Dệt may "ngược gió" tuyển dụng
Bùng nổ tuyển dụng trong nửa đầu năm 2021 nhưng dịch bùng phát trở lại khiến ngành dệt may sẽ đối diện khó khăn về nguồn lao động
Mới đây, tập đoàn cung cấp dịch vụ tuyển dụng nhân sự hàng đầu Việt Nam là Navigos Group đã phát hành báo cáo "Nhân sự ngành dệt may: Cơ hội và thách thức trong việc đáp ứng các yêu cầu tăng trưởng từ thị trường". Báo cáo cho thấy thị trường nhân sự ngành dệt may tại Việt Nam đang chứng kiến sự bùng nổ về tuyển dụng trong 6 tháng đầu năm 2021.
Đáp ứng tốt yêu cầu
Theo báo cáo, các doanh nghiệp (DN) dệt may tăng mạnh nhu cầu tuyển dụng trong 6 tháng đầu năm 2021 xuất phát từ nhiều nguyên nhân cả khách quan lẫn chủ quan. Về khách quan, 6 tháng đầu năm, khủng hoảng chính trị tại Myanmar cùng với làn sóng dịch bệnh bùng phát tại Ấn Độ, Bangladesh đã khiến nhiều hãng thời trang lớn trên thế giới dịch chuyển sản xuất sang Việt Nam - nơi thời điểm đó vẫn kiểm soát dịch bệnh rất tốt kể từ khi dịch bùng phát trên toàn thế giới. Các đơn hàng dồi dào từ những đối tác lớn đến từ châu Âu, Mỹ… đã giúp nâng cao hiệu quả sản xuất - kinh doanh của DN, từ đó dẫn đến nhu cầu tuyển dụng của các DN ngành dệt may tăng mạnh.
Các doanh nghiệp dệt may hy vọng dịch Covid-19 sớm được kiểm soát để ổn định sản xuất
Về nguyên nhân chủ quan, báo cáo của Navigos Group nhấn mạnh đến năng lực sản xuất của các nhà máy tại Việt Nam ngày càng được cải thiện dẫn đến nhu cầu tuyển dụng ứng viên có tay nghề ngày càng tăng. Theo quan sát của Navigos Search (thành viên của Navigos Group), hiện các nhà máy sản xuất hàng may mặc tại Việt Nam, bao gồm DN có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) và DN Việt Nam, đều có sự đầu tư lớn, đã có nhiều thay đổi và có thể đáp ứng các yêu cầu của khách hàng, từ tiêu chuẩn dây chuyền sản xuất, cơ sở vật chất, cơ sở hạ tầng đến các tiêu chuẩn về nhân sự như độ tuổi lao động, chế độ lao động, mức lương, thưởng...
Không chỉ những đơn hàng có giá trị ở mức phổ thông, giá rẻ mà hàng may mặc cao cấp, sang trọng, giá thành phẩm cao cũng được nhiều đối tác chuyển sang Việt Nam bởi năng lực sản xuất nội tại được đánh giá tốt hơn. Chính vì vậy, khối khách hàng ngành dệt may chuyển sang làm việc trực tiếp với các nhà máy sản xuất tại Việt Nam có nhu cầu tuyển dụng tăng cao, đặc biệt là các vị trí: tìm nguồn cung ứng vật tư, tìm chuỗi cung ứng sản phẩm, quản lý chất lượng, phát triển mẫu mã và kỹ thuật sản phẩm... Các vị trí về kỹ thuật như kỹ sư, cải tiến sản xuất, vận hành chuyền… cũng được tuyển dụng rầm rộ. "Năng lực của ứng viên ngành dệt may dần đáp ứng được yêu cầu tuyển dụng. So với 5 năm trước, chất lượng các ứng viên trong ngành dệt may đã được cải thiện, đặc biệt là các kỹ năng liên quan đến kỹ thuật, ngoại ngữ… nhờ vào sự cải thiện rõ rệt của công tác đào tạo. Trong vòng 10 năm trở lại đây có nhiều trường đại học, cao đẳng đào tạo chính quy về lĩnh vực dệt may. Bên cạnh đó, nhờ sự hợp tác giữa DN dệt may với các trường đào tạo trong việc thiết kế và ứng dụng những chương trình đào tạo liên quan đến kỹ thuật nên khi ứng viên mới ra trường đã có thể áp dụng 50% - 60% kiến thức đã học vào các công việc thực tế. Những kỹ năng còn thiếu có thể được bồi đắp thông qua quá trình thực tập tại DN" - báo cáo của Navigos Group viết.
Lo cho cuối năm
Theo đánh giá của Hiệp hội Dệt may Việt Nam (VITAS), ngành dệt may bùng nổ tuyển dụng trong nửa đầu năm 2021 ngoài những nguyên nhân trên cần phải kể đến việc Việt Nam hưởng lợi từ các hiệp định thương mại đã ký kết như CPTPP, EVFTA… đã giúp cho giá bán của hàng Việt Nam xuất đi châu Âu cạnh tranh hơn, có thêm nhiều khách hàng. Hơn nữa, năm 2020 Việt Nam cũng là nước chống dịch Covid-19 tốt nên tạo được sự an tâm cho các nhãn hàng trên thế giới tăng đơn đặt hàng. Tuy nhiên, với tình hình dịch Covid-19 bùng phát như hiện tại, ngành dệt may Việt Nam đang đối mặt những khó khăn lớn trong thời gian còn lại của năm 2021.
Theo VITAS, hiện rất ít DN thực hiện được "3 tại chỗ", điều này dẫn đến số DN ngành dệt may phải đóng cửa lên 35%, đặc biệt nhiều DN vừa và nhỏ sẽ buộc phải đóng cửa vĩnh viễn sau giai đoạn khó khăn này. VITAS dự báo các DN chỉ có thể xuất khẩu trở lại nếu tình hình dịch bệnh được kiểm soát hoàn toàn sau tháng 8.
VITAS đã kiến nghị đẩy nhanh tiến độ tiêm vắc-xin hoặc hỗ trợ DN mua vắc-xin để tiêm cho người lao động (NLĐ) do tỉ lệ được tiêm của ngành dệt may hiện ở mức rất thấp. Ông Trần Như Tùng, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Dệt may - Đầu tư và Thương mại Thành Công (TCM), có thêm một lo lắng khác, đó là lực lượng lao động ở TP HCM về tỉnh rất nhiều trong thời gian vừa qua. Vì vậy có khả năng sau khi dịch bệnh được kiểm soát, NLĐ cũng chưa thực sự muốn quay trở lại TP HCM cho đến khi dịch được kiểm soát hoàn toàn trên cả nước. Ông Tùng tính toán nếu dịch được kiểm soát thì cũng gần đến thời điểm Tết nguyên đán, do đó NLĐ càng có xu hướng trở về quê và rất có thể tiếp tục ở lại qua Tết. Chủ tịch HĐQT của TCM dự báo từ nay đến cuối năm, khả năng ngành dệt may thiếu hụt lao động rất nhiều, từ đó sẽ ảnh hưởng sản lượng sản xuất cũng như các mục tiêu sản xuất - kinh doanh sẽ khó đạt được.
"Đối với những DN thực hiện được "3 tại chỗ" như chúng tôi thì còn có thể trấn an khách hàng và dời tiến độ nhưng với các DN tạm đóng cửa thì rất khó và sụt giảm sản lượng ngay. Ngay cả chúng tôi cũng chỉ cầm cự được sản xuất trên dưới 50% nhưng vẫn phải duy trì hoạt động bởi không thể dừng lại vì liên quan đến NLĐ, khách hàng, cổ đông và chi phí cũng rất cao" - ông Tùng nói.