Bắc Giang: Doanh nghiệp dệt may phục hồi sản xuất

Quý I/2021, tình hình dịch bệnh Covid-19 lắng xuống, kim ngạch xuất khẩu nhóm hàng dệt may trong tỉnh còn khiêm tốn nhưng đã có dấu hiệu phục hồi trở lại. Đây là tín hiệu tích cực, góp phần đẩy mạnh hoạt động xuất khẩu.

Nhiều đơn hàng, xuất khẩu thuận lợi

Tổng giá trị xuất khẩu nhóm hàng dệt may, da giày của tỉnh trong 3 tháng đầu năm tăng 85,68 triệu USD so với cùng kỳ năm ngoái, chủ yếu là hàng dệt may. Thị trường xuất khẩu chính là: Mỹ, các nước EU, Hồng Kông, Nhật Bản, Tây Ban Nha, Ấn Độ… Theo dự báo của cơ quan chức năng, trong tháng 4 và quý II, giá trị xuất khẩu của ngành dệt may tiếp tục tăng.


Dây chuyền sản xuất của Công ty cổ phần May xuất khẩu Hà Bắc. Ảnh: Hoàng Phương

Khảo sát tại Công ty cổ phần Tổng Công ty may Bắc Giang BGG (TP Bắc Giang) cho thấy, từ khi dịch Covid-19 bùng phát, đơn vị gặp nhiều khó khăn trong hoạt động sản xuất, kinh doanh. Doanh thu năm 2020 sụt giảm gần 50% so với năm trước. Từ đầu năm tới nay, tình hình dịch bệnh trên thế giới và trong nước được kiểm soát tốt hơn, Công ty bắt tay ngay vào đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh; chủ động kết nối với các đối tác truyền thống tiếp tục ký kết hợp đồng sản xuất.

Ông Nguyễn Hữu Phải, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cho biết, bắt nhịp với tình hình sản xuất mới, đơn vị huy động toàn bộ công nhân trở lại làm việc; đồng thời tuyển thêm lao động, khuyến khích thù lao, phát động thi đua sản xuất, tăng giờ làm và nhập nguồn nguyên liệu với số lượng lớn dự trữ trong kho. Ngoài ra, doanh nghiệp (DN) rà soát lại trang thiết bị, sửa chữa, nâng cấp đầu tư thay thế những máy móc cũ, hỏng. Qua đây giúp tăng năng suất lao động, đáp ứng đủ số lượng đơn hàng xuất khẩu.

Với cách làm này, hiện DN đã ký đơn hàng sản xuất đến hết tháng 6/2021. Riêng tháng 3 này, đơn vị xuất khẩu 5 triệu USD, cao gấp 3 lần so với cùng kỳ năm ngoái. "Thời điểm này, Công ty đang quản lý gần 4 nghìn lao động. Theo kế hoạch, năm nay, đơn vị phấn đấu đạt mục tiêu tăng trưởng từ 5-10% so với năm 2019 để bù lại chỗ thiếu hụt năm 2020”, ông Phải chia sẻ.

Tương tự, tại Công ty cổ phần May xuất khẩu Hà Bắc (Việt Yên) những ngày này không khí lao động cũng khẩn trương. Đại diện lãnh đạo DN cho biết, thời gian qua, mặc dù bị ảnh hưởng của dịch Covid-19, đơn hàng xuất khẩu giảm song hoạt động sản xuất vẫn duy trì ổn định do có nguồn nguyên liệu dự trữ sẵn. Từ đầu năm đến nay, DN tập trung sản xuất, tốc độ tăng trưởng mạnh và hướng chính vào thị trường Mỹ, các nước EU. Việc lựa chọn khu vực thị trường truyền thống này bởi tiềm năng còn lớn, giúp thuận lợi cho việc kiểm soát cũng như làm thủ tục xuất khẩu trong tình hình dịch bệnh.

Để đáp ứng nhu cầu xuất khẩu, ngoài chú trọng nâng cao tay nghề cho người lao động, đầu tư máy móc hiện đại, Công ty thường xuyên cập nhật tình hình thị trường, thực hiện nghiêm quy trình vận chuyển hàng hóa theo quy định phòng dịch, không có hàng tồn. 3 tháng đầu năm, DN xuất khẩu đạt hơn 50 triệu USD, tăng 15% so với cùng kỳ năm ngoái.

Thực hiện mục tiêu xuất khẩu cả năm đạt hơn 300 triệu USD, Công ty tiếp tục nghiên cứu thị trường, lựa chọn dòng sản phẩm phù hợp nguồn lực thiết bị, tay nghề công nhân, tăng năng suất lao động. Đơn vị cũng nghiên cứu, mở rộng đối tác ở các quốc gia mới để sẵn sàng thích ứng với tình hình dịch bệnh, chủ động trong kinh doanh.

Chủ động kịch bản để thích ứng

Theo đánh giá của Sở Công Thương, toàn tỉnh có khoảng 130 DN may. Các đơn vị này đang phục hồi trở lại do tình hình dịch Covid-19 trong nước và thế giới từng bước được kiểm soát. Đây là nhóm hàng có tỷ trọng khá lớn trong tổng giá trị xuất khẩu của tỉnh. Sự tăng trưởng của ngành góp phần thúc đẩy phát triển KT-XH địa phương. Tuy nhiên, để ngành dệt may từng bước phục hồi, lấy lại đà tăng trưởng như những năm trước khi đại dịch xảy ra vẫn cần thời gian dài. Bắc Giang đặt ra nhiều giải pháp thu hút đầu tư, đồng hành cùng DN khôi phục sản xuất.


Dây chuyền cắt vải tại Chi nhánh Minh Đức, Công ty cổ phần May xuất khẩu Hà Bắc. Ảnh: Vũ Hồng Thắng

Theo ông Trần Quang Tấn, Giám đốc Sở Công Thương, đơn vị đang phối hợp làm tốt công tác dự báo nhu cầu, tình hình thị trường cho DN; thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh. Cải cách thủ tục hành chính, hỗ trợ DN làm các thủ tục trực tuyến. Cục Thuế và Chi cục Hải quan Quản lý Các khu công nghiệp tỉnh cũng tăng cường cán bộ làm thêm giờ giúp DN xuất nhập khẩu hàng hóa thuận lợi, đúng thời gian cam kết với đối tác. Nhiều DN được hệ thống ngân hàng thương mại tạo điều kiện vay vốn ưu đãi phát triển sản xuất.

Cùng với những cơ chế, chính sách của tỉnh, Chính phủ, các DN ngành dệt may chủ động khắc phục khó khăn, xây dựng kịch bản sản xuất thích ứng với tình hình mới. Nhiều đơn vị đang tiếp cận cơ hội phát triển từ Hiệp định Thương mại tự do (FTA), Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) để mở rộng thị trường.

Một số chuyên gia cho rằng, để phát triển tốt ngành dệt may cần tính tới các giải pháp dài hơi nhằm phát huy hiệu quả những chính sách ưu đãi từ các hiệp định nêu trên; đặc biệt là quan tâm tạo ra nguồn nguyên vật liệu trong nước để chuyển từ DN gia công sang đơn vị sản xuất và cung ứng nhằm tận dụng tối đa ưu đãi về thuế khi xuất khẩu.

Theo: Hoàng Phương, báo Bắc Giang

 

 
 

ĐĂNG KÝ HỘI VIÊN

Vui lòng đọc kĩ nội dung Thư mời gia nhập hội
Điền đầy đủ thông tin vào đơn gia nhập hội và gửi về địa chỉ bên dưới

  • Address: 183H Dương Quảng Hàm, P. 5, Q.Gò Vấp
  • Phone: (08) 6 2973 567 - Fax : (08) 62 973 540
  • Website: http://agtek.org.vn/