Ðẩy mạnh phát triển xanh, bền vững

Ảnh hưởng của dịch Covid-19 khiến xuất khẩu dệt may của Việt Nam trong năm 2020 tăng trưởng âm 10,5%, đạt hơn 35 tỷ USD so với 39 tỷ USD năm 2019.

Mặc dù ngành dệt may Việt Nam đã triển khai nhiều giải pháp linh hoạt, thích ứng nhanh với tình hình bình thường mới của thế giới nhưng những khó khăn được dự báo sẽ còn kéo dài. Ðể đẩy mạnh phát triển, các doanh nghiệp cần tập trung sản xuất, có chiến lược phát triển bền vững, gia tăng giá trị sản phẩm nhằm tăng sức cạnh tranh trên thị trường.

Theo số liệu thống kê của Bộ Công thương, trong hai tháng đầu năm 2021, tổng kim ngạch xuất khẩu dệt may đạt gần 5,96 tỷ USD, nhập khẩu hơn 3,16 tỷ USD, xuất siêu toàn ngành đạt khoảng 2,8 tỷ USD, đặc biệt, giá trị gia tăng của ngành đạt khá cao với 55,4% đã cho thấy những tín hiệu khởi sắc trên thị trường. Số liệu tổng hợp của ngành dệt may cũng cho thấy, phần lớn các doanh nghiệp có đơn hàng đến tháng 6, những mặt hàng như hàng dệt kim, hàng phổ thông với sức tiêu thụ lớn đã có đơn hàng đến tháng 9.

Ðiều này phản ánh quá trình phục hồi trở lại của dệt may Việt Nam, nhất là khi chúng ta đang có vị trí tốt trong chuỗi cung ứng toàn cầu được bố trí lại sau khủng hoảng đại dịch Covid-19. Mặc dù vậy, với diễn biến khó lường của dịch bệnh và nếu không sớm được khống chế, kiểm soát sẽ mang đến rất nhiều rủi ro cho doanh nghiệp. Ðơn cử, nếu dịch bệnh xảy ra trên thế giới sẽ khiến chuỗi cung ứng dừng lại, người mua không nhận, đặt hàng; ngược lại, nếu để dịch bệnh xảy ra ở cơ sở, phải cách ly, không thể tổ chức sản xuất dẫn đến không chỉ bị thiệt hại về tiền lương, chế độ cho người lao động mà các doanh nghiệp còn không thể hoàn thành được hợp đồng kinh tế đã ký với khách hàng.

Ngoài việc bị thiệt hại về tài chính, trong dài hạn, vị trí của dệt may Việt Nam trong chuỗi cung ứng toàn cầu cũng lung lay và có thể bị thay thế. Do đó, việc phòng chống, kiểm soát dịch bệnh tại các doanh nghiệp cần phải được thực hiện nghiêm ngặt, ở mức cao, chặt chẽ hơn. Ðồng thời tập trung, đẩy mạnh sản xuất, bảo đảm năng suất, chất lượng sản phẩm nhằm sớm hoàn thành mục tiêu đạt 39 tỷ USD mà ngành đề ra. Bên cạnh đó, doanh nghiệp cần phải tìm hiểu kỹ các thông tin, nghiên cứu, phát triển thị trường nhằm tận dụng tốt cơ hội từ các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới mang lại như EVFTA, CPTPP, RCEP,...

Ðể triển khai thực hiện có hiệu quả, đã đến lúc chúng ta phải định ra được chiến lược phát triển giai đoạn 2021-2025. Hoạch định rõ các giải pháp về công nghệ, trong đó, đưa ra tầm nhìn cho ngành công nghiệp kéo sợi và dệt nhuộm, tập trung vào tự động hóa để tạo ra nền tảng theo xu thế thay đổi nhanh của thị trường sau dịch Covid-19.

Đông thời, chúng ta cũng cần thúc đẩy xu hướng xanh hóa ngành dệt may thông qua tiết kiệm năng lượng tái tạo, sử dụng hiệu quả nguồn nước, phát triển bền vững cho nhà máy và người lao động. Tập trung phát triển theo chiều sâu, gia tăng sản phẩm có giá trị cao, cải tiến công tác quản trị, tái cấu trúc doanh nghiệp; phát triển chuỗi cung ứng nguyên phụ liệu; xây dựng chiến lược kết nối, tạo nền tảng đưa thương hiệu dệt may Việt Nam ra thị trường thế giới.

Ngoài ra, Chính phủ cần sớm phê duyệt chiến lược phát triển ngành đến năm 2030, tầm nhìn 2035, chỉ đạo hình thành các khu công nghiệp dệt may lớn có xử lý nước thải tập trung để thu hút các dự án đầu tư vào khâu dệt nhuộm để đáp ứng yêu cầu xuất xứ của các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới; duy trì ổn định kinh tế vĩ mô, tỷ giá, lãi suất, tiếp tục giảm lãi suất vay dài hạn,... nhằm tạo "bệ đỡ" để doanh nghiệp phát triển.

MINH ĐỨC

Nguồn:Nhandan.com.vn

 

 
 
 

ĐĂNG KÝ HỘI VIÊN

Vui lòng đọc kĩ nội dung Thư mời gia nhập hội
Điền đầy đủ thông tin vào đơn gia nhập hội và gửi về địa chỉ bên dưới

  • Address: 183H Dương Quảng Hàm, P. 5, Q.Gò Vấp
  • Phone: (08) 6 2973 567 - Fax : (08) 62 973 540
  • Website: http://agtek.org.vn/