Nhóm các doanh nghiệp niêm yết trong lĩnh vực dệt may đang dần thích ứng để nắm bắt cơ hội trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 và quay trở lại đà tăng trưởng mạnh khi hầu hết các doanh nghiệp xuất khẩu hàng may mặc của Việt Nam đã có đủ đơn đặt hàng để sản xuất đến hết quý 3/2021. Nhận định trên được đưa ra từ báo cáo phân tích của Công ty chứng khoán SSI, ngày 18/5.
Kim ngạch xuất khẩu tăng trên 10%
Theo Tổng cục Thống kê, kim ngạch xuất khẩu hàng may mặc của Việt Nam trong 4 tháng đạt 9,7 tỷ USD (tăng 0,7% so với cùng kỳ) nhờ vào sự phục hồi mạnh mẽ tại Mỹ và thị trường xuất khẩu chính.
Theo đó, ngành dệt may của Việt Nam đã phục hồi đến 19,1% so với cùng kỳ khi tận dụng lợi thế của khối thị trường CPTPP (Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương) có hiệu lực từ tháng 1/2019.
Theo bà Hoàng Việt Phương, Giám đốc Trung tâm phân tích và tư vấn đầu tư, Công ty Chứng khoán SSI, những con số đáng khích lệ trên phản ánh sự cải thiện đáng kể trong tháng Tư với mức tăng trưởng xuất khẩu sang thị trường Mỹ đạt 84% và sang EU tăng 52% so với cùng kỳ.
Thông tin chung từ ngành may mặc, hầu hết các công ty đã có đủ đơn đặt hàng để sản xuất đến hết tháng Chín. Tại thị trường Mỹ, Việt Nam tiếp tục giành được thị phần từ Trung Quốc, tăng từ 12,7% lên 15,6% so với cùng kỳ.
Kim ngạch xuất khẩu hàng may mặc của Việt Nam trong 4 tháng:
Nhóm phân tích của SSI căn cứ dữ liệu lịch sử một năm (từ tháng 3/2020 đến tháng 3/2021) cho biết thị phần bị mất đi của Trung Quốc tại Mỹ đã mang lại lợi ích cho tất cả các đối thủ cạnh tranh, trong đó Việt Nam là nước được hưởng lợi chính. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp sản xuất sợi cũng được hưởng lợi khi giá sợi bông và sợi polyester đều phục hồi mạnh mẽ trên quy mô toàn cầu, giá bán bình quân tăng lần lượt là 15% và 30% so với đầu năm.
Tăng trưởng mạnh mẽ
Trên thị trường chứng khoán, cổ phiếu của Công ty Dệt may-Đầu tư-Thương mại Thành Công (TCM-HoSE) hiện đang có lợi thế cạnh tranh với một chuỗi giá trị hoàn chỉnh. Theo đánh giá từ SSI, công ty có thể hưởng lợi từ xu hướng tăng của giá sợi và nhu cầu vải từ các công ty trong nước để đáp ứng quy tắc xuất xứ của các hiệp định thương mại tự do (FTA), cũng như sự phục hồi của đơn đặt hàng may mặc từ các khách hàng xuất khẩu. Thêm vào đó, nhà máy mới tại Vĩnh Long của công ty dự kiến sẽ đi vào hoạt động trong quý 4 và điều này sẽ giúp TCM giảm phụ thuộc vào nguồn thuê ngoài, cải thiện tỷ suất lợi nhuận gộp trong tương lai.
Bên cạnh đó, kết quả kinh doanh của TCM trong quý 1 cho thấy doanh thu và lợi nhuận gộp lần lượt tăng 20% và 36% so với cùng kỳ, nhờ nhu cầu tiêu thụ vải và hàng may mặc phục hồi, đặc biệt là mảng sợi được hưởng lợi từ giá tăng. Thu nhập tài chính thuần tăng trưởng dương trở lại chủ yếu nhờ nợ vay giảm và điều này đã giúp cho lợi nhuận sau thuế trong quý tăng mạnh 83% so với cùng kỳ.
Tương tự, Công ty May Sông Hồng (MSH-HoSE) đang có nhiều lựa chọn hơn để sản xuất. Việc mở rộng công suất từ nhà máy SH10 mới sẽ thúc đẩy tăng trưởng doanh thu và lợi nhuận ròng trong trung hạn của công ty. Nhóm phân tích từ SSI dự báo năm 2021, MSH có thể đạt doanh thu thuần và lợi nhuận ròng lần lượt là 4.300 tỷ đồng (tăng 11,6% so với cùng kỳ) và 392 tỷ đồng (tăng 69%).
Với Công ty Sợi Thế Kỷ (STK-HoSE), doanh thu của công ty đã tăng mạnh nhờ thúc đẩy bởi sợi tái chế tăng cao hơn và giá sợi polyester đi lên. Theo đó, nhóm phân tích kỳ vọng doanh thu thuần và lợi nhuận ròng lần lượt là 2.400 tỷ đồng (tăng 35,2% so với cùng kỳ) và 250 tỷ đồng (tăng 74,3%) trong năm 2021; triển vọng năm 2022, doanh thu thuần dự báo đạt 2.600 tỷ đồng (tăng 8,7% so với cùng kỳ) và lợi nhuận ròng 295 tỷ đồng (tăng17,9%).
Bà Phương chia sẻ, “các cổ phiếu triển vọng trong ngành sẽ được hưởng lợi từ nhu cầu phục hồi đối với các sản phẩm tương ứng, có vị thế thị trường vững chắc và kế hoạch mở rộng công suất tích cực được thực hiện. Tuy nhiên, khi xem xét về định giá và triển vọng trung hạn, cổ phiếu được khuyến nghị cho ngành là MSH”./.
Hạnh Nguyễn (Vietnam+)