Giá vận chuyển, nguyên liệu tăng cao
Hiện là thời điểm các doanh nghiệp dệt may đẩy mạnh sản xuất hoàn tất các đơn hàng. Tuy nhiên, giá nguyên phụ liệu trên thế giới đang vào thời kỳ tăng giá mạnh. Theo đó, giá bông, giá sợi đều tăng cao đã tác động trực tiếp đến giá nguyên phụ liệu ngành dệt may của Việt Nam.
Theo khảo sát, các doanh nghiệp dệt may Việt Nam thường nhập khẩu từ 60 - 70% nguyên liệu sản xuất. Vì vậy giá nguyên phụ liệu hiện nay gần như phụ thuộc từ biến động thị trường thế giới.
Theo số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan, tính hết tháng 9, tổng kim ngạch nhập khẩu của nhóm hàng này đạt tới 19,6 tỷ USD, tăng 26,9%, tương ứng tăng 4,2 tỷ USD so với cùng kỳ năm 2020.
Tổng Giám đốc Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex) Cao Hữu Hiếu cho biết, hầu hết các đơn vị trong Tập đoàn hiện đã có đơn hàng đến hết quý IV/2021, thậm chí là quý I/2022, tuy nhiên, thời gian qua các doanh nghiệp may ở các tỉnh, thành phố phía nam rơi vào tình trạng sản xuất cầm chừng, đóng cửa nhà máy do diễn biến phức tạp của dịch bệnh. Nhiều doanh nghiệp áp dụng chế độ làm việc “3 tại chỗ” để hoàn thành các đơn hàng khiến chi phí phát sinh tăng cao, bị thua lỗ.
Xu hướng giá nguyên liệu đầu vào tiếp tục tăng trong thời gian tới sẽ là thách thức lớn cho doanh nghiệp, nhất là đối với những doanh nghiệp đã ký với khách hàng giá thấp từ năm ngoái sẽ phải chịu thiệt hại không nhỏ.
Thực hiện đơn hàng xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản của CTCP may Hưng Việt, huyện Mỹ Hào, tỉnh Hưng Yên. Ảnh: Trần Việt/TTXVN.
Tổng Giám đốc Vinatex Cao Hữu Hiếu cho biết thêm, Tập đoàn đã triển khai mạnh mẽ nhiều giải pháp ứng phó nhằm hạn chế tác động tiêu cực của dịch bệnh và giá nguyên liệu đầu vào tăng. Đối với việc đứt gãy chuỗi cung ứng gây nên tình trạng nguyên liệu về chậm hay giá nguyên phụ liệu và phí logistics tăng mạnh thời gian qua, đơn vị sản xuất phải làm việc chặt chẽ với khách hàng và kêu gọi khách hàng chia sẻ khó khăn trong công tác triển khai đơn hàng, cùng nhau đưa ra giải pháp tối ưu nhất.
Bên cạnh đó, doanh nghiệp cũng chủ động làm việc với nhà cung cấp để tránh giá tăng quá cao gây ảnh hưởng đến đầu ra, nâng cao công tác dự báo thị trường để có kế hoạch nhập khẩu nguyên phụ liệu dự trữ, tránh tác động khi giá tăng phi mã.
Đảm bảo chuỗi cung ứng
Ông Trần Thanh Hải, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) cho biết, dịch bệnh COVID-19 bùng phát cùng với tác động của các biện pháp phòng, chống dịch đã gây ảnh hưởng sâu sắc đến chuỗi cung ứng hàng hóa.
Hiệu ứng đầu tiên khi COVID-19 lan đến Việt Nam từ đầu năm 2020 là đã làm gián đoạn, thiếu hụt nguồn cung nguyên liệu. Lúc đầu, chúng ta lo ngại tình hình dịch bệnh ảnh hưởng đến xuất khẩu nông sản qua biên giới Trung Quốc, nhưng sau đó là tình trạng thiếu hụt nguồn cung, do Trung Quốc là nơi cung ứng nguồn nguyên liệu bán thành phẩm cũng như thành phẩm rất lớn, nhiều ngành sản xuất của Việt Nam đang sử dụng nguồn cung từ Trung Quốc như dệt may, da giày, đồ gỗ, điện tử…
Khi Trung Quốc dần khống chế được dịch bệnh, khôi phục được nguồn cung, thì dịch bùng phát rộng ở EU và Bắc Mỹ, một số nhãn hàng đã có động thái giãn, hoãn hoặc ngừng nhận đơn hàng từ các nước, trong đó có Việt Nam.