Doanh nghiệp dệt may lãi đậm nửa đầu năm

Thị trường xuất khẩu hồi phục giúp ngành dệt may Việt Nam có kết quả khả quan nửa đầu năm. Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp lo lắng về tác động của dịch bệnh trong nửa cuối năm.

Năm ngoái dù khó khăn từ đại dịch, Việt Nam đã vươn lên thành nhà xuất khẩu hàng may mặc lớn thứ 2 trên thị trường thế giới, chỉ xếp sau Trung Quốc và vượt Bangladesh về bán hàng trên toàn cầu khi chiếm 6,4% thị phần, tăng mạnh so với con số 2,9% năm 2010.

Theo Bộ Công Thương, trong 6 tháng đầu năm, ngành dệt may tiếp tục có nhiều tín hiệu khởi sắc, kim ngạch xuất khẩu hàng cả ngành đạt 15,2 tỷ USD, tăng 15% so với cùng kỳ. Nhu cầu mua sắm hàng hóa của người tiêu dùng tại các thị trường xuất khẩu chính như Mỹ, EU, Nhật bản, Hàn Quốc… đã tăng rõ rệt khi dịch bệnh được kiểm soát.

Loạt doanh nghiệp lãi lớn

Với điều kiện thuận lợi, khối doanh nghiệp trong ngành trong đã ghi nhận nhiều kết quả tích cực. Tập đoàn Dệt May Việt Nam (Vinatex) với vị thế đầu ngành báo cáo lợi nhuận sau thuế thuộc về cổ đông công ty mẹ 292 tỷ đồng trong 6 tháng đầu năm, gấp 9 lần cùng kỳ và là mức lãi ròng cao kỷ lục của doanh nghiệp.

Lũy kế nửa đầu năm, mặc dù doanh thu chỉ tăng nhẹ lên hơn 7.000 tỷ đồng, hiệu quả kinh doanh được cải thiện khi lợi nhuận gộp tăng gấp rưỡi lên 947 tỷ đồng. Lãi ròng đạt 292 tỷ đồng, tăng 118% so với cùng kỳ năm ngoái và thậm chí tăng 32% so với bán niên năm 2019 (trước đại dịch).

Lý giải, Vinatex cho biết các đơn hàng bắt đầu phục hồi mạnh, đều đặn và giá bán tốt. Trong đó các công ty thành viên ngành sợi đạt hiệu quả cao nhất.

Riêng trong quý II, khủng hoảng chính trị tại Myanmar cùng với làn sóng dịch bệnh bùng phát tại Ấn Độ, Bangladesh đã khiến nhiều hãng thời trang trên thế giới dịch chuyển sản xuất qua Việt Nam, dẫn đến đơn hàng dồi dào giúp nâng cao hiệu quả của doanh nghiệp. Ngoài ra các giải pháp quản trị sản xuất được cải thiện cũng giúp Vinatex ghi nhận kết quả tốt trong 6 tháng đầu năm.

Tương tự, công ty Sợi Thế Kỷ báo cáo doanh thu thuần bán niên tăng trưởng 24% lên 1.077 tỷ đồng. Hiệu quả kinh doanh được cải thiện với lợi nhuận sau thuế đạt gần 141 tỷ đồng, gấp 2,5 lần so với kết quả nửa đầu năm ngoái.

Bà Nguyễn Phương Chi, Phụ trách HĐQT Sợi Thế Kỷ lý giải kết quả này một phần là nhờ mức nền năm ngoái thấp khi các thị trường chính như Mỹ, châu Âu đóng cửa khiến nhu cầu của các đối tác sụt giảm mạnh trong quý II-III/2020.

Một yếu tố khác là việc công ty tăng mạnh tỷ trọng sản phẩm sợi tác chế (recycle) từ mức 45% lên gần 57% tổng doanh thu trong nửa đầu năm nay. Bà Chi cho biết người tiêu dùng các nước phát triển quan tâm đến vấn đề bảo vệ môi trường nên khách hàng sử dụng sợi tái chế tăng lên, sản phẩm này cũng có biên lợi nhuận tốt hơn sợi thông thường.

Công ty Đầu tư và Thương mại TNG cũng có kết quả tích cực khi doanh thu thuần đạt 2.371 tỷ đồng trong nửa đầu năm, tăng 29% so với cùng kỳ. Lợi nhuận sau thuế đạt hơn 83 tỷ đồng, tăng 30% so với cùng kỳ và hoàn thành 48% chỉ tiêu cả năm.

Kết quả này theo công ty là nhờ tập trung khai thác và tăng tỷ trọng các khách hàng FOB, cùng với việc khách hàng dịch chuyển đơn hàng từ các nước bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh sang Việt Nam. Việc tập trung vào các dòng sản phẩm kỹ thuật, dòng sản phẩm cao cấp hơn đã cải thiện hiệu quả kinh doanh.

Hay như Dệt may Đầu tư Thương mại Thành Công (TCM) ghi nhận doanh thu nửa đầu năm tăng trưởng 11% lên 1.925 tỷ đồng. Các chi phí cũng tăng lên khiến lãi ròng còn đạt gần 121 tỷ đồng, tăng hơn 5% so với cùng kỳ.

Chia sẻ với Zing, Chủ tịch TCM Trần Như Tùng cho rằng ngành dệt may có kết quả khả quan bởi nhiều nguyên nhân. Đầu tiên dịch bệnh năm ngoái ảnh hưởng rất mạnh đến Trung Quốc, Ấn Độ, Bangladesh, Myanmar… là những nước xuất khẩu dệt may lớn dẫn đến các khách hàng lo lắng và bắt đầu chuyển dịch nhiều hơn các đơn hàng sang Việt Nam.

Tiếp đến là Việt Nam cũng hưởng lợi từ các hiệp định thương mại đã ký kết như CPTPP, EVFTA… đã giúp cho giá bán của Việt Nam xuất đi châu Âu cạnh tranh hơn, có thêm nhiều khách hàng. Ngoài ra, năm ngoái Việt Nam cũng là nước chống dịch Covid-19 tốt nên tạo được sự an tâm cho các nhãn hàng trên thế giới tăng đặt hàng.

Khó khăn lớn về cuối năm

Ông Trần Như Tùng cho biết trước thời điểm các tỉnh, thành phố giãn cách theo Chỉ thị 16 thì đơn hàng ở các công ty dệt may nói chung và TCM nói riêng vẫn khá tốt, công ty đã nhận đặt hàng sản xuất đến hết năm và không lo thiếu đơn hàng.

Tuy nhiên khi các địa phương bắt đầu giãn cách xã hội và thực hiện “3 tại chỗ” thì doanh nghiệp bắt đầu gặp khó khăn trong vấn đề xuất khẩu, gây ảnh hưởng đến tiến độ giao hàng cho khách hàng cũng như khó khăn trong duy trì sản xuất.

“Giãn cách bắt đầu gây ra khó khăn vì duy trì sản xuất phức tạp và làm trễ tiến độ, trong khi khách hàng ở nước ngoài không thể chờ được nên vẫn có trường hợp hủy đơn hàng, chuyển đi chỗ khác. Đây là lo lắng của chúng tôi đến cuối năm, rất có thể ghi nhận sụt giảm sản lượng chỉ vì không sản xuất kịp”, lãnh đạo TCM chia sẻ.

 
Nhiều doanh nghiệp dệt may đang gặp khó khăn trong duy trì sản xuất 3 tại chỗ. Ảnh: Hoàng Hà.
Nganh det may,  Trien vong nganh det may,  tiem vaccine lao dong det may anh 2
Nganh det may,  Trien vong nganh det may,  tiem vaccine lao dong det may anh 2

Nhiều doanh nghiệp dệt may đang gặp khó khăn trong duy trì sản xuất 3 tại chỗ. Ảnh: Hoàng Hà.

Một lo lắng khác theo ông Tùng là lực lượng lao động ở TP.HCM về tỉnh rất nhiều trong thời gian vừa qua. Khả năng sau khi dịch kiểm soát, người lao động cũng chưa thực sự muốn quay trở lại thành phố cho đến khi dịch bệnh được kiểm soát hoàn toàn trên cả nước.

Chủ tịch TCM tính toán nếu dịch được kiểm soát thì cũng gần đến thời điểm Tết Nguyên đán, do đó người lao động càng có xu hướng trở về quê và rất có thể tiếp tục ở lại qua Tết. Vị doanh nhân dự báo từ giờ đến cuối năm, khả năng dệt may thiếu hụt người lao động rất nhiều và từ đó cũng sẽ ảnh hưởng đến sản lượng sản xuất.

“Đối với doanh nghiệp nào còn '3 tại chỗ' được như chúng tôi thì còn có thể trấn an khách hàng và dời tiến độ, nhưng các doanh nghiệp tạm đóng cửa thì rất khó và sụt giảm sản lượng ngay. Ngay cả chúng tôi cũng chỉ cầm cự được sản xuất trên dưới 50%, nhưng vẫn phải duy trì hoạt động chứ không thể dừng lại vì liên quan đến người lao động, khách hàng, cổ đông và chi phí cũng rất cao”, ông Tùng xót xa.

Chi phí duy trì 3 tại chỗ tại doanh nghiệp rất lớn, TCM hiện có vài nghìn lao động và phải gánh chi phí xét nghiệm 3 ngày/lần và buộc phải duy trì. Toàn bộ chi phí này doanh nghiệp tự chi trả, dù chưa biết hiệu quả ra sao nhưng ông Tùng khẳng định phương án này vẫn tốt hơn việc đóng cửa nhà máy.

Hoạt động tại Sợi Thế Kỷ cũng đang gặp khó khăn tương tự, bà Nguyễn Phương Chi cho biết dịch bệnh không chỉ khiến các nhà máy khó duy trì sản xuất mà tiến độ giao hàng cũng bị chậm.

“Khó khăn hiện tại ở khâu logistics từ vận chuyển hàng hóa, mua hàng thực phẩm phục vụ công nhân ở lại nhà máy, các loại giấy tờ… Chi phí xét nghiệm cho lái xe tăng lên và các thủ tục phức nên các xe giao hàng chạy không có lời, ảnh hưởng đến tiến độ”, bà Chi diễn giải.

Lãnh đạo Sợi Thế Kỷ nói thêm chi phí xét nghiệm cho công nhân ở lại nhà máy cũng rất cao, công ty phải hoàn toàn chi trả các chi phí xét nghiệm bao gồm tự mua các bộ test nhanh khoảng 150.000-170.000 đồng/bộ và tự huấn luyện đội ngũ y tế.

Doanh nghiệp cũng động viên tinh thần công nhân để yên tâm làm việc, đồng thời công ty tạo mọi điều kiện cho công nhân sinh hoạt trong nhà máy.

Theo đánh giá của Hiệp hội Dệt May Việt Nam (Vitas) hiện rất ít doanh nghiệp thực hiện được 3 tại chỗ, điều này dẫn đến tỷ trọng các doanh nghiệp ngành dệt may phải đóng cửa đã lên đến 35%, đặc biệt nhiều các doanh nghiệp vừa và nhỏ nhiều sẽ buộc phải đóng cửa vĩnh viễn sau giai đoạn khó khăn này.

Vitas dự báo các doanh nghiệp chỉ có thể xuất khẩu trở lại nếu tình hình dịch bệnh được kiểm soát hoàn toàn sau tháng 8. Trong kịch bản lạc quan nhất, Hiệp hội này ước tính ngành dệt may chỉ có thể đạt được khoảng 32-33 tỷ USD trong năm nay.

Vitas cũng là một trong số nhiều đơn vị kiến nghị đẩy nhanh tiến độ tiêm vaccine hoặc hỗ trợ doanh nghiệp mua vaccine để tiêm cho người lao động của các ngành hàng xuất khẩu. Hiệp hội nhấn mạnh đây là vấn đề cấp bách và đặc biệt cần thiết do tỷ lệ được tiêm vaccine của ngành dệt may hiện nay còn rất thấp.

Nguồn:Zingnews.vn

 

ĐĂNG KÝ HỘI VIÊN

Vui lòng đọc kĩ nội dung Thư mời gia nhập hội
Điền đầy đủ thông tin vào đơn gia nhập hội và gửi về địa chỉ bên dưới

  • Address: 183H Dương Quảng Hàm, P. 5, Q.Gò Vấp
  • Phone: (08) 6 2973 567 - Fax : (08) 62 973 540
  • Website: http://agtek.org.vn/