Khi chỉ, cúc... cũng nhập từ Trung Quốc: Lời lạc quan
Theo PGS.TS Phạm Tất Thắng, sử dụng nguồn nguyên liệu trong nước hay nhập khẩu đều vấp phải rủi ro, đó là chuyện không thể tránh khỏi.
Tại Hội thảo quốc tế “Phát triển nguồn nhân lực ngành công nghiệp vật liệu đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” tổ chức mới đây, một thực tế buồn đã được chỉ ra.
Đó là ngành công nghiệp vật liệu là ngành công nghiệp nền tảng, đóng vai trò cung cấp đầu vào cho tất cả các lĩnh vực sản xuất cũng như tiêu dùng của xã hội. Tuy nhiên, tại Việt Nam, nguyên vật liệu trong nước chưa đáp ứng được nhu cầu của nhiều ngành, lĩnh vực sản xuất quan trọng, dẫn đến phụ thuộc nguyên vật liệu nhập khẩu, do đó ảnh hưởng đến năng lực tự chủ, tự cường của nền kinh tế.
Đồng tình với nhận định này, PGS.TS Phạm Tất Thắng, nghiên cứu viên cao cấp Bộ Công thương cho biết, đây là vấn đề mà bất kỳ ngành nào, quốc gia nào cũng vấp phải khi phát triển một nền sản xuất lớn.
Việt Nam phát triển được các mặt hàng xuất khẩu chủ lực như dệt may, da giày, gỗ... thì cũng vấp phải các vấn đề về nguồn nguyên liệu. Nguồn nguyên liệu ngày nay không đơn thuần như trước đây vì phải thỏa mãn những yêu cầu về môi trường, sinh học, an sinh xã hội...
Vị chuyên gia dẫn ví dụ, năng lực sản xuất đồ gỗ xuất khẩu của Việt Nam cực lớn và khả năng về mặt kỹ thuật rất cao, đáp ứng được những yêu cầu rất khắt khe của các thị trường khó tính như châu Âu, Nhật Bản, Mỹ.... Thế nhưng, gỗ nguyên liệu để sản xuất hàng xuất khẩu phải thỏa mãn các yêu cầu của thị trường hiện đại, chẳng hạn phải có chứng chỉ rừng. Đây là vấn đề vô cùng nan giải, đòi hỏi các biện pháp căn cơ và dài hạn.
"Giai đoạn đầu Việt Nam chưa làm được thì phải đi nhập khẩu để có được nguồn nguyên liệu đầu vào cho các sản phẩm đồ gỗ xuất khẩu. Bên cạnh đó, Việt Nam chú ý trồng rừng, sử dụng nguyên liệu thay thế, như sử dụng tre, nứa để thay thế đồ gỗ, hay chuyển từ sản xuất gỗ miếng sang gỗ dăm, rồi từ gỗ dăm sản xuất ra gỗ tấm để làm nguyên liệu cho đồ gỗ xuất khẩu", PGS.TS Phạm Tất Thắng dẫn chứng và đánh giá đây là sự chuyển hướng quan trọng.
|
Việt Nam phải nhập khẩu nhiều nguyên phụ liệu dệt may từ Trung Quốc. Ảnh minh họa |
Tương tự, đối với mặt hàng dệt may, năng lực sản xuất của Việt rất lớn vì nguồn nhân công dồi dào, chịu khó, tiếp thu kiến thức đào tạo tốt, giá nhân công không quá đắt. Nhưng xuất khẩu hàng dệt may động chạm đến vấn đề nguyên liệu đầu vào, trước hết là vải.
Thời gian qua, ngành dệt may đã tập trung phát triển công nghiệp phụ trợ khá tốt, giải quyết các vấn đề về sợi, vải.
"Về lượng chúng ta dư dả, nhưng vấp phải các vấn đề về cơ cấu vì yêu cầu mặt hàng vải cho dệt may, đặc biệt là những nguyên liệu cho dệt may cũng vô cùng tỉ mỉ, phức tạp. Do vậy, Việt Nam phải dựa vào thị trường nước ngoài.
Cái may của ngành dệt may là Việt Nam ở cạnh Trung Quốc - công xưởng của thế giới. Có những thứ chúng ta chưa làm được, hoặc làm được nhưng hiệu quả kinh tế không cao vì quy mô không đủ lớn thì chúng ta sử dụng nguồn cung từ Trung Quốc, vừa tốt vừa rẻ, như các loại chỉ, móc, cúc, khóa đặc thù...
Trong quá trình sử dụng, doanh nghiệp Việt biết lựa chọn cái gì nên tự sản xuất, cái gì tiếp tục nhập khẩu, cùng với đó là giải quyết các vấn đề về mẫu mã, kiểu dáng, thương hiệu...", ông nói.
Theo vị chuyên gia, đối với vấn đề nguyên liệu đầu vào của sản xuất cần có những quyết sách thông minh. Nếu nhập khẩu được về rẻ hơn sản xuất trong nước thì doanh nghiệp dại gì mà không nhập.
Ngành điều là một ví dụ khác. Năng lực sản xuất, chế biến điều của Việt Nam rất tốt, trong khi nhu cầu trên thế giới đối với mặt hàng này cũng rất lớn, đặc biệt là các quốc gia theo đạo Hồi, các quốc gia châu Âu. Do đó, Việt Nam đã đầu tư phát triển công nghiệp chế biến điều, nhưng sản xuất có phát triển mấy thì cũng khó theo kịp được nhu cầu về xuất khẩu điều của Việt Nam, chưa kể diện tích trồng điều của Việt Nam ngày càng bị thu hẹp. Do đó, Việt Nam phải nhập khẩu điều nguyên liệu của các quốc gia như Ấn Độ, châu Phi...
Từ thực tế của các ngành hàng trên, PGS.TS Phạm Tất Thắng nhấn mạnh, tự túc được nguồn nguyên liệu sản xuất là tốt, song cũng cần có sự cân nhắc, tính toán: đối với từng ngành hàng, mặt hàng, tự túc ở mức độ nào, cái nào kết hợp giữa sản xuất trong nước và nhập khẩu, cái nào nhập khẩu...
"Chuyện này cần đi sâu phân tích kỹ lưỡng, không phải cứ nhập khẩu là xấu", vị chuyên gia lưu ý, đồng thời cho rằng, sử dụng nguồn nguyên liệu trong nước hay nhập khẩu đều vấp phải rủi ro, đó là chuyện không thể tránh khỏi.
Chẳng hạn, khâu sợi Việt Nam đang làm rất tốt, năng lực sản xuất dư dả, đủ sức cung cấp cho doanh nghiệp dệt may trong nước và cả xuất khẩu. Nhưng để từ sợi trở thành nguyên liệu cho ngành dệt may thì cần phải trải qua khâu hoàn tất, nhuộm, tẩy, xử lý, mà khâu này Việt Nam rất yếu. Vướng mắc nằm ở chỗ sự phối hợp giữa các doanh nghiệp, bộ, ngành, địa phương để triển khai công nghiệp sợi ở một số địa phương chưa đồng bộ. Do lo ngại ô nhiễm môi trường nên nhiều địa phương đã từ chối, không muốn nhận công nghiệp sợi hoàn tất.
Cho nên, giải quyết vấn đề nguyên liệu theo hướng nào thì phải có những biện pháp đi kèm để giảm thiểu tác hại, phát huy lợi thế của nó.
Cuối cùng, vị chuyên gia lưu ý trong quá trình sản xuất phải có chiến lược quản trị rủi ro, mà một trong những nguyên tắc quản trị rủi ro là "không bỏ trứng vào một giỏ".
"Nhập khẩu nguyên liệu không nên dồn hết vào một thị trường, bán sản phẩm cũng bán cho nhiều thị trường. Nếu phụ thuộc vào một thị trường, mà thị trường đó gặp sự cố hay rủi ro thì Việt Nam cũng bị ảnh hưởng theo", PGS.TS Phạm Tất Thắng cho hay.
Một trong những hướng hiện nay mà Việt Nam có thể dựa vào để giải quyết vấn đề nguyên liệu, đó là các hiệp định thương mại tự do.
Cho tới nay, Việt Nam đã ký nhiều hiệp định thương mại tự do, đặc biệt là hiệp định thương mại tự do thế hệ mới. Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới yêu cầu các quy tắc xuất xứ rõ ràng. Nếu chúng ta tự sản xuất được nguyên liệu thì tốt, nhưng nếu không tự sản xuất được thì có thể nhập khẩu từ những quốc gia cùng tham gia hiệp định thương mại tự. Khi ấy, theo tiêu chuẩn cộng dồn, nguyên liệu Việt Nam nhập khẩu vẫn được tính như nguyên liệu do chính Việt Nam sản xuất.
"Đây là cách các quốc gia đã và đang thực hiện, Việt Nam phải vận dụng để giải quyết những vấn đề đang vấp phải", ông Thắng nói.
Thành Luân
Nguồn: https://datviet.trithuccuocsong.vn/kinh-te/thi-truong/khi-chi-cuc-cung-nhap-tu-trung-quoc-loi-lac-quan-3430537/