Phục hồi thị trường
Sau gần một năm bị "đứt, gãy" nguồn cung, các khách hàng hủy, hoãn, kéo dài thời gian giao hàng do tác động tiêu cực của dịch Covid-19, đến nay các DN dệt may đã từng bước "vượt khó" khi lượng đơn hàng về ngày càng nhiều, hiệu quả kinh tế được nâng cao và bảo đảm thu nhập, việc làm ổn định cho người lao động. Đánh giá về hiệu quả sản xuất, kinh doanh của DN, Phó Tổng Giám đốc Tổng công ty May 10 Bạch Thăng Long cho biết, tổng doanh thu của đơn vị trong sáu tháng qua đạt 1.433 tỷ đồng, giảm 20% so cùng kỳ nhưng lợi nhuận sau thuế đạt 33,8 tỷ đồng, tăng 2,8% so cùng kỳ nhờ tiết giảm chi phí. Trước những diễn biến bất ổn của các nước trong khu vực cùng sản xuất mặt hàng dệt may như Myanmar, Campuchia,... trong thời gian qua khiến lượng đơn hàng đổ về Việt Nam tương đối nhiều cùng với đó giá trị đơn hàng cũng được nâng lên đã giúp các DN hoạt động hiệu quả hơn. Cùng chung quan điểm, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần May Bắc Giang (LGG) Lưu Tiến Chung cho biết, thị trường nửa đầu năm tốt lên, đơn hàng về nhiều đã giúp DN ổn định sản xuất, hoàn thành các mục tiêu đề ra. Thế nhưng, nếu dịch không sớm được khống chế, kiểm soát, DN sẽ bị thiệt hại cả về doanh thu và hiệu quả sản xuất. DN dệt may gia công theo đơn đặt hàng của đối tác sẽ bị phạt, mất tiền gia công, còn đơn vị làm theo phương thức FOB (mua nguyên liệu - sản xuất - bán thành phẩm) thiệt hại sẽ lớn hơn nhiều nếu đối tác từ chối nhận hàng do chậm giao.
Theo Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex) Lê Tiến Trường cho biết, xuất khẩu hàng dệt may Việt Nam trong sáu tháng qua đạt gần 19 tỷ USD, tăng hơn 20% so cùng kỳ, vượt cả cùng kỳ năm 2019 (thời điểm chưa xảy ra dịch Covid-19). Điều này đã chứng minh sự phục hồi sớm trên thị trường khi dự báo phải hết năm nay mới quay lại ngưỡng của năm 2019, thậm chí phải đến quý III/2022. Sự phục hồi này ngoài yếu tố cầu, còn có yếu tố dịch chuyển cung, do nhóm các nước xuất khẩu dệt may lớn như: Ấn Độ, Bangladesh, Campuchia bị dịch bệnh hoành hành trên quy mô lớn, DN không thể hoạt động. Trong khi ở Việt Nam, đến hết tháng 4, tình hình kiểm soát dịch bệnh khá tốt, DN có thể phát huy hết tốc lực cho sản xuất. Bên cạnh ngành may có đủ đơn hàng dù đơn giá còn thấp thì điểm sáng đặc biệt đến từ ngành sợi. Sau 24 tháng liên tục khó khăn, cầu thấp, nhiều thời điểm bán dưới giá thành thì từ tháng 10/2020, tình hình ngành này đã sáng lên cả về cầu và giá bán đều tăng cao. Hiệu quả trong sáu tháng đầu năm có thể bù đắp được toàn bộ phần thiệt hại của hai năm 2019, 2020, đưa ngành sợi trở lại thành ngành có đóng góp hơn 60% hiệu quả hợp nhất toàn Tập đoàn, dù chỉ ở 12 đơn vị với quy mô khoảng 7.000 lao động, chiếm dưới 10% lao động trực tiếp và dưới 5% nếu tính đến cả các đơn vị may cấp 2. Qua đó đưa tổng doanh thu của Tập đoàn tương đương cùng kỳ nhưng lợi nhuận hoàn thành hơn 70% kế hoạch năm, tăng trưởng khoảng 190% so với cùng kỳ, bằng 140% cùng kỳ 2019.
Kiểm đếm và đóng gói áo sơ-mi xuất khẩu tại Tổng công ty May 10. Ảnh: ĐĂNG KHOA
Đối diện thách thức mới
Cũng theo Chủ tịch HĐQT Vinatex Lê Tiến Trường, bên cạnh những kết quả đạt được, hiện các DN đang phải đối diện với những rủi ro mới trước tác động tiêu cực của dịch Covid-19, như đã xuất hiện các ca bệnh trong DN sản xuất hàng may mặc; nhiều DN có năng lực sản xuất lớn thuộc Tập đoàn có trụ sở ở phía nam đang đứng trước nguy cơ phải làm việc giãn cách, huy động tỷ lệ lao động thấp (tính đến ngày 10/7 đã có hơn 10 nghìn lao động không thể đến nhà máy); các mặt hàng có thế mạnh chưa phục hồi; ngành sợi đóng góp lớn về hiệu quả nhưng có độ nhạy cảm cao với thị trường, vị thế kinh doanh chưa bền vững; dệt may cơ hội thị trường tốt, nhưng nếu không bảo đảm tiến độ vì nguy cơ dịch bệnh có thể giảm hiệu quả kinh tế. Do đó, để chủ động sản xuất và đẩy mạnh hàng xuất khẩu, đòi hỏi các DN thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch bệnh, đồng thời phải tăng khả năng cung ứng trong điều kiện thị trường tốt do dịch chuyển ngắn hạn về Việt Nam. Linh hoạt sử dụng cả phương thức kinh doanh bậc thấp như cắt may thuê để giảm rủi ro cung ứng nguyên liệu, vốn lưu động với mục tiêu đạt kim ngạch cao nhất có thể. Có giải pháp sử dụng năng lực sản xuất khu vực sản phẩm chưa phục hồi thị trường một cách hợp lý, duy trì nhân lực và chi phí cố định tối thiểu,... Chung quan điểm, Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam (Vitas) Vũ Đức Giang cho biết, bên cạnh việc chủ động nguồn nguyên phụ liệu phục vụ sản xuất trong nước nhằm tận dụng các cơ hội từ các hiệp định thương mại thế hệ mới mang lại, các DN cần tăng cường đầu tư sản xuất theo chuỗi, nghiên cứu và phát triển thị trường nhằm đẩy mạnh xuất khẩu hàng hóa, hoàn thành mục tiêu đạt kim ngạch xuất khẩu 39 tỷ USD đã đề ra. Đồng thời, hy vọng Nhà nước sớm khống chế được dịch bệnh, triển khai tiêm vắc-xin trên diện rộng cho người lao động để DN ổn định sản xuất, xuất khẩu hàng hóa.
Chủ tịch HĐQT Tổng công ty May Hưng Yên (Hugaco) Nguyễn Xuân Dương cho biết thêm, bên cạnh việc chủ động đầu tư các trang thiết bị hiện đại, mở rộng sản xuất; đào tạo và nâng cao trình độ người lao động nhằm đáp ứng những đơn hàng chất lượng cao, khó tính của khách hàng thời hậu Covid-19, điều hiện tại DN lo lắng nhất vẫn là khả năng kiểm soát, khống chế dịch bệnh. Thị trường những tháng đầu năm khởi sắc, DN liên tiếp nhận các đơn hàng từ Mỹ và EU nhưng hiệu quả sản xuất, kinh doanh vẫn phụ thuộc rất lớn vào diễn biến của dịch... Nếu dịch bệnh sớm được kiểm soát cùng với lượng đơn hàng dồi dào, năng lực sẵn có sẽ là điều kiện thích hợp để đẩy mạnh sản xuất, mở rộng thị trường xuất khẩu trong thời gian tới. Tương tự, Phó Tổng Giám đốc May 10 Bạch Thăng Long nhận định, tín hiệu chung của thị trường thế giới đang tốt lên do các nước đã tiêm phòng vắc-xin và nhu cầu tiêu dùng tăng cao sau hai năm bị ảnh hưởng của dịch bệnh. Đây là cơ hội rất lớn để các DN dệt may trong nước tận dụng lợi thế để ký kết đơn hàng, đẩy mạnh xuất khẩu. Tuy nhiên, đó là cơ hội, còn nắm bắt được hay không phụ thuộc rất lớn vào công tác phòng, chống dịch bệnh của Việt Nam. Nếu làm tốt, cơ hội đẩy mạnh xuất khẩu hàng hóa sẽ lớn và ngược lại, lượng đơn hàng sẽ chuyển sang các nước khác, lúc đó DN không có đơn hàng để làm.
Bên cạnh sự nỗ lực của các DN, các DN dệt may rất mong muốn Nhà nước sớm chủ động nguồn vắc-xin để tiêm phòng cho người lao động, tránh lây lan trong cộng đồng. Qua đó tạo điều kiện để các DN yên tâm đầu tư, ổn định sản xuất, đồng thời, có các chính sách cụ thể cho phát triển công nghiệp hỗ trợ dệt may, xây dựng các khu công nghiệp phát triển dệt may tập trung,... nhằm tạo bệ đỡ để DN phát triển.