Nhiều doanh nghiệp vượt qua khó khăn để duy trì sản xuất, giữ thu nhập cho công nhân - Ảnh: N.H.
Các doanh nghiệp (DN) vừa trải qua một chuỗi khó khăn chưa từng có. Tinh thần doanh nhân Việt luôn nỗ lực vượt khó nhưng cũng cần sự chia sẻ của cộng đồng, chính quyền.
Dưới đây là tâm sự của ông Trần Như Tùng - chủ tịch HĐQT Công ty CP dệt may - đầu tư - thương mại Thành Công.
Những quyết định sống còn
Khi TP.HCM quyết định phải "3 tại chỗ" để sản xuất, chúng tôi rất bối rối. Kịch bản xấu nhất là nếu đóng cửa, chúng tôi mỗi sáng thức dậy vẫn phải trả chi phí 3,5 tỉ đồng, khoảng 100 tỉ đồng mỗi tháng, với DN có đến 7.500 công nhân.
Trong khi đó, lợi nhuận sau thuế mỗi năm chỉ khoảng 275 tỉ đồng. Lúc đó, chúng tôi đứng trước lựa chọn cân não: nếu tiếp tục sản xuất sẽ lỗ ít hơn, chỉ mất 5 - 10 tỉ đồng/tháng.
Trước nghịch cảnh đó, chúng tôi nản dữ lắm.
Đóng cửa sẽ khó giữ phúc lợi, khó giữ chân họ, hết dịch lấy đâu ra công nhân để làm. Thứ nữa là phải giữ chân khách hàng, họ sẽ chuyển sang thị trường khác bởi sắp tết tây, Giáng sinh, cao điểm của thị trường Mỹ và châu Âu. Phải bằng mọi cách giữ họ, cũng là cách giữ dòng tiền, bởi không có doanh thu thì cũng chẳng có tiền mà trả chi phí.
Chúng tôi quyết định áp dụng "3 tại chỗ" cho hơn 2.000 người trên tổng số 4.500 công nhân cho riêng nhà máy tại TP.HCM từ ngày 18-7.
Đối diện sóng F0 và sóng lao động về quê
Ở DN chúng tôi có những gia đình 3 đời cùng vào nhà xưởng, vì thế không thể bỏ rơi họ. Chúng tôi quyết định bên cạnh sự hỗ trợ của Nhà nước, công ty phải có gói hỗ trợ riêng cho người lao động với tiêu chí là hợp lý, hợp tình và thực sự "không ai bị bỏ lại phía sau".
Chúng tôi có F0, con số cứ tăng lên, đến nay có tới gần 400 F0. Có người đi làm, có người ở nhà, có người F0 hoặc F1, có mẹ già con thơ khó khăn hoặc đang mang thai không đi làm được... nên chúng tôi chia ra đến 6 gói hỗ trợ riêng biệt cho từng nhóm.
Với lao động "3 tại chỗ", ngoài lương phải có thêm trợ cấp để kích thích tinh thần cho họ.
Đó là làm một cách thấu lý, còn về đạt tình, chúng tôi phải cố gắng làm sao chia sẻ tốt nhất cho người lao động. Chúng tôi sợ nhất nếu không chăm sóc tốt thì sau dịch họ sẽ bỏ về quê. Và thực tế đã như chúng tôi dự đoán.
Tôi nói với giám đốc nhân sự rằng: "Cái gì tốt nhất, hợp lý nhất cho người lao động thì cứ đề xuất. Còn về lợi nhuận, tôi sẽ chịu trách nhiệm trước cổ đông". Chúng tôi xác định đây là thời điểm ưu tiên cho người lao động chứ không phải là lợi nhuận. Những lúc khó khăn cổ đông cần chia sẻ với người lao động vì họ sẽ tạo ra của cải cho công ty trong tương lai.
Đến nay, tỉ lệ lao động trở lại công ty lên đến 86%.
Và con tim đã vui trở lại
Bây giờ nhìn lại, cái làm mình xúc động nhất là sự đồng lòng. Chúng tôi họp liên tục, tinh thần là "không được bàn lùi", đưa ra giải pháp. Khi công ty khó khăn về dòng tiền thì cấp quản lý chấp nhận giảm lương để bù đắp cho người lao động. Công nhân đa số là người ngoại tỉnh, nếu giảm nữa lấy đâu họ có tiền thuê nhà, mua lương thực.
Đến bây giờ, chúng tôi cho công nhân sản xuất lại bình thường, đã có đơn hàng cho đến quý 1 năm sau, tuyển thêm công nhân. Những công nhân mới vào trả lời chúng tôi khi chuyển công ty là vì thời gian qua họ không nhận được những sự hỗ trợ tốt từ công ty cũ.
Năm ngoái, tôi nhận được email của đối tác là chủ tịch một tập đoàn bán lẻ thời trang của Mỹ, trong đó có một câu rất ấn tượng với đại ý: đại dịch là một cuộc khủng hoảng, DN bình thường sẽ gặp khó và thất bại, DN tốt có thể tồn tại và DN vĩ đại có thể thích nghi, phát triển mạnh mẽ hơn. Chúng tôi đã phổ biến tinh thần đó đối với tất cả mọi người để cùng nhau vượt qua khủng hoảng.
Nguồn:Tuoitre.vn