Mỗi tuần, công ty dệt may chi 2,2 triệu đồng/công nhân vì '3 tại chỗ'
Những chi phí này bao gồm tiền ăn, ở và xét nghiệm. Nếu muốn duy trì 1.000 công nhân, doanh nghiệp phải bỏ ra tới 2,2 tỷ đồng/tuần.
Đó là số liệu được TS. Đỗ Quỳnh Chi - giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Quan hệ Lao động (ERC) - nêu ra trong chương trình đối thoại “Chung sức vì sự phục hồi bền vững ngành dệt may - da giày Việt Nam” do hai hiệp hội VITAS và Lefaso đồng tổ chức.
Kết quả này được thu thập từ cuộc khảo sát 256 doanh nghiệp dệt may, da giày cùng 300 công nhân ngành.
Quý III, do ảnh hưởng của làn sóng Covid-19 lần thứ 4, các trung tâm sản xuất tại khu vực miền Nam rơi vào trạng thái tê liệt trung bình khoảng 10 tuần. Do đó, 17 khu công nghiệp tại TP.HCM chỉ hoạt động ở mức 26,4% công suất.
68,1% doanh nghiệp bị nhãn hàng phạt vì giao hàng chậm
Ngược lại, nhờ kiểm soát dịch nhanh chóng và hưởng lợi từ xu hướng chuyển dịch đơn hàng, ngành dệt may và da giày khu vực các tỉnh Bắc đang đón nhận những tín hiệu tích cực. Theo ước tính của VITAS, xuất khẩu dệt may năm 2021 của Việt Nam có thể đạt 30-33 tỷ USD.
Bà Chi cho biết khảo sát trong tháng 9 tại những khu vực thực hiện Chỉ thị 16 cho thấy sự khác biệt lớn giữa doanh nghiệp FDI và doanh nghiệp Việt Nam. Cụ thể, có tới 62,7% doanh nghiệp FDI duy trì hoạt động và áp dụng phương án “3 tại chỗ”, “một cung đường, 2 điểm đến”. Đối với doanh nghiệp nội, con số này khoảng 34,7%.
%%Khả năng duy trì hoạt động của doanh nghiệpDệt mayDa giàyDN hoạt động trên 6thángĐã tạm ngừng hoạt động3-6 tháng1-3 thángDưới 1 tháng081624324001020304050
Đối mặt với sự hoành hành của dịch Covid-19, các doanh nghiệp phải áp dụng nhiều biện pháp điều chỉnh lao động, tiêu biểu nhất là cho người lao động nghỉ việc hưởng lương (41,8%), nghỉ việc không lương (36,4%), không tham gia 3 tại chỗ (35,5%).
Về phương án sản xuất 3 tại chỗ, để duy trì một lao động/tuần, các doanh nghiệp phải tiêu tốn khoảng 2,2 triệu đồng, bao gồm các chi phí như tiền ăn, ở, xét nghiệm (chưa tính chi phí điện nước). Căn cứ số liệu đó, nếu duy trì 1.000 công nhân, doanh nghiệp phải chi 2,2 tỷ đồng/tuần.
“Chi phí chống dịch, 3 tại chỗ chiếm tỉ trọng không nhỏ trong chi phí vận hành, khiến nhiều doanh nghiệp kiệt quệ về tài chính, không duy trì được phương án này lâu dài”, đại diện ERC nhấn mạnh.
Tình trạng thiếu hụt công nhân, sản xuất cầm chừng đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến tiến độ đơn hàng. Có 68,1% doanh nghiệp cho biết bị nhãn hàng phạt do giao hàng chậm, số lượng doanh nghiệp phải đền hợp đồng, bị nhãn hàng hủy đơn chiếm 12,2%, chỉ khoảng 18% doanh nghiệp không bị ảnh hưởng đến tiến độ trả hợp đồng đã ký kết.
Bên cạnh các nhãn hàng hủy hợp đồng giữa chừng và chuyển sang Trung Quốc hoặc Indonesia, có nhãn hàng đồng ý gia hạn giao hàng cho doanh nghiệp, nhưng chỉ trong trường hợp doanh nghiệp tự chủ động chi phí vận chuyển hàng không, có thể lên tới hàng trăm tỷ đồng.
Mặc dù vậy, các nhãn hàng lâu năm vẫn đánh giá cao lợi thế của Việt Nam nếu xét trên tốc độ sản xuất, hiệu suất, chất lượng lao động và vị trí địa chính trị, đồng thời cam kết mối quan hệ hợp tác lâu dài.
Gần 90% lao động về quê muốn quay lại nhà máy
Về người lao động, nhóm nghiên cứu tập trung tại 15 tỉnh, thành phố nơi ngành dệt may, da giày chiếm tới 90% sản lượng tại Việt Nam.
Trong số 300 lao động được hỏi, số lao động có gia đình và con cái chiếm phần đông (67,9%). Tuy nhiên, 60% người tham gia cho biết đang nghỉ việc, chỉ 24% đang sản xuất bình thường.
Trong doanh nghiệp, gần 60% người lao động bị giảm thu nhập do bị giãn ca hoặc làm việc không liên tục. Trái lại, nhóm 3 tại chỗ ghi nhận mức thu nhập tăng từ 10-30%. Thu nhập phát sinh của nhóm này chủ yếu nhờ quá trình tăng ca, thường trên đối tượng làm 60 giờ/tuần trở lên, bao gồm cả chủ nhật.
Tình trạng việc làm của người lao độngĐang nghỉ việcĐang nghỉ việc3 tại chỗ3 tại chỗGiãn caGiãn caLàm việc bình thườngLàm việc bình thường
Với nhóm lao động ngừng việc, 52% người cho biết nguyên do vì doanh nghiệp ngừng hoạt động, 17% người chấp nhận ngừng vì không thể hoặc không muốn tham gia 3 tại chỗ. Song, 62% người lao động ngừng việc hiện không có bất kỳ nguồn thu nhập nào.
Nguồn hỗ trợ lớn nhất đối với nhóm lao động ngừng việc vẫn là doanh nghiệp. 27,1% người cho biết họ nhận được trợ cấp ngừng việc từ Nghị quyết 68. Tuy nhiên, rất ít lao động nhận được trợ cấp thất nghiệp, phần lớn vì doanh nghiệp chủ quản đã ngừng hoạt động, địa phương yêu cầu nhiều thủ tục, cứng nhắc hoặc đang ở trong vùng đỏ, bị cách ly.
“Một số doanh nghiệp vẫn trả lương tối thiểu trong 14 ngày cho công nhân, sau đó hỗ trợ từ 500.000-3.000.000 đồngtháng. Thực tế này hầu hết xuất hiện tại những doanh nghiệp lớn, khối nhỏ và vừa thường không đủ tiềm lực tài chính để kéo dài”, bà Chi phân tích.
Ông Trương Văn Cẩm, Phó chủ tịch VITAS, cho biết khối doanh nghiệp dệt may, da giày đang đối mặt với tình trạng thiếu nhân công trầm trọng khi người lao động có xu hướng về quê tránh dịch.
%Dự định của người lao động di cưTiếp tục làm ở nhà máy hiện tạiTìm việc ở quêDi cư và tìm việc khácChưa có dự định020406080100
Hiện, ngành dệt may, da giày sử dụng nhiều lao động nhất Việt Nam. Riêng ngành dệt may đã có khoảng 2 triệu lao động, chiếm 25% trong các ngành công nghiệp chế biến chế tạo. Khối da giày sử dụng khoảng 1,4 triệu lao động, chiếm 18,2%. Có tới 1,5 triệu người kinh doanh thương mại dịch vụ liên quan.
Khó khăn trong công việc khiến nhiều lao động suy giảm sức khỏe tài chính, kiệt quệ về tâm lý trong thời gian dài giãn cách. Khảo sát chỉ ra 60% người lao động di cư muốn về quê hoặc đã về quê, chủ yếu trong thời gian ngắn để hồi phục sức khỏe và cuộc sống cho bản thân, con cái.
Trong đó, 89% người di cư và 96% lao động địa phương muốn tiếp tục làm ở nhà máy hiện tại. Song, nếu không có biện pháp hỗ trợ, gắn bó tích cực, các doanh nghiệp sẽ phải mất từ 3-5 tháng để người lao động trở lại nhà máy.
Nguồn:Zingnews.vn