Xin ông cho biết đánh giá về tình hình XK của ngành dệt may Việt Nam qua 3 tháng đầu năm nay trong bối cảnh dịch bệnh tiếp tục diễn biến phức tạp?
Quý I/2021, dù vẫn chịu áp lực cực kỳ lớn của đại dịch, song XK dệt may của Việt Nam đã có sự bứt phá, đạt gần 9 tỷ USD, tăng khoảng 6% so với cùng kỳ năm trước. Điều này cho thấy, nhu cầu tiêu thụ đang bắt đầu phục hồi trở lại và tác động tích cực đến hoạt động XK.
Để đạt được những kết quả này, DN dệt may đã thích ứng cực kỳ nhanh thông qua các giải pháp đa dạng hóa dòng hàng, thị trường, cũng như thích ứng được với nền tảng cơ chế mua bán và thanh toán theo bối cảnh mới, khác hoàn toàn cách mua bán truyền thống trước đây. Đặc biệt, việc DN đã và đang tiếp tục đầu tư vào thiết bị, công nghệ tự động hóa cũng là một trong những yếu tố góp phần tạo nền tảng để ngành dệt may chịu được những áp lực của thị trường về chất lượng, giao hàng nhanh.
Ngoài ra, một yếu tố khác cũng không kém phần quan trọng đó là, những FTA thế hệ mới mà Chính phủ đã ký kết với các nước đã và đang phát huy được lợi thế. Chẳng hạn, Hiệp định Đối tác toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) đã giúp sản phẩm dệt may lan tỏa nhanh hơn tới thị trường khó tính như Canada, New Zealand, Úc… FTA Việt Nam - EU (EVFTA) cũng giúp một số dòng sản phẩm thâm nhập tốt hơn tại EU.
Dù đạt kết quả khá ấn tượng trong bối cảnh dịch bệnh còn diễn ra khắp thế giới, song chúng tôi vẫn nhìn nhận rằng, ngành dệt may đang phải đối mặt với một số thách thức không nhỏ, cần phải khắc phục nhanh trong thời gian tới. Có như vậy, trong tương lai, ngành dệt may của chúng ta mới bắt kịp được xu hướng thế giới và phát triển bền vững hơn.
Ông có thể phân tích rõ hơn về những thách thức mà ngành dệt may đang phải đối diện?
Tôi cho rằng, ngành dệt may hiện đang gặp phải 5 thách thức lớn. Thứ nhất, tầm nhìn chiến lược để phát triển nguồn cung thiếu hụt. Hiện, hàng loạt nhãn hàng, nhà nhập khẩu đang đòi hỏi chúng ta phải tìm ra được giải pháp khắc phục nguồn cung ngay tại nội địa hoặc ở nội khối của các nước có cam kết FTA với Việt Nam.
Thứ hai, chúng ta đang trong giai đoạn tiếp nhận loạt đơn hàng dịch chuyển từ những thị trường có bất ổn về chính trị, thương mại, nhưng bản thân các DN lại gặp khó khi tuyển dụng lao động. Lý do, lao động sau thời gian dài bị ảnh hưởng vì dịch bệnh đã chuyển việc để chuyển sang ngành có thu nhập cạnh tranh hơn.
Thứ ba, thách thức đang gây cản trở lớn tới hoạt động XK không riêng gì dệt may, đó là chi phí vận tải logistics của Việt Nam còn đang rất cao, đặc biệt là chi phí thuê container rỗng. Theo phản ánh của nhiều DN, chi phí thuê container hiện là "gánh nặng", bởi giá đã tăng gấp 5 lần so với năm ngoái. Đó là chưa kể, hàng loạt đơn hàng sản xuất ra gần đây vì thiếu container XK nên dẫn tới ách tắc lưu thông, chậm tiến độ giao hàng cho đối tác.
Thứ tư, liên quan đến giải pháp về tính đồng bộ trong công nghệ và quản trị. Cụ thể, ngành dệt may đang đổi mới theo xu thế của Cuộc cách mạng 4.0 nhưng nhiều DN trong ngành có quy mô vừa và nhỏ lại không có khả năng tài chính để đầu tư hoặc có đầu tư nhưng nguồn lực chưa đáp ứng được để vận hành những máy móc hiện đại này. Ngoài các vấn đề kể trên, hiện nay, chúng ta chưa có chiến lược quy hoạch khu công nghiệp tập trung xử lý nước thải để kêu gọi đầu tư vào phần cung thiếu hụt. Do đó, chúng tôi đang tiếp tục kiến nghị Chính phủ cùng các bộ, ngành nhanh chóng vào cuộc tháo gỡ để thu hút đầu tư nhiều hơn trong giai đoạn tới.
Cuối cùng, một thách thức không nhỏ, cơ cấu sản xuất chưa cân bằng trở lại so với năm 2019 đối với các dòng veston và sơ-mi. Lý do, trong suốt hơn 1 năm qua, nhiều DN vốn có dây chuyền, công nghệ để sản xuất những dòng hàng như sơ-mi, veston nhưng do dịch bệnh đã phải chuyển hướng sản xuất những dòng hàng khác để tạo việc làm, duy trì hoạt động.
Với những thách thức kể trên, theo ông, ngành dệt may có thể hoàn thành mục tiêu XK đã đề ra trong năm nay không?
Đúng là chúng ta có nhiều thách thức nhưng DN trong ngành đã và đang rất chủ động, thích ứng rất nhanh bằng những giải pháp khác nhau. Do đó, chúng tôi tin tưởng mục tiêu XK của ngành 39 tỷ USD trong năm nay sẽ đạt được. Điều này xuất phát từ thực tế thị trường đang có nhiều nhãn hàng, đơn hàng lớn dịch chuyển từ các nước về Việt Nam. Thêm vào đó, Mỹ vốn là thị trường truyền thống có tỷ trọng lớn trong cơ cấu XK của dệt may Việt Nam đang có những tín hiệu phục hồi sau khi quốc gia này mở rộng tiêm vắc-xin cho người dân.
Ngoài ra, cũng phải nói thêm rằng, việc DN Việt Nam đang dần chủ động về công nghệ và tự động hóa cũng như tận dụng tốt những cơ hội của các FTA thế hệ mới đã trở thành động lực lớn để ngành vượt qua được các khó khăn phía trước.
Xin cảm ơn ông!
Theo: Thùy Dương, Báo Công thương