Thưa bà, thời gian gần đây cộng đồng doanh nghiệp phản ánh không tích cực về quy định nộp thuế nhập khẩu theo hình thức xuất nhập khẩu tại chỗ tại Nghị định số 18/2021/NĐ-CP. Với ngành da giày, quy định này có tác động như thế nào?
Tôi có thể khẳng định quy định này khá bất cập đối với doanh nghiệp và ảnh hưởng rất nhiều đến hoạt động xuất khẩu. Quy định nhằm mục tiêu chống gian lận thương mại, trốn thuế của các doanh nghiệp sản xuất nguyên phụ liệu trong nước. Tuy nhiên, trên thực tế, ngành da giày có tới 90% doanh nghiệp và sản lượng sản phẩm dành cho xuất khẩu, có những doanh nghiệp xuất khẩu tới 100%. Quy định này khiến chi phí doanh nghiệp phải bỏ ra rất lớn.
|
Bà Phan Thị Thanh Xuân - Phó Chủ tịch Hiệp hội Da giày - Túi xách Việt Nam |
Cụ thể, thứ nhất: trước đây doanh nghiệp được miễn thuế nhập khẩu tại chỗ, nhưng bây giờ áp dụng quy định này, doanh nghiệp bị động do không chuẩn bị được nguồn tiền để tạm ứng thuế.
Thứ hai, việc thu thuế sẽ liên tục diễn ra vì doanh nghiệp phải nhập khẩu để chuẩn bị cho các đơn hàng, mua đến đâu lập tức phải ứng tiền ra để đóng thuế đến đó. Theo tính toán sơ lược của Hiệp hội, chi phí này rơi vào khoảng 15% giá trị lượng hàng hóa của ngành da giày. Khoản tiền này doanh nghiệp phải đi vay ngân hàng với lãi suất hơn 10%, chí phí sẽ đội lên đáng kể. Có những doanh nghiệp phải vay từ hàng chục đến hàng trăm tỷ đồng. Ngoài ra, doanh nghiệp còn tốn thời gian thực hiện hoàn thuế bởi quy định thủ tục hoàn thuế không đơn giản, doanh nghiệp phải có thêm lực lượng nhân sự lo giấy tờ thủ tục đến cơ quan thuế để thực hiện thủ tục hoàn thuế. Như vậy, về cả tài chính và thời gian thì quy định này tạo gánh nặng rất lớn cho doanh nghiệp.
Thứ ba, quy định này không khuyến khích phát triển công nghiệp hỗ trợ, chỉ khuyến khích nhập khẩu bởi nhập khẩu nguyên liệu từ các nước được miễn thuế.
Mặt khác, doanh nghiệp sẽ lách luật, mang hàng hoá vào kho ngoại quan để được miễn thuế, dù phải chịu phí lưu kho, lưu bãi nhưng vẫn lợi hơn nộp thuế nhập khẩu.
Như vậy có thể thấy, quy định này không hẳn đã đạt được mục tiêu ngăn chặn gian lận thương mại, thưa bà?
Quy định mới bổ sung trong Nghị định 18/2021/NĐ-CP không đáp ứng được mục tiêu ngăn chặn gian lận thương mại mà còn gây khó khăn cho doanh nghiệp. Có nhiều biện pháp để ngăn chặn gian lận, trong đó có thể dùng chế tài để xử lý những doanh nghiệp vi phạm. Hơn nữa, quy định chỉ nhắm vào khoảng 10% doanh nghiệp nhưng gây thiệt thòi cho 90% doanh nghiệp còn lại.
Trong bối cảnh hiện nay, doanh nghiệp đã khó khăn rất nhiều do dịch bệnh, lại thêm chi phí phát sinh, thêm thủ tục hành chính, xáo trộn hết toàn bộ quy trình sản xuất. Chưa kể quy định này sẽ hạn chế phát triển công nghiệp hỗ trợ bởi nhập khẩu được ưu tiên thì doanh nghiệp sẽ không đầu tư cho sản xuất trong nước.
|
Doanh nghiệp da giày trong nước mong muốn giữ người lao động, duy trì đơn hàng |
Quy định mới về thuế nhập khẩu có ảnh hưởng tới khu vực FDI không, thưa bà?
Tận dụng các hiệp định thương mại tự do được ký kết, doanh nghiệp FDI muốn dịch chuyển chuỗi cung ứng về Việt Nam để đảm bảo xuất xứ cho hàng hóa xuất khẩu. Việc tăng thêm thuế kết hợp với tình hình thị trường không tốt khiến các doanh nghiệp FDI bị ảnh hưởng rất lớn. Theo tính toán sơ bộ của một nhà sản xuất FDI lớn trong ngành da giày, quy định về thuế này khiến doanh nghiệp phải nộp 320 tỷ đồng tiền tạm ứng thuế nhập khẩu.
Không chỉ ngành dệt may, da giày mà doanh nghiệp các ngành khác như sản xuất ô tô, điện tử…cũng cùng chung cảnh ngộ.
Chính phủ đã triển khai nhiều chính sách hỗ trợ cho doanh nghiệp khôi phục, ổn định sản xuất, ngành da giày đã tiếp cận được các gói hỗ trợ này hay chưa, thưa bà?
Không chỉ ngành da giày mà cả ngành dệt may, doanh nghiệp tiếp cận được rất ít các chính sách hỗ trợ bởi điều kiện hỗ trợ không phù hợp. Mục tiêu của doanh nghiệp là giữ lao động để duy trì đơn hàng và không muốn giảm lao động nhưng điều kiện được hỗ trợ là phải giảm lao động, giảm doanh thu. Nếu giảm lao động, giảm doanh thu thì doanh nghiệp phá sản, dừng sản xuất, hỗ trợ không có tác dụng.
Trong bối cảnh hiện nay, doanh nghiệp không còn quan tâm đến lời lãi, chỉ muốn duy trì đơn hàng. Các nhà hoạch định chính sách phải hiểu được thực tế đó để đưa ra điều kiện phù hợp.
Vừa rồi, Thủ tướng Chính phủ đã có chỉ thị rà soát lại những văn bản chồng chéo, bất cập, gây khó khăn cho doanh nghiệp, bà kỳ vọng gì về động thái này?
Đặc thù của ngành da giày, dệt may là sử dụng nhiều lao động, liên quan mật thiết đến an sinh xã hội. Nếu lao động cả ngành công nghiệp khoảng 16 triệu người thì lao động ngành dệt may, da giày chiếm khoảng 40%. Bất cứ khó khăn nào ảnh hưởng đến 2 ngành này sẽ tác động trực tiếp đến người lao động - nhóm yếu thế nhất trong xã hội. Chính vì vậy, Chính phủ cần tính đến và quan tâm tới thực trạng của các ngành, ra chính sách phù hợp, hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua thời điểm vô cùng khó khăn này.
Riêng với Nghị định 18/2021/NĐ-CP dù chưa triển khai đại trà mà mới chỉ thực hiện tại một số doanh nghiệp. Tuy nhiên với tác động không mong muốn như vậy, các cơ quan xây dựng chính sách cần tiếp thu, sửa đổi cho phù hợp.
Xin trân trọng cảm ơn bà!