Trên thực tế, việc sản xuất nguyên phụ liệu dệt may, nhất là vải, là khâu yếu và điểm nghẽn trong phát triển ngành dệt may hiện nay. Nhiều địa phương không mặn mà với việc cấp phép khâu dệt nhuộm do lo ngại vấn đề ô nhiễm môi trường. Do vậy, việc phê duyệt chiến lược phát triển ngành sẽ tạo cơ sở hình thành những khu công nghiệp chuyên ngành, có đủ cơ sở hạ tầng để phát triển ngành dệt may, hình thành hệ sinh thái dệt may hoàn chỉnh.
Được biết, hiện kim ngạch xuất khẩu của ngành dệt may đạt khoảng 40 tỷ USD/năm. Việt Nam đã ký kết 17 hiệp định thương mại tự do. Thế nhưng, với 60% nguồn nguyên liệu sản xuất là vải phải nhập khẩu, đã khiến DN dệt may đánh mất cơ hội được hưởng thuế suất ưu đãi từ các thị trường xuất khẩu.
Do vậy, việc hoàn thiện hệ sinh thái sản xuất nguyên liệu dệt may trong nước, cụ thể là bổ sung DN dệt nhuộm sẽ giúp hoạt động xuất khẩu của ngành dệt may tăng trưởng mạnh trong thời gian tới. Ngoài ra, ông Vũ Đức Giang, Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam, cho rằng, công nghệ hiện nay đã rất hiện đại, do đó, nếu đầu tư có tính đến yếu tố xử lý chất thải, bảo vệ môi trường thì sẽ không phải lo phát sinh nguy cơ gây ô nhiễm môi trường.
MINH XUÂN
Nguồn:Sggp.org.vn