Cơ hội lớn
Giám đốc Sở Công thương Nghệ An Phạm Văn Hóa cho biết, tận dụng thế mạnh về đất đai và nguồn nhân lực cùng chính sách cởi mở của mình, Nghệ An đã, đang thu hút được nhiều doanh nghiệp đầu tư về lĩnh vực dệt may. Không chỉ doanh nghiệp trong nước mà nhiều “ông lớn” dệt may quốc tế như Tập đoàn: Hyujin, Kido(Hàn Quốc); Venture (Hà Lan)… đã chọn Nghệ An để đầu tư. Nghệ An đã trở thành trung tâm may mặc của khu vực Bắc Trung Bộ, khi có đến 24 dự án dệt may quy mô lớn đi vào hoạt động, như: Nhà máy May An Hưng 10.000 công nhân; May Minh Anh Nghệ An gần 8.000 công nhân; May Hanosimex Nam Đàn 4.000 công nhân; May Haivina Kim Liên gần 3.000 công nhân, May Tenergy Yên Thành 2.500 công nhân…
Cùng nhiều dự án khác trên địa bàn đang mở rộng công suất hay tiếp tục đầu tư mới, dệt may Nghệ An đã tạo việc làm cho hàng chục nghìn lao động, chủ yếu là lao động nữ khu vực nông thôn.
Là người mới được tuyển vào làm việc ở Công ty TNHH Haivina Kim Liên với mức lương hơn năm triệu đồng/tháng và được nhà máy bao ăn trưa, chị Võ Thị Minh ở xã Hưng Lĩnh, huyện Hưng Nguyên cho biết: “Làm ở đây công việc ổn định lại gần nhà, phù hợp với phụ nữ nông thôn. Tôi sẽ cố gắng nâng cao tay nghề để có thu nhập cao hơn!”.
Mặc dù bị ảnh hưởng nặng nền của đại dịch Covid-19, nhưng với tốc độ đầu tư khá nhanh cùng hiệu ứng của Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - Liên minh châu Âu (EVFTA) đem lại nên ngành dệt may Nghệ An vẫn tăng trưởng ấn tượng. Trong năm 2020, với năng lực sản xuất đạt 60 triệu sản phẩm dệt kim và quần áo may sẵn, 20 nghìn tấn sợi, tỷ trọng ngành dệt may chiếm 8,2% giá trị toàn ngành công nghiệp của tỉnh.
Bảy tháng đầu năm 2021, sản phẩm may mặc đạt 47,1 triệu USD, tăng 49,16% so với cùng kỳ… Dệt may đang dần trở thành một trong những ngành công nghiệp chủ lực của Nghệ An, góp phần tăng nhanh kim ngạch xuất khẩu và tạo việc làm cho người lao động…
Công ty May Minh Anh Nghệ An phải thuê 100 lượt xe ô-tô chuyên chở công nhân đi làm trong mùa đại dịch.
Những tháng đầu năm 2020, DNDM Nghệ An cũng bị “ngấm đòn” bởi dịch Covd-19, khi phải đối mặt với chuỗi cung ứng về nguyên liệu dệt may bị gián đoạn và nhiều doanh nghiệp phải “ăn đong”, đơn hàng. Nay, chuỗi cung ứng nguyên liệu dệt may đã được nối lại cùng với đơn hàng dồi dào, các DNDM Nghệ An đã bảo đảm kế hoạch sản xuất đến hết năm 2021 và đầu năm 2022.
Phó Giám đốc Công ty CP may Minh Anh Nghệ An Nguyễn Đình Vĩnh cho biết: Nghệ An vừa trải qua giai đoạn phòng, chống dịch quyết liệt, TP Vinh và một số địa phương khác trong tỉnh vừa trải qua thời gian dài thực hiện Chỉ thị 15 và 16 của Chính phủ nhưng doanh nghiệp vẫn đạt doanh thu 567 tỷ đồng, tăng 10% so cùng kỳ năm trước. Quan trọng hơn, doanh nghiệp đã ký được nhiều đơn hàng, bảo đảm cho sản xuất đến hết năm 2021. Thông qua uy tín của mình, công ty còn giúp một số DNDM ở khu vực Bắc Trung Bộ có thêm nhiều đơn hàng sản xuất. Tương tự, công ty TNHH Prex Vinh (Đô Lương), công ty TNHH Haivina Kim Liên và nhiều DNDM khác cũng đang tiếp tục tuyển thêm lao động để đẩy mạnh sản xuất, đáp ứng đơn hàng đã ký đến hết năm 2021… Một số doanh nghiệp tiếp tục đầu tư mở rộng dây chuyền sản xuất, như Công ty May Minh Anh Nghệ An đang xây dựng thêm nhà máy tại huyện Tân Kỳ với quy mô 5.000 công nhân… nhằm đáp ứng sự khởi sắc của thị trường.
Thách thức không nhỏ
Để thực hiện thành công mục tiêu kép vừa phát triển kinh tế, vừa phòng, chống dịch, các DNDM Nghệ An đều phát sinh chi phí khá lớn cho việc chủ động phòng, chống dịch Covid-19.
Sử dụng rất đông người lao động nên khi địa phương ở chung quanh khu vực DNDM đứng chân chẳng may xảy ra dịch bệnh, doanh nghiệp phải bỏ kinh phí xét nghiệm nhanh cho toàn bộ hàng nghìn công nhân; bố trí công nhân chỗ ăn ở trong nhà máy, đưa đón công nhân đi làm hằng ngày…
Phó Giám đốc Công ty CP May Minh Anh Nghệ An Nguyễn Đình Vĩnh cho biết: Tại thời điểm thành phố Vinh thực hiện Chỉ thị 16, duy trì các chốt phòng, chống dịch, để duy trì sản xuất, chúng tôi phải thuê 100 lượt xe ô-tô để đưa đi, đón về 2.000 công nhân ở các huyện: Hưng Nguyên, Thanh Chương, Nam Đàn, và một địa phương ở tỉnh Hà Tĩnh; rồi tổ chức test nhanh cho gần ba nghìn công nhân; bố trí cho 400 công nhân ăn, ở trong nhà máy… đã khiến chi phí tăng cao.
Chủ yếu là sản xuất gia công, lấy công làm lãi nên giá trị gia tăng thấp, thu nhập người lao động không cao; lại bị các các doanh nghiệp khác canh tranh lao động nên DNDM thường xuyên phải đối mặt với tình trạng “đói” nhân lực. Khi một số địa phương ở Nghệ An thực hiện phong tỏa, giãn cách xã hội để phòng, chống dịch Covid-19, nhiều công nhân phải cách ly ở nhà, khiến nhiều nhà máy chỉ duy trì hoạt động được phân nửa công suất sản xuất. Điều này đã ảnh hưởng đến việc giao hàng theo đúng thời gian đã ký kết với đối tác nước ngoài cũng như lợi nhuận của doanh nghiệp. Thiếu hụt lao động, sẽ là bài toán khó để DNDM Nghệ An tiếp tục đầu tư, mở rộng dây chuyền, tăng tốc phát triển.
Dịch bệnh Covid-19 cũng làm cho chi phí logistics tăng cao; thiếu container xuất hàng, chi phí thuê container và vận tải biển tăng. Cũng theo Phó Giám đốc Công ty CP May Minh Anh Nghệ An: Do khan hiếm nên rất khó thuê container rỗng để đóng hàng. Hiện doanh nghiệp đang thiếu khoảng 200 container loại 40 feet nên hơn 10 nghìn m3 hàng thành phẩm đang phải thuê kho bãi để đợi container gây chậm trễ việc giao hàng. Giá thuê container cũng bị đẩy lên, từ 1.200 USD lên 1.800 đến 2.000 USD/container. Các DNDM khác ở Nghệ An đều vướng phải những khó khăn này, ảnh hưởng lớn đến kế hoạch xuất, nhập hàng hoá.
Công nhân Công ty CP Dệt may Hoàng Thị Loan vận hành dây chuyền sản xuất. (Ảnh: MAI HOA)
Giá vận chuyển đường biển cũng tăng chóng mặt, nhất là doanh nghiệp xuất hàng sang khối Ả-rập, châu Âu, Mỹ. Kế toán trưởng Công ty CP Dệt may Hoàng Thị Loan Lê Thị Mỹ Linh cho biết: Chi phí vận chuyển hàng bằng đường biển ở một số tuyến tăng kỷ lục so với trước khi dịch bệnh xảy ra. Trước đây, doanh nghiệp xuất hàng từ Hải phòng đi Ai Cập chi phí vận tải biển cho một container 40 feet là 3.200 USD thì nay đã tăng lên 10.000 USD… chưa kể, chi phí vận chuyển nội địa cũng gia tăng do việc kiểm soát xe vận chuyển chặt chẽ ra vào vùng dịch và làm mất nhiều thời gian của doanh nghiệp.
Thiếu hụt lao động, lại thiếu container để xuất hàng nên việc thực hiện đơn hàng ở một số doanh nghiệp bị chậm trễ. Bên cạnh đó, một số đơn hàng đã xuất thì việc giải ngân chậm do phía bạn hàng cũng đang bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh.
Theo Giám đốc sở Công thương Nghệ An Phạm Văn Hóa: Việc thực hiện EVFTA đã khiến thị trường xuất khẩu dệt may sẽ được mở rộng với nhiều ưu đãi. Nhưng tình hình dịch bệnh Covid-19 trong nước và trên toàn cầu đang có diễn biến phức tạp, khó lường nên các DNDM Nghệ An phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức.
Để tạo điều kiện cho ngành dệt may trụ vững, vượt qua đại dịch và phát triển bền vững, ngành công thương cũng như tỉnh Nghệ An sẽ thực hiện các giải pháp hỗ trợ, như: giảm tiền thuê đất, thuế thu nhập doanh nghiệp, gia hạn thời gian nộp thuế, hỗ trợ người lao động,… theo Nghị quyết số 68/NQ-CP.
Phối hợp chính quyền địa phương để hỗ trợ doanh nghiệp trong công tác tuyển dụng, đào tạo lao động; Phối hợp hải quan và các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ logistics đẩy mạnh cải cách các thủ tục hành chính. Quy hoạch, bố trí quỹ đất phù hợp để DNDM xây dựng đồng bộ các hạng mục công trình phúc lợi như: nhà ở công nhân, trường mầm non, khu vui chơi, giải trí, mua sắm… cùng các vấn đề phúc lợi khác. Bố trí các dự án dệt may ở khu công nghiệp, cụm công nghiệp thuận lợi về nguồn cung cấp lao động; giao thông; hạ tầng dịch vụ logistics,…
Nghệ An ưu tiên thu hút đầu tư phát triển công nghiệp dệt may vào các khâu tạo giá trị gia tăng cao dựa trên quy trình sản xuất tự động hóa với nhóm sản phẩm: Sợi, sản phẩm may mặc xuất khẩu; phát triển mạnh công nghiệp hỗ trợ ngành dệt may để nâng cao năng lực cạnh tranh trong chuỗi giá trị; Hình thành Trung tâm thiết kế thời trang, trung tâm sản xuất mẫu mã, cung cấp dịch vụ, nguyên phụ liệu cho ngành may của khu vực Bắc Trung Bộ tại Nghệ An.
Tỉnh sẽ tiếp tục đầu tư hoàn thiện kết cấu hạ tầng các cụm công nghiệp chuyên ngành dệt may theo hình thức tổ hợp khép kín, để có khả năng đáp ứng nguyên, phụ liệu tại chỗ, giúp hạ giá thành và nâng cao năng lực cạnh tranh của sản phẩm; Kết nối với Bộ Công thương để hỗ trợ doanh nghiệp thông tin thị trường tìm kiếm nguồn cung đầu vào đa dạng, giảm phụ thuộc vào một số nước như Trung Quốc, Tây Á...
Tàu “chợ” container “ăn” hàng dệt may tại cảng Cửa Lò.
Về phần mình, DNDM Nghệ An cần tranh thủ thời cơ “vàng”, tuyền dụng số lao động có kinh nghiệm làm việc ở các khu công nghiệp ở các tỉnh phía bắc và phía nam trở về quê do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19.. Các DNDM cần phải xây dựng các giải pháp nhằm thu hút người lao động cũng như có các cơ chế, chính sách hỗ trợ để họ gắn bó với doanh nghiệp.
Cùng với việc làm tốt công tác đào tạo, nâng cao tay nghề, qua đó sẽ nâng cao năng suất, tạo thu nhập tốt cho người lao động. Có như vậy người lao động mới tin tưởng, yên tâm làm việc và gắn bó với doanh nghiệp.