Xuất khẩu tăng trưởng nhưng doanh nghiệp dệt may 'méo mặt' lo ảnh hưởng dịch COVID-19

Trong 6 tháng đầu năm 2021, xuất khẩu dệt may đạt gần 19 tỷ USD, tăng trên 20% so với 2020, đặc biệt đã vượt qua cả con số của cùng kỳ năm 2019. Tuy nhiên, các doanh nghiệp dệt may đang đứng trước thách thức vô cùng lớn khi dịch COVID-19 đang diễn biến phức tạp ở phía Nam, nơi có trung tâm sản xuất lớn.

Xuất khẩu tăng 20% so với 2020

Ông Lê Tiến Trường, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Dệt May Việt Nam (Vinatex) cho biết, trong 6 tháng đầu năm 2021, xuất khẩu dệt may đạt gần 19 tỷ USD, tăng trên 20% so với 2020, đặc biệt đã vượt qua cả con số của cùng kỳ năm 2019. Điều này chứng tỏ sự phục hồi khá sớm so với dự báo phải hết năm 2021 mới quay lại ngưỡng năm 2019, thậm chí đến quý 3/2022. 

Ông Lê Tiến Trường phân tích thêm, 6 tháng đầu năm 2021 ghi nhận những phục hồi tích cực của tổng cầu trên thị trường thế giới. Cầu tăng đã làm cho lưu lượng giao dịch hàng hoá dệt may tăng cao, đem lại nguồn đơn hàng dài, số lượng lớn cho phần lớn doanh nghiệp sau 1 năm thiếu hụt nặng nề.

Sự phục hồi của xuất khẩu dệt may ngoài yếu tố cầu, còn có cả yếu tố dịch chuyển cung. Nhóm các nước xuất khẩu dệt may lớn như Ấn Độ, Bangladesh, Cambodia bị dịch bệnh hoành hành trên quy mô lớn, doanh nghiệp không thể hoạt động. Trong khi đó ở Việt Nam đến hết tháng 4/2021, tình hình kiểm soát dịch bệnh khá tốt, doanh nghiệp có thể phát huy hết tốc lực cho sản xuất. 

 

Chú thích ảnhDoanh nghiệp dệt may lo lắng ảnh hưởng khi dịch COVID-19 bùng phát mạnh ở phía Nam. 

Đáng chú ý, bên cạnh ngành may có đủ đơn hàng dù đơn giá còn thấp thì điểm sáng đặc biệt đến từ ngành sợi. Sau 24 tháng liên tục khó khăn, cầu thấp, nhiều thời điểm giá bán dưới giá thành thì từ tháng 10/2020, tình hình ngành này đã sáng lên, cầu và cả giá bán tăng cao.

“Với Vinatex, ước tính hiệu quả của 6 tháng đầu năm 2021 về cơ bản có thể bù đắp được toàn bộ phần thiệt hại của 2 năm 2019, 2020; đưa ngành sợi trở lại thành ngành có đóng góp trên 60% hiệu quả hợp nhất toàn Tập đoàn, dù chỉ ở 12 đơn vị với quy mô xấp xỉ 7.000 lao động, chiếm dưới 10% lao động trực tiếp của Tập đoàn và dưới 5% nếu tính đến cả các đơn vị may cấp 2”, ông Lê Tiến Trường nói.  

Bên cạnh những kết quả đạt được, lãnh đạo Vinatex cũng chỉ ra không ít hạn chế, tồn tại. Đó là kết quả đạt được phần lớn do sự phục hồi sớm của thị trường và sự thiếu hụt nguồn cung từ các quốc gia cạnh tranh, dẫn tới Việt Nam có được lợi thế trong ngắn hạn về nguồn hàng, là điểm đến an toàn gần như duy nhất trong chuỗi cung ứng toàn cầu.

Bên cạnh đó, mô hình kinh doanh của các doanh nghiệp sau 1 năm dịch bệnh đã có sự linh hoạt cao hơn, chủ động hơn nhưng vẫn phần lớn vẫn gói gọn trong mô thức cũ, khách hàng cũ, phương thức tiếp cận chưa có đổi mới căn bản. 

Còn nhiều lo ngại

Ông Lê Tiến Trường cho biết, doanh nghiệp đang thực sự ở vào thời kỳ khó khăn nhất trong suốt 18 tháng có dịch bệnh COVID-19, khi các địa phương là trung tâm sản xuất có tỷ trọng lớn, hiệu quả cao của tập đoàn đều nằm trong tâm dịch, nghiêm trọng nhất là tại TP Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Đồng Tháp, Bình Định. 

"Lần đầu tiên trong hệ thống các doanh nghiệp của tập đoàn có các ca F0 và diễn biến trên diện rộng, cùng với việc áp dụng chính sách giãn cách, cách ly của các địa phương để phòng chống dịch, nhiều cơ sở sản xuất của Vinatex đã phải giảm mạnh sản xuất từ 50 - 70%, thậm chí phải dừng sản xuất trong 14 ngày nếu có F0", Chủ tịch HĐQT Vinatex cho hay 

Chỉ trong 10 ngày qua số lượng lao động của Vinatex tại khu vực miền Nam không thể đi làm đã lên tới trên 10.000 người, lớn nhất là của Việt Tiến, Hữu Nghị tại Đồng Tháp. Dự kiến trong những ngày tới đây khi nhiều địa phương áp dụng Chỉ thị 16 trong 15 ngày thì số lượng này còn tăng nhanh 

"Khó khăn sẽ còn chồng chất hơn khi doanh nghiệp đang có đủ đơn hàng ở tất cả các đơn vị đến hết tháng 9 và một phần đến tháng 12, cam kết giao hàng và thực hiện trách nhiệm của hợp đồng kinh tế cũng là rủi ro rất lớn với từng doanh nghiệp. Sáu tháng đầu năm đã ghi nhận những kết quả rất tốt, tổng thể chung về hiệu quả Vinatex đã quay lại cao hơn cả mức trước dịch bệnh của 6 tháng đầu năm 2019 tới trên 40%. Nhưng những thành quả đó hoàn toàn có thể mất đi nếu các giải pháp sáng tạo về sản xuất kinh doanh trong điều kiện có dịch không được triển khai quyết liệt. Đồng thời còn có thể có hệ lụy nghiêm trọng với chuỗi cung ứng và trên hết là đời sống của người lao động tại các doanh nghiệp", ông Lê Tiến Trường lo ngại.

Do đó, theo đại diện Vinatex, các doanh nghiệp thành viên của tập đoàn đều đẩy mạnh thực hiện nghiêm túc, triệt để các quy định về 5K, các hướng dẫn của ngành Y tế và chính quyền địa phương. Các doanh nghiệp xây dựng kế hoạch tổ chức sản xuất và lưu trú tại chỗ, đăng ký với cơ quan quản lý nhà nước trên địa bàn để có thể thực hiện ngay khi tình huống xảy ra, kể cả với doanh nghiệp ở các vùng hiện chưa có diễn biến dịch bệnh ở miền Bắc và miền Trung. Đồng thời phát động người lao động sẵn sàng tham gia sản xuất và sinh hoạt tại đơn vị nếu có tình huống yêu cầu. Phối hợp với cán bộ quản lý tại doanh nghiệp lo điều kiện ăn ở cho người lao động...

 "Tình hình 6 tháng cuối năm còn nhiều bất định, cần luôn chủ động dự báo, liên tục điều chỉnh phương thức đáp ứng thị trường và điều kiện kinh doanh với mục tiêu phục hồi hiệu quả sản xuất kinh doanh 2021 đạt tối thiểu bằng 2019 với lợi nhuận hợp nhất trên 750 tỷ đồng", ông Lê Tiến Trường cho hay.    

Liên quan tới câu chuyện xuất khẩu dệt may thời gian tới, đại diện Bộ Công Thương cho rằng, các mặt hàng may mặc trong 6 tháng cuối năm là hàng thu đông và sẽ có giá trị cao hơn.

Do đó, dự báo xuất khẩu dệt may năm nay có thể tăng khoảng 10% so với năm 2020, tương đương 39 tỷ USD và dệt may Việt Nam có thể quay lại mức xuất khẩu của năm 2019, sớm hơn khoảng 1 năm so với dự báo trước đây. 

Nguồn:Baotintuc.vn

 

ĐĂNG KÝ HỘI VIÊN

Vui lòng đọc kĩ nội dung Thư mời gia nhập hội
Điền đầy đủ thông tin vào đơn gia nhập hội và gửi về địa chỉ bên dưới

  • Address: 183H Dương Quảng Hàm, P. 5, Q.Gò Vấp
  • Phone: (08) 6 2973 567 - Fax : (08) 62 973 540
  • Website: http://agtek.org.vn/