Thời trang nhanh: Mặt trái của tốc độ

Mua nhanh, mặc nhanh và bỏ nhanh.

Giữa hai chiếc áo cùng kiểu dáng nhưng một chiếc có giá 200 nghìn đồng và một chiếc thì đến 2 triệu đồng, bạn sẽ chọn mua cái nào? Dám chắc rằng đa phần câu trả lời sẽ là mua chiếc đầu tiên.

Đây là lựa chọn vừa tiết kiệm cho túi tiền mà bạn lại có thể thoải mái vứt bỏ nó khi đã lỗi mốt mà không cảm thấy nuối tiếc. Mặt khác, không phải ai cũng có khả năng chi trả cho những món đồ xa xỉ, đắt tiền. Lối tư duy và xu hướng mua sắm này đã dẫn đến sự ra đời của "fast fashion"…

Thời trang nhanh là gì?

"Fast fashion"  còn được gọi là "thời trang nhanh", hiểu một cách cụ thể hơn thì đây là dòng thời trang thuộc phân khúc giá rẻ, bình dân.


Các nhà sản xuất thời trang nhanh thường dựa trên thiết kế của các nhà thiết kế, nhà mốt nổi tiếng và nhanh chóng sản xuất các lô hàng tương tự về kiểu dáng nhưng giá có khi chỉ đến 1/10. Thời trang nhanh thỏa mãn nhu cầu làm đẹp của khách hàng nhưng chỉ cần trả một mức giá phải chăng để họ có thể bắt kịp xu hướng gần như ngay lập tức. Những thương hiệu thời trang nhanh phổ biến nhất hiện nay có thể kể đến: Zara, H&M, Topshop, Uniqlo, v.v…

Lợi nhuận khổng lồ từ thời trang nhanh

Với thiết kế dựa vào định hướng sẵn có, các nhãn hàng thời trang nhanh đã rút ngắn được bước sáng tạo, đây lại yếu tố ngốn nhiều thời gian, chất xám nhất trong ngành thời trang truyền thống. Như một lẽ dĩ nhiên, bộ sưu tập thời trang cũ sẽ lỗi thời, các bộ sưu tập mới liên tiếp xuất hiện trên kệ khiến những tín đồ thời trang đứng ngồi không yên. Tốc độ sản xuất được đẩy nhanh tỉ lệ thuận với độ hào hứng của người mua và lợi nhuận khổng lồ của nhà sản xuất.




Theo thống kê của tạp chí Forbes, Amancio Ortega – ông chủ Tập đoàn Inditex – công ty mẹ của Zara hiện sở hữu khối tài sản trị giá 79 tỷ USD. Ông Ortega là người giàu nhất Tây Ban Nha và xếp vị trí số 13 thế giới. Trong quá khứ, vị tỷ phú này từng có thời điểm vượt qua đồng sáng lập Microsoft Bill Gates để trở thành người giàu nhất hành tinh.

Lợi nhuận khổng lồ dành cho nhà sản xuất cũng có nghĩa khách hàng mua nhiều đồ hơn, chi nhiều tiền hơn, vứt bỏ đồ cũ nhiều hơn và thay thế bằng nhiều đồ mới hơn. Và đây là lúc mặt trái của thời trang nhanh xuất hiện…

Mặt trái của “mua nhanh, mặc nhanh, bỏ nhanh”

Áp lực phải ra mắt sản phẩm giá rẻ trong khoảng thời gian ngắn đồng nghĩa với việc các thương hiệu thời trang nhanh ngoảnh mặt ngó lơ trách nhiệm của họ với môi trường. Hậu quả đầu tiên là từ việc sử dụng chất liệu rẻ tiền. Polyester là một trong những loại chất liệu phổ biến nhất, nhưng để sản xuất ra nó, người ta đã thải ra 706 triệu tấn khí CO2 mỗi năm. Vi sợi xả ra ngoài đại dương cũng gây ô nhiễm. Thế nhưng, những chất liệu tự nhiên như cotton cũng chẳng khá hơn. Sản xuất cotton – chủ yếu diễn ra tại các quốc gia đang phát triển đòi hỏi một lượng nước cũng như hoá chất khổng lồ. Từ đó, dẫn đến hạn hán, rác thải, và ảnh hưởng nghiêm trọng đến đất đai và sự đa dạng sinh học. Ngành thời trang là tác nhân ô nhiễm nguồn nước lớn thứ hai trên thế giới, chỉ sau nông nghiệp…




Những nhân công làm việc cho các xưởng sản xuất thời trang nhanh cũng là nạn nhân của môi trường làm việc nguy hiểm và độc hại. Số tiền mà họ cũng không tương xứng, không thoả mãn quyền cơ bản của con người. Xuyên suốt chuỗi cung ứng là những người nhân công phải tiếp xúc với hoá chất độc hại, ảnh hưởng đến cả sức khoả thể chất lẫn tinh thần.

Thời trang nhanh sắp thoái trào?

Trước những mặt trái đáng lo ngại của thời trang nhanh, một khái niệm mới đã được sinh ra: Thời trang bền vững. Đây là dòng sản phẩm được tạo ra với mục đích kéo dài thời hạn sử dụng và hạn chế tối đa ảnh hưởng tiêu cực của thời trang đối với hệ sinh thái. Và tính “bền vững” ở đây không chỉ dừng ở yếu tố bảo vệ môi trường, mà còn là tính nhân đạo đối với những người góp công tạo dựng nên trang phục bằng cách giúp họ được trả lương tương xứng; nhân đạo cả với thiên nhiên, môi trường khi tạo dựng một tương lai xanh đáng sống cho thế hệ kế cận.


Đại dịch COVID-19 đã thành cơ hội để các thương hiệu thời trang trải qua cuộc “đại tu”. Năm 2017, H&M đã mạnh dạn đầu tư vào công nghệ tiên tiến nhất, thành công trong việc tạo ra chất liệu sợi polyester thân thiện với môi trường được tái chế từ các rác thải trên biển. Các nhà thương hiệu khác như Adidas đang thử nghiệm thiết bị tự động hóa để giảm bớt gánh nặng cho nhân công. Hay Ralph Lauren tuyên bố rằng họ sẽ sử dụng 100% nguyên liệu chính có nguồn gốc bền vững vào năm 2025 để bảo vệ sức khỏe cho nhân công cũng như vì yếu tố môi trường.

Nguồn: Vitas

 

 

ĐĂNG KÝ HỘI VIÊN

Vui lòng đọc kĩ nội dung Thư mời gia nhập hội
Điền đầy đủ thông tin vào đơn gia nhập hội và gửi về địa chỉ bên dưới

  • Address: 183H Dương Quảng Hàm, P. 5, Q.Gò Vấp
  • Phone: (08) 6 2973 567 - Fax : (08) 62 973 540
  • Website: http://agtek.org.vn/