Xanh hóa ngành dệt may

Ngành dệt may đẩy mạnh tiêu thụ nguồn nguyên liệu tái chế và gia nhập chuỗi cung ứng toàn cầu theo xu hướng này.

Đại dịch trở thành động lực kích thích tốc độ chuyển đổi mô hình kinh doanh của nhiều lĩnh vực, trong đó có ngành dệt may với làn sóng đẩy mạnh tiêu thụ nguồn nguyên liệu tái chế. Cho đến nay, polyester (PET) là loại sợi được sử dụng rộng rãi nhất trong ngành công nghiệp may mặc toàn cầu, chiếm khoảng 52% tổng khối lượng sợi được sản xuất trên thế giới. Nhưng hiện chỉ có khoảng 14% trong số này đến từ nguyên liệu tái chế, chủ yếu từ chai PET sau khi sử dụng.

Không chỉ góp phần tiết kiệm nguyên liệu sản xuất, giảm rác thải nhựa, sợi polyester tái chế còn phát ra lượng khí thải carbon thấp hơn đáng kể so với sợi thông thường. Mỗi kg polyester tái chế giúp giảm phát thải khí nhà kính hơn 70% so với polyester nguyên chất.

Nhận thức tiêu dùng thông minh hơn của con người sau đại dịch càng tạo cơ hội cho các dòng sản phẩm thân thiện với môi trường chiếm vị trí quan trọng. Tổ chức Textile Exchange mới đây đã thúc đẩy chiến dịch tăng sử dụng sợi tái chế, mục tiêu chiếm 45% tổng tiêu thụ sợi polyester vào năm 2025 từ mức 14% trong năm 2020, tương đương tốc độ CAGR 16%. Chiến lược này đã nhận được sự hưởng ứng mạnh mẽ của các thương hiệu thời trang toàn cầu như Adidas, Hugo Boss, H&M...

 

Theo dự báo của Công ty Nghiên cứu Absolute Reports, thị trường sợi polyester tái chế đạt giá trị 7,043 tỉ USD vào năm 2020, dự kiến đạt 10,420 tỉ USD vào năm 2027, tương đương tốc độ CAGR là 5,8% trong giai đoạn 2021-2027. Nhưng không chỉ có công đoạn sợi sử dụng được nguyên liệu tái chế, các công đoạn khác trong ngành dệt may cũng có thể áp dụng phương thức này.

Đơn cử như vải dệt có thể tái sử dụng thông qua việc tái chế, thu hồi quần áo cũ và các vật liệu xơ phế thải như lốp xe, giày dép, thảm, đồ nội thất, khăn trải giường và khăn tắm. Việc sử dụng hàng vải dệt tái chế làm giảm áp lực lên các nguồn tài nguyên nguyên chất như len và bông, giảm ô nhiễm, tiêu thụ nước và năng lượng.

Đại dịch đã tác động sâu sắc đến thị trường dệt may tái chế khi các lệnh cấm và cấm vận thương mại quốc tế được áp dụng. Tuy nhiên, thị trường dự kiến phục hồi trong một năm. Theo hãng nghiên cứu Allied Market Research, quy mô thị trường hàng dệt may tái chế toàn cầu đạt giá trị 5,6 tỉ USD vào năm 2019 và dự kiến tăng lên 7,6 tỉ USD vào năm 2027, tương đương tốc độ CAGR là 3,6%. Sự phát triển trong công nghệ tái chế sẽ càng mang lại cơ hội tăng trưởng cho các mô hình kinh doanh tái chế ngành dệt may.

Ảnh: Qúy Hòa.
Nắm bắt được xu thế mới, một số doanh nghiệp Việt đã chủ động đầu tư đón đầu nhu cầu xanh hóa ngành dệt may trong những năm tới. Ảnh: Qúy Hòa.

Nắm bắt được xu thế mới, một số doanh nghiệp Việt đã chủ động đầu tư đón đầu nhu cầu xanh hóa ngành dệt may trong những năm tới. Điển hình như Sợi Thế Kỷ đã triển khai sản xuất kinh doanh sợi tái chế từ năm 2016 thông qua mối quan hệ đối tác với Unify, một trong những đơn vị kinh doanh sợi tái chế hàng đầu có trụ sở tại Mỹ. 

Theo chia sẻ của lãnh đạo Sợi Thế Kỷ, trước dự báo về sự bùng nổ đến từ nhu cầu sợi tái chế, Công ty đã trao đổi và nhận được sự đảm bảo bước đầu của Unify về nguồn cung nguyên liệu đạt chuẩn cho kế hoạch thúc đẩy doanh số mảng này trong các năm tới. Đặc biệt dự án Unitex được kỳ vọng cải thiện năng lực sản xuất và vị thế của Sợi Thế Kỷ trong trung và dài hạn. Dự án này được đầu tư tại Tây Ninh, có tổng công suất 60.000 tấn/năm, gần tương đương năng lực hiện tại và tập trung vào phân khúc sợi tái chế, sợi có chất lượng cao và sợi đặc biệt có biên lợi nhuận cao hơn.

 

Sợi Thế Kỷ là doanh nghiệp thứ 2 tại Việt Nam có năng lực sản xuất sợi tái chế, bên cạnh Formosa Hưng Nghiệp. Điều này có thể mang tới lợi thế cạnh tranh dẫn đầu của Sợi Thế Kỷ trong thời gian tới. Theo dự báo của Công ty Chứng khoán BVSC, đến năm 2025 mảng sợi tái chế sẽ chiếm đến 77% cơ cấu doanh thu năm của Sợi Thế Kỷ. “Trong ngắn hạn, Sợi Thế Kỷ sẽ duy trì chiến lược sản phẩm sợi tái chế và phát triển sản phẩm có giá trị gia tăng. Trong trung và dài hạn, Sợi Thế Kỷ sẽ mở rộng công suất các dự án và lên chiến lược gắn kết các chuỗi cung ứng toàn cầu”, ông Đặng Triệu Hòa, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc Sợi Thế Kỷ, cho biết.

Hiện Việt Nam còn trở nên hấp dẫn hơn trong mắt các nhà mua hàng đối với những sản phẩm dệt may nhờ lợi thế về chi phí nhân công và ưu đãi thuế quan từ các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới như CPTPP và EVFTA. Các quy tắc xuất xứ từ những hiệp định này không chỉ hỗ trợ xu hướng dịch chuyển sản xuất ở khâu may mặc mà còn cả các hoạt động sản xuất ở thượng nguồn như sợi và vải. 

Việc dịch chuyển sản xuất nguyên liệu sang Việt Nam cũng giúp cải thiện thời gian giao hàng cũng như các dịch vụ sau bán hàng. Quyết định công bố áp thuế chống bán phá lên các sản phẩm sợi polyester nhập khẩu mới đây của Bộ Công Thương được kỳ vọng sẽ giúp cải thiện năng lực cạnh tranh của sản phẩm nội địa trong thời gian tới.

Nguồn: Nhipcaudautu.vn

ĐĂNG KÝ HỘI VIÊN

Vui lòng đọc kĩ nội dung Thư mời gia nhập hội
Điền đầy đủ thông tin vào đơn gia nhập hội và gửi về địa chỉ bên dưới

  • Address: 183H Dương Quảng Hàm, P. 5, Q.Gò Vấp
  • Phone: (08) 6 2973 567 - Fax : (08) 62 973 540
  • Website: http://agtek.org.vn/