Thị trường nội địa: Doanh nghiệp dệt may trước "cơ hội vàng"
Dung lượng khoảng 5 tỷ USD, dân số tăng nhanh, nền kinh tế khởi sắc, nhu cầu tiêu dùng ngày một cao là những yếu tố khiến thị trường nội địa đang trở nên hấp dẫn với doanh nghiệp (DN) dệt may Việt Nam.
Thời điểm vàng phát triển thị trường nội địa
Dù không có dung lượng lớn như xuất khẩu nhưng thị trường nội địa vẫn được đánh giá có tiềm năng phát triển với mặt hàng dệt may. Ông Cao Hữu Hiếu - Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex) - phân tích: Thời điểm hiện tại khá thuận lợi để tập trung vào thị trường nội địa. Nếu 10 năm trước, người tiêu dùng Việt Nam chuộng sử dụng hàng may sẵn xuất xứ từ Trung Quốc do giá rẻ, thì hiện nay, không ít người tiêu dùng đã chuyển sang lựa chọn hàng may mặc của Việt Nam để tìm đến với các sản phẩm chất lượng hơn.
|
Hàng dệt may được khách hàng ưa chuộng |
Thực tế những năm qua, nhiều DN dệt may lớn trong nước đã có chiến lược kinh doanh khai thác thị trường nội địa và thành công đáng kể. Tổng công ty Cổ phần May Việt Tiến là một điển hình, thương hiệu Viettien, Viettien Smartcasual của Việt Tiến đã được định vị trong tâm thức người tiêu dùng trong nước. Việt Tiến hiện cũng là một trong những DN có hệ thống phân phối lớn với 1.300 cửa hàng giới thiệu và bán sản phẩm trên khắp các tỉnh, thành phố cả nước. Năm 2020, Việt Tiến là thành viên dẫn đầu về doanh thu nội địa của Vinatex với 994,8 tỷ đồng.
Ngoài ra, còn có thể kể tới May Đức Giang, May Nhà Bè, May Hòa Thọ, Hanosimex, Tổng công ty 28, TNG… Các DN này đã có những thương hiệu uy tín, được người tiêu dùng tin tưởng, doanh thu nội địa mỗi năm tới hàng trăm tỷ đồng/DN. Hay như Trung tâm bán lẻ thời trang của Vinatex, sau 2 năm đi vào hoạt động, cũng đạt doanh thu hơn 110 tỷ đồng trong năm 2020, đạt kế hoạch đặt ra.
Cần chiến lược đầu tư bài bản
Thị trường nội địa đang hấp dẫn DN dệt may trong nước. Tuy nhiên, việc phát triển thương hiệu cũng như chinh phục thị trường nội địa bền vững cần có chiến lược bài bản và đầu tư lâu dài. Riêng với Vinatex, Tập đoàn khuyến khích các DN trong hệ thống tập trung phát triển mạnh những thương hiệu cũ, vốn đã có lợi thế trong tâm thức người tiêu dùng. Song song với đó, đầu tư vào khâu thiết kế, marketing để phát triển những thương hiệu mới cho phù hợp với xu hướng tiêu dùng chung hiện nay; đẩy mạnh các kênh phân phối rộng khắp và đầu tư thêm cơ sở thông tin cho kênh thương mại điện tử.
Dù vậy, việc phát triển được thương hiệu nội địa cũng như chinh phục thị trường trong nước của DN dệt may không dễ dàng, bởi vốn, nhân lực, nguyên liệu vẫn là "bài toán" khó. Lời giải cho các vấn đề này, theo đại diện Hiệp hội Dệt may Việt Nam, muốn phát triển thị trường trong nước, DN dệt may cần hỗ trợ về mặt bằng bởi khâu này đang chiếm chi phí rất cao, làm đội giá và giảm sức cạnh tranh của sản phẩm. DN phải chủ động được nguồn nguyên phụ liệu; đầu tư, đào tạo đội ngũ thiết kế, nhân viên bán hàng ngày càng chuyên nghiệp, hiện đại, sẵn sàng giải quyết những khúc mắc của khách hàng. Bên cạnh đó, cải thiện chất lượng sản phẩm rõ rệt, từng bước tiếp cận được phân khúc khách hàng thượng lưu…, có như vậy mới đứng vững trên thị trường.
Bên cạnh đó, các cơ quan chức năng tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm, đặc biệt tình trạng nhập lậu, buôn bán hàng nhái, hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc nhằm bảo vệ, hỗ trợ DN kinh doanh chân chính; khuyến khích phát triển quảng bá thương hiệu.
Nguồn:Congthuong.vn