Những tín hiệu khả quan từ ngành dệt may
Thông tin lạc quan về vắc xin phòng dịch Covid-19 đã giúp ngành dệt may có những tín hiệu khả quan. Do đó, mức độ tăng trưởng cả năm 2021 có thể đạt 10% và dệt may Việt Nam có thể quay trở lại mức xuất khẩu của năm 2019.
Theo Bộ Công Thương, ngành dệt may trong quý I-2021 đã có nhiều tín hiệu khởi sắc. Dù dịch bệnh vẫn còn, tuy nhiên đến thời điểm hiện nay, các doanh nghiệp đã tìm được hướng đi phù hợp. Theo đó, kim ngạch xuất khẩu hàng dệt may ước đạt 7,2 tỷ USD, tăng 1,1% so với cùng kỳ; kim ngạch xuất khẩu xơ, sợi dệt các loại tăng 31%; kim ngạch xuất khẩu vải mành, vải kỹ thuật khác tăng 8,8%.
Sự hồi phục về xuất khẩu của ngành dệt may Việt Nam trong năm 2021 đã được nhiều chuyên gia và các tổ chức dự báo. Theo ông Trương Văn Cẩm, Phó Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam (VITAS), hầu hết các doanh nghiệp dệt may đã có đơn hàng đến hết tháng 6, một số doanh nghiệp có đơn hàng đến tháng 7, tháng 8-2021, như: May Sài Gòn 3, Saigon Garmex, Việt Tiến...
Sự hồi phục này là nhờ nỗ lực của Chính phủ và Bộ Công Thương đã có nhiều chính sách và động thái hỗ trợ triển khai các hoạt động xúc tiến thương mại, tìm kiếm thị trường và thông thương hàng hóa. Cùng với đó là nỗ lực của các doanh nghiệp trong quá trình ổn định sản xuất, giữ chân người lao động.
Theo ông Lê Nho Thướng, Chủ tịch Công đoàn Dệt may Việt Nam, ngành dệt may xác định hai tài sản lớn nhất phải bảo vệ bằng mọi giá là người lao động và vị trí của ngành trong chuỗi cung ứng toàn cầu. Vì vậy, các doanh nghiệp trong ngành đã luôn nỗ lực, tìm mọi giải pháp để giữ ổn định lao động. Khi dịch Covid-19 bùng phát, doanh nghiệp đều xác định, nếu cho người lao động nghỉ chờ việc dài ngày để đủ điều kiện nhận trợ cấp của Chính phủ thì người lao động vẫn phải kiếm việc khác để duy trì cuộc sống và khi thị trường ổn định trở lại thì các doanh nghiệp sẽ không còn đủ lực lượng lao động để phục hồi sản xuất nhanh được. Vì vậy, các doanh nghiệp dệt may đã không lựa chọn phương án nghỉ chờ việc để lấy tiền hỗ trợ mà vẫn cố gắng duy trì sản xuất mọi mặt hàng có được trên thiết bị công nghệ hiện có để bảo đảm việc làm cho người lao động…
Rõ ràng những nỗ lực của Chính phủ, Bộ Công Thương và doanh nghiệp đã mở ra những tín hiệu tích cực cho quý II-2021. Tuy nhiên, theo đánh giá của Bộ Công Thương, xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam, trong đó có mặt hàng dệt may, vẫn còn gặp nhiều khó khăn. Diễn biến gia tăng của dịch Covid-19 có thể khiến vận chuyển hàng hóa tiếp tục gặp trở ngại. Do vậy, cộng đồng doanh nghiệp cũng cần có sự chủ động tìm giải pháp cho mình.
Để hỗ trợ doanh nghiệp, Bộ Công Thương sẽ tổ chức khai thác, tận dụng cơ hội từ các hiệp định thương mại tự do để tìm giải pháp phát triển thị trường và tháo gỡ rào cản, thâm nhập các thị trường mới. Tiếp tục theo dõi sát diễn biến của dịch để có các biện pháp ứng phó kịp thời. Bộ cũng sẽ ưu tiên triển khai các hoạt động xúc tiến xuất khẩu vào các thị trường xuất khẩu sớm được khôi phục sau đại dịch…
Nguồn: Hanoimoi.com.vn