Bên cạnh ngành may có đơn hàng đến hết năm 2021, ngành sợi cũng có những bước đột phá mạnh về giá, giúp lợi nhuận của ngành gia tăng trong thời gian vừa qua. Thị phần của ngành dệt may tăng lên 6,7% so với 5% của cùng kỳ năm 2020; ngành cũng sản xuất thành công một số loại nguyên liệu và vải chống cháy chất lượng tốt có thể xuất khẩu, giúp gia tăng lợi nhuận trong thời gian tới.
Mặc dù đạt những kết quả khá ấn tượng, song các doanh nghiệp dệt may đang phải đối diện rất nhiều khó khăn trong duy trì sản xuất, xuất khẩu hàng hóa do các địa phương giãn cách xã hội và có cách thức vận dụng khác nhau khiến nguồn cung sản xuất gần như bị “tê liệt” khi không thể thông thương; xuất nhập khẩu hàng hóa, nguyên phụ liệu phục vụ sản xuất rơi vào tình trạng đình trệ.
Hàng trăm doanh nghiệp phải đóng cửa, dừng sản xuất và đứng trước áp lực vừa “đội” chi phí sản xuất, vừa phải xoay tiền trả lương để giữ chân người lao động, đồng thời lo đền bù hợp đồng khi chậm trả hoặc phải đổi phương thức vận chuyển chi phí cao hơn bằng đường hàng không để kịp thời gian trả hàng cho khách. Ngành dệt may đang phải đối mặt nhiều thách thức xoay quanh hai nội dung chính là đứt gãy chuỗi cung ứng do khó khăn trong lưu chuyển hàng hóa giữa các địa phương có dịch và từ nước ngoài vào Việt Nam.
Thứ hai là nguy cơ đứt gãy nguồn cung ứng lao động do bối cảnh làm việc theo mô hình giãn cách, việc người dân hồi hương quá lớn, dẫn đến tỷ lệ quay trở lại làm việc chỉ đạt khoảng 65% sau khi hoạt động bình thường trở lại.
Trong khi đó, quý III, quý IV thông thường là khoảng thời gian sản xuất trọng yếu của ngành. Các doanh nghiệp phải nỗ lực, duy trì công ăn việc làm cho gần ba triệu lao động, tránh phát sinh tiêu cực dưới tác động của xã hội và dịch Covid-19.
Để sớm hoàn thành mục tiêu đạt kim ngạch xuất khẩu 39 tỷ USD đề ra, ngoài sự nỗ lực tự thân, các doanh nghiệp rất mong mỏi Nhà nước và Chính phủ đẩy nhanh hơn nữa việc tiêm vaccine phòng Covid-19 cho người dân, nhất là người lao động trong ngành dệt may để tránh làm đứt gãy chuỗi sản xuất và bảo đảm đủ nguồn nhân lực, điều kiện thực hiện các đơn hàng quy mô lớn vào thời điểm cuối năm; tăng mức hỗ trợ, chi trả tiền trợ cấp ngừng việc cho người lao động nhanh chóng, kịp thời; điều chỉnh tăng số giờ làm thêm của người lao động để kịp thời hoàn thành đơn hàng trong bối cảnh dịch bệnh và không vi phạm quy định của pháp luật lao động.
Các doanh nghiệp cũng kiến nghị Nhà nước sớm bỏ quy định nộp thuế VAT đối với vải trong nước sử dụng may xuất khẩu; giảm phí đường bộ, phí BOT, dừng thu phí cảng biển ở Hải Phòng và TP Hồ Chí Minh như dự kiến; có chính sách miễn giảm thuế thu nhập doanh nghiệp, tiền thuê đất của Nhà nước; giãn thời gian trả nợ gốc và lãi của hai năm 2020 và 2021... Những chính sách hỗ trợ kịp thời, thiết thực của Nhà nước sẽ góp phần tạo “lực đẩy” giúp ngành dệt may vượt khó, về đích.