Các nhà xuất khẩu hàng may mặc của Ấn Độ có nguy cơ mất phần lớn đơn đặt hàng vào tay các đối thủ cạnh tranh ở các quốc gia như Bangladesh, Sri Lanka, Pakistan, Campuchia và Việt Nam.

Lý do vì nhiều công ty Ấn Độ không thể gửi hàng mẫu cho các thương hiệu toàn cầu trong bối cảnh phần lớn nước này đang áp đặt lệnh phong tỏa để ngăn chặn dịch COVID-19.

Chẳng hạn, các nhà xuất khẩu ở hai bang nơi dịch bệnh đang bùng phát mạnh là Tamil Nadu và Karnataka lo ngại số đơn đặt hàng của họ sẽ giảm một nửa trong vòng bốn tháng, vì tháng này họ không thể gửi hàng mẫu để giúp các thương hiệu toàn cầu chuẩn bị những bộ sưu tập mới.

Ông CMN Muruganandan, một đối tác tại Gomatha International, một nhà xuất khẩu ở siêu trung tâm dệt may Tiruppur của bang Tamil Nadu, cho biết: “Hôm qua, chúng tôi nhận được thư từ một người mua ở Australia nói rằng họ muốn chuyển ra khỏi Ấn Độ vào mùa mua sắm tháng Chín tới vì chúng tôi chưa gửi hàng mẫu.”

Theo đánh giá của ông Muruganandan, sáu tháng tới sẽ rất khó khăn, đồng thời bày tỏ lo ngại rằng thời gian phong tỏa kéo dài có thể khiến họ đánh mất cơ hội kinh doanh trong mùa Giáng sinh.

Với việc các cơ sở may mặc đóng cửa ở một số bang như Tamil Nadu và Karnataka, các nhà xuất khẩu cũng lo lắng về khả năng không đáp ứng được các đơn hàng hiện có của mình.

Ông Kulin Lalbhai, giám đốc điều hành Arvind, nhà xuất khẩu lớn với hơn 10 cơ sở ở Karnataka, Gujarat và Jharkhand, nói với The Economic Times: “Chúng tôi đang có những đơn đặt hàng lớn nhất khi Mỹ đang bùng nổ và châu Âu đang mở cửa trở lại. Nhưng việc không đáp ứng được các đơn hàng có thể dẫn đến việc hủy đơn. Một số quốc gia cạnh tranh với chúng ta đang vận hành các cơ sở may mặc của họ bất chấp việc họ đang đối mặt tình trạng lây nhiễm lớn hơn.”

Các nhà xuất khẩu hàng may mặc Ấn Độ đã kêu gọi chính phủ trung ương và chính quyền các bang cho phép họ nối lại sản xuất và giải quyết lượng lớn các đơn hàng tồn đọng.

Chủ tịch Hội đồng xúc tiến xuất khẩu may mặc Ấn Độ (AEPC) A Sakthivel đã viết thư kêu gọi Thủ tướng Narendra Modi không áp dụng các hạn chế của lệnh phong tỏa đối với lĩnh vực xuất khẩu hàng may mặc như nhiều nước khác đã làm.

Theo các doanh nghiệp, lệnh giới nghiêm và tình trạng gián đoạn trong chuỗi cung ứng có nguy cơ khiến các doanh nghiệp nhỏ hơn phá sản, trong khi làm tổn hại uy tín của các công ty hàng đầu Ấn Độ trên thị trường toàn cầu.

Bất kỳ sự gián đoạn nào về nguồn cung từ các nhà sản xuất Ấn Độ sẽ chỉ tạo điều kiện cho các nước cạnh tranh giành lấy các đơn đặt hàng.

Ngành dệt may Ấn Độ, bao gồm cả các sản phẩm sản xuất thủ công, đạt quy mô 140 tỷ USD trong năm 2018, trong đó 100 tỷ USD tiêu thụ trong nước và 40 tỷ USD xuất khẩu ra thị trường thế giới.

Ngành này dự kiến đạt 223 tỷ USD đến năm 2021, chiếm 13% sản lượng công nghiệp và 12% thu nhập xuất khẩu của Ấn Độ./.

Huy Lê (TTXVN/Vietnam+)