Đứt gãy chuỗi sản xuất
Dệt may là một trong 9 ngành xuất khẩu tỷ đô của Việt Nam được kỳ vọng sẽ cán đích xuất khẩu 39 tỷ USD năm nay. Thế nhưng, dịch COVID-19 bùng phát đã khiến các nhà máy sản xuất buộc phải đóng cửa, đứng trước nguy cơ mất đơn hàng.
Ông Cao Hữu Hiếu, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex) cho biết, trong đợt dịch vừa qua, doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn trong lưu thông hàng hóa cũng như việc thực hiện “3 tại chỗ”, dẫn đến nguy cơ đứt gãy chuỗi cung ứng. Nhiều doanh nghiệp không thể tiếp tục sản xuất phải đóng cửa, ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động của Tập đoàn.
“Nhiều đơn hàng không thể kịp tiến độ nên chúng tôi phải thương thuyết với khách hàng để giãn thời gian giao hàng. Đối với đơn hàng mới, lẽ ra bây giờ là thời điểm phải ký đơn hàng cho cuối năm 2021 và đầu năm 2022 nhưng vừa qua nhiều khách hàng đã “bỏ đi” khi không biết bao giờ doanh nghiệp tiếp tục tái sản xuất lại”, ông Hiếu cho hay.
Theo ông Hiếu, vấn đề khiến doanh nghiệp “đau đầu” là tiêm vaccine cho công nhân và khó khăn về nhân lực lao động trong thời gian tới. Bởi hiện nay lao động đã về quê hết, thời điểm đi làm lại chỉ được 50%, việc tuyển dụng lao động mới sẽ gặp nhiều khó khăn và chất lượng lao động sẽ không đồng đều.
Còn ông Thân Đức Việt, Tổng Giám đốc Tổng Công ty May 10 cho biết, doanh nghiệp thực hiện sản xuất đảm bảo giãn cách theo chỉ thị 16 hơn 1 tháng nay, số lượng công nhân thiếu hụt khoảng 10%, nên các đơn hàng xuất khẩu trong quý III/2021 sang Mỹ và các nước châu Âu bị chậm tiến độ khoảng hai tuần. Với tình hình này, khả năng doanh nghiệp khó đạt được mục tiêu đề ra từ đầu năm 2021.
Ông Vũ Đức Giang, Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam đưa ra dự báo không mấy khả quan: Với kịch bản tốt nhất thì năm nay, xuất khẩu chỉ có thể đạt khoảng 32-33 tỷ USD, trong khi mục tiêu ban đầu đặt ra năm 2021 sẽ xuất khẩu khoảng 39-39,5 tỷ USD sản phẩm dệt may.
Tương tự, ngành Da giày cũng gặp phải nhiều khó khăn. Bà Phan Thị Thanh Xuân, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Da giày-Túi xách Việt Nam chia sẻ, tác động của dịch COVID-19 khiến doanh nghiệp da giày bị thiệt hại lớn do phải ngừng hoặc giảm sản xuất, bị khách hàng hủy đơn hàng xuất khẩu, trong khi vẫn phải chịu các chi phí duy trì nhà máy, trả lương người lao động... Hiện nay, các doanh nghiệp khu vực phía Bắc dù vẫn hoạt động, nhưng với công suất chỉ đạt 50% do thiếu nguyên phụ liệu từ các nhà máy phía Nam. Trong khi đó, việc nhập khẩu nguyên liệu từ Trung Quốc cũng không thuận lợi, do việc di chuyển gặp khó khăn, khiến các đối tác đã dần chuyển đơn hàng sang nước khác.
"Cứu nguy” cho doanh nghiệp
Theo Bộ Công Thương, năm 2021, sản lượng một số mặt hàng chính của hai ngành đều sụt giảm và thấp hơn so với mục tiêu đặt ra. Thậm chí, trong năm 2022, sản xuất sẽ tiếp tục gặp khó khăn, mức độ hồi phục của sản xuất, kinh doanh phụ thuộc nhiều vào việc kiểm soát dịch bệnh và việc triển khai tiêm vaccine phòng COVID-19.