Giá bông trên Sở Giao dịch ICE của Mỹ đã chinh phục thành công mức đỉnh của 10 năm qua, gia nhập danh sách dài các nguyên liệu thô đang bùng nổ và đà tăng chưa có dấu hiệu sẽ dừng lại. Trong khi đó, giá sợi cũng tăng khoảng 8 - 10%, điều này tác động trực tiếp đến giá nguyên phụ liệu ngành dệt may của Việt Nam.
Dù có lượng đơn hàng dồi dào, nhưng các doanh nghiệp xuất khẩu đang phải cân đối chặt chẽ chi phí sản xuất, bám sát vào diễn biến giá nguyên liệu trên thị trường.
Công ty Prosport có hơn 100 nhà cung cấp nguyên phụ liệu thường xuyên, chủ yếu ở khu vực phía Nam và các đối tác nước ngoài như Trung Quốc, Ấn Độ, Hàn Quốc… Khoảng 2 tuần trở lại đây, họ liên tiếp nhận được thông báo tăng giá từ các đối tác cung ứng vải Trung Quốc. Hiện nhiều hợp đồng mới vẫn đang tiếp tục được đàm phán về giá.
Những tháng cuối năm là thời điểm các doanh nghiệp đẩy mạnh sản xuất để hoàn tất các đơn hàng xuất khẩu đã ký kết. Ảnh minh họa - Nguồn: Báo Đầu tư.
Theo khảo sát, các doanh nghiệp dệt may Việt Nam thường nhập khẩu từ 60 - 70% nguyên liệu sản xuất. Vì vậy giá nguyên phụ liệu hiện nay gần như phụ thuộc từ biến động thị trường thế giới.
Đáng chú ý, theo số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan , trong 8 tháng đầu năm nay, trị giá nhập khẩu nhóm hàng nguyên phụ liệu cho ngành dệt may, da giày tăng 29,4% so với cùng kỳ năm 2020.
Mặc dù nguyên phụ liệu tăng giá và chậm giao hàng, nhưng các doanh nghiệp dệt may chưa thể tăng giá thành phẩm trong ngắn hạn.
"Bản thân chúng tôi hiểu khi thị trường mới phục hồi rất khó để tăng giá sản phẩm. Chúng tôi cũng tập trung công tác tiết kiệm các nguyên vật liệu, tiết kiệm chi phí đầu vào có thể. Về giá chắc chắn là tăng rồi nhưng mọi hoạt động của may 10 hiện nay thì phải tiết kiệm mọi định mức kỹ thuật…", ông Thân Đức Việt - Tổng Giám đốc Tổng Công ty May 10 cho hay.
Hiện thời điểm này cũng đang là chu kỳ nước rút tăng giá nguyên phụ liệu trên toàn thế giới. Do phần lớn các doanh nghiệp đang phụ thuộc vào nguyên liệu nhập khẩu nên chi phí cho sản xuất cũng tăng lên, gây nhiều rủi ro.
VTV.VN