Dệt may xuất sang EAEU vượt quota ưu đãi: Điều lo hơn...
Chuyên gia lo ngại, Trung Quốc đầu tư mạnh vào dệt may ở Việt Nam, làm gia tăng lượng hàng xuất khẩu, và cuối cùng thiệt thòi thuộc về Việt Nam.
Bộ Công thương vừa nhận được công hàm của Ủy ban Kinh tế Á Âu (EEC) thông báo các mặt hàng dệt may của Việt Nam xuất khẩu vào Liên minh Kinh tế Á-Âu (EAEU) vượt ngưỡng hạn ngạch thuế quan ưu đãi nhập khẩu quy định cho năm 2021 trong 7 tháng đầu năm theo quy định tại Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh Kinh tế Á Âu (VN-EAEU FTA).
Theo Điều 2.10 của VN-EAEU FTA quy định về biện pháp phòng vệ ngưỡng đối với 12 nhóm mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam, mặt hàng dệt may đang có nguy cơ bị áp dụng biện pháp phòng vệ ngưỡng khi nhập khẩu vào EAEU, theo đó, tùy thuộc lượng xuất khẩu vượt ngưỡng, các mặt hàng dệt may của Việt Nam sẽ bị áp mức thuế MFN trong thời gian 6 tháng hoặc 9 tháng.
Hiện tại, theo Quyết định số 85 ngày 06/7/2021 của Hội đồng EEC về việc áp dụng biện pháp phòng vệ ngưỡng, có hiệu lực từ ngày 07 tháng 8 năm 2021, 02 nhóm hàng dệt may xuất khẩu của Việt Nam không được hưởng mức thuế ưu đãi 0% theo VNEAEU FTA khi xuất khẩu sang thị trường EAEU trong vòng 06 tháng do vượt ngưỡng quy định cho năm 2020 gồm hàng chục mã nhóm váy, đầm, quần áo phụ nữ và nhóm dệt may khác.
Như vậy, các nhóm hàng dệt may trên khả năng sẽ bị áp thuế ưu đãi tối huệ quốc (MFN) là 12%, thay vì 0% như ưu đãi trong EAEU.
|
Hàng dệt may Việt Nam vượt quota ưu đãi vào Liên minh Kinh tế Á-Âu. Ảnh minh họa: TTXVN |
Trao đổi với Đất Việt, chuyên gia kinh tế Bùi Ngọc Sơn (Viện Kinh tế và Chính trị thế giới), cho biết, EAEU cũng là hình thức của hiệp định thương mại tự do (FTA). Ngành dệt may là ngành sử dụng nhiều lao động và EAEU sử dụng quota ưu đãi như một cách để tạo điều kiện cho các nước nghèo phát triển.
Ngoài các nhà máy may mặc của các nước thành viên EAEU như Khazakstan, Belarus hay Nga, EAEU còn cấp quota ưu đãi cho các nước khác. Do vậy, họ chỉ cho phép Việt Nam nhập một số lượng hàng dệt may nhất định, nếu xuất khẩu nhiều hơn thì hàng dệt may Việt Nam bị đánh thuế hạn ngạch, một phần để bảo vệ sản xuất nội địa, một phần để tránh hàng Việt Nam lấn át thị phần của nước khác.
Điều quan trọng hơn trong sự việc này, theo ông Sơn, Việt Nam phải xem lượng hàng may mặt xuất khẩu đó thực sự là của doanh nghiệp Việt Nam hay của doanh nghiệp FDI, mà đây có thể là nguyên nhân khiến Việt Nam bị thiệt thòi.
Minh chứng cho nghi ngại của mình, chuyên gia kinh tế Bùi Ngọc Sơn nhắc lại câu chuyện rất nhiều doanh nghiệp FDI từ Trung Quốc, trong đó có doanh nghiệp trong lĩnh vực dệt may, kể từ khi xảy ra chiến tranh thương mại Mỹ-Trung đã tìm cách di chuyển sản xuất sang các quốc gia khác, trong đó có Việt Nam.
Nếu chúng ta không quản lý tốt thì doanh nghiệp ngoại sẽ được hưởng lợi, còn phía Việt Nam hầu như không được gì, thậm chí là thua thiệt.
Ngược lại, nếu quản lý tốt, công nghệ, vốn liếng doanh nghiệp Việt bỏ ra, ngành dệt may lại sử dụng nhiều lao động... thì phía Việt Nam sẽ được hưởng nhiều thứ. Chẳng hạn, nếu trình dộ may mặc tài giỏi, học hỏi thiết kế được, doanh nghiệp Việt có thể hưởng được cả phần giá trị mà thiết kế đem lại. Hay nếu doanh nghiệp Việt nâng cao được trình độ sản xuất hàng phụ liệu may thì cũng được hưởng cả phần này.
Điều đáng tiếc là bao nhiêu năm qua ngành phụ liệu may của Việt Nam không phát triển được", chuyên gia kinh tế Bùi Ngọc Sơn phân tích.
Cũng theo vị chuyên gia, khi FDI đầu tư vào dệt may ở Việt Nam, họ đưa vốn liếng, công nghệ vào và dùng lao động của Việt Nam thì Việt Nam cũng có điều kiện phát triển. Nhưng đó chỉ nên là giai đoạn ban đầu, sau đó, doanh nghiệp Việt phải chăm chỉ, suy nghĩ cách phát triển của chính mình.
"Dệt may được đánh giá là ngành được hưởng nhiều lợi ích từ các FTA Việt Nam đã ký kết, song hưởng lợi nhiều nhất là khối doanh nghiệp FDI, không phải doanh nghiệp dệt may trong nước. FDI đóng góp tới 60% tổng kim ngạch xuất khẩu, có quy mô sản xuất lớn, đầu tư bài bản và đã đầu tư hàng tỷ USD để mở rộng năng lực sản xuất nhằm đón cơ hội từ các FTA.
Dệt may là ngành quan trọng nhưng mấy chục năm nay Việt Nam vẫn chủ yếu đi nhập khẩu nguyên phụ liệu... Đến khi doanh nghiệp FDI vì chiến tranh thương mại mà di chuyển sản xuất sang Việt Nam, vốn liếng của họ, công nghệ của họ, nguyên liệu của họ, chúng ta được gì?", ông Bùi Ngọc Sơn chỉ rõ.
Nhìn rộng ra, ông Sơn nhắc lại những mặt hàng công nghiệp xuất khẩu chủ lực của Việt Nam, ngoài dệt may còn có giày dép, chế biến gỗ, nhựa... FDI vẫn là động lực chính góp phần vào tăng trưởng xuất khẩu chung các mặt hàng này. Nói cách khác, thành tích xuất khẩu đạt được thuộc về FDI và họ là người hưởng lợi chính từ thành tích này.
"Nếu sớm thỏa mãn thì rốt cục chúng ta mở cửa chỉ để thành chỗ làm ăn cho doanh nghiệp ngoại. Chúng ta đi làm thuê, được đồng nào lại tiêu thụ hàng cho nước ngoài, từ nhập khẩu ô tô, đồ xa xỉ phẩm... đến du lịch, khám bệnh cũng lại ra nước ngoài.", ông Bùi Ngọc Sơn nói.
Nguồn: https://datviet.trithuccuocsong.vn/kinh-te/thi-truong/det-may-xuat-sang-eaeu-vuot-quota-uu-dai-dieu-lo-hon-3440287/