics trong và ngoài nước.
Chi phí ngoài sản xuất sẽ còn tiếp tục tăng cao với các DN dệt may trong năm 2022.
Theo Hiệp hội Dệt may Việt Nam (VITAS), căn cứ vào diễn biến dịch bệnh đang còn rất phức tạp tại nhiều địa phương trên cả nước, đặc biệt là tại các tỉnh phía Nam, dự báo 3 tháng cuối năm 2021 sẽ là khoảng thời gian cực kỳ khó khăn đối với ngành dệt may. Trong rất nhiều nguy cơ, nguy cơ cao nhất là khả năng đứt gãy chuỗi cung ứng do khách hàng chuyển đơn hàng đi nơi khác. Bên cạnh đó là nguy cơ thiếu lao động do lao động về quê tránh dịch, không dễ quay trở lại ngay.
Do đó, VITAS cũng đưa ra 3 kịch bản về đích cho năm 2021. Với kịch bản tích cực nhất, khả năng trị giá xuất khẩu dệt may cả năm 2021 sẽ đạt khoảng 37,5 – 38 tỷ USD. Nếu tình hình dịch bệnh còn phức tạp khi vẫn còn có một số địa phương, khu công nghiệp bị phong tỏa, cách ly trong tháng 11/2021, xuất khẩu cả năm dự kiến đạt khoảng 36 - 36,5 tỷ USD. Nếu tình hình dịch bệnh còn phức tạp đến đầu tháng 12/2021, xuất khẩu của ngành dự kiến chỉ đạt 33,5 - 34 tỷ USD./.
VOV