Bà Thuận Thị Trụ - nghệ nhân được tặng danh hiệu “Bàn tay Vàng thổ cẩm Việt Nam” là người đã có công sưu tầm hơn 30 hoa văn nền của thổ cẩm Chăm đang có nguy cơ thất truyền và đã cách điệu ra thêm khoảng 50 hoa văn khác.
Tổ chức Kỷ lục Việt Nam đã xác lập kỷ lục gia đối với bà Thuận Thị Trụ (Inrahani) về thành tích “Người phụ nữ Chăm giới thiệu và phát triển thổ cẩm Chăm ra nước ngoài nhiều nhất”.
Công ty dệt may thổ cẩm Inrahani do bà thành lập là công ty thổ cẩm đầu tiên ở Việt Nam chuyên chế tác hàng thô thành các sản phẩm phục vụ cuộc sống như: váy áo, túi xách, ví, thắt lưng, khăn trải bàn…phù hợp với mọi lứa tuổi góp phần đưa thổ cẩm Chăm đến với cộng đồng và các nước trên thế giới.
Sau thành công với thổ cẩm Chăm, bà chuyển sang nghiên cứu thổ cẩm của các dân tộc miền núi các tỉnh phía Bắc nhằm làm phong phú sản phẩm và đưa vào thị trường. Tại các hội chợ triển lãm, khi thấy hàng thổ cẩm Chăm bán được, trong khi hàng của các dân tộc khác như Thái, Mông… thì ế ẩm, bà bắt đầu nghĩ cách mua mặt hàng thổ cẩm của các dân tộc về bán cho các shop ở thành phố. Kết quả là hàng thổ cẩm dân tộc Thái bán chạy không thua hàng Chăm.
Nhiều nước đã mời bà Thuận Thị Trụ về trình diễn dệt vải và giải thích về nét đẹp của văn hoá Chăm. Thổ cẩm Chăm và các dân tộc thiểu số Việt Nam cũng theo bà có mặt ở các hội chợ triển lãm lớn ở Thuỵ Sĩ, Pháp, Bỉ, Nhật, Singapore, Malaysia, Lào, Thái Lan…
Nghệ nhân Thuận Thị Trụ sinh ra và lớn lên tại làng Chakleng (làng Mỹ Nghiệp) - có nghĩa là nghề đẹp, thuộc thị trấn Phước Dân (Ninh Phước, Ninh Thuận). Làng Chakleng có nghề truyền thống làm thổ cẩm của đồng bào dân tộc Chăm.
Ở làng Chakleng, nghề dệt thổ cẩm mang tính “mẹ truyền con nối”. Con gái lớn lên phải biết dệt vải, mới được xem là trưởng thành. Chính vì thế, bà Thuận Thị Trụ đã sớm được tiếp xúc với khung dệt và học cách dệt từ bà, mẹ của mình. Lúc 14-15 tuổi, bà đã có thể tự dệt cho mình những tấm vải để may quần áo và đồ dùng cá nhân. Chị mê dệt vải từ ngày ấy và có thể suốt ngày ngồi bên khung dệt.
Lớn lên, Thuận Thị Trụ trở thành cô giáo mầm non, hàng ngày dạy trẻ. Thế nhưng, cô gái trẻ vẫn không quên nghề dệt thổ cẩm. Cùng lúc đó, nghề dệt trên quê hương Mỹ Nghiệp đang đứng trước nguy cơ mai một dần. Nguyên liệu khan hiếm, bà con chủ yếu chỉ chăm lo mấy mảnh ruộng, nương rẫy khô cằn nên số hộ gia đình theo nghề chỉ còn trên đầu ngón tay, chủ yếu là tự cung tự cấp.
Không “nỡ lòng” nhìn làng nghề truyền thống bao đời nay của các thế hệ trước để lại bị quên lãng, Thuận Thị Trụ nung nấu nuôi hi vọng, một ngày nào đó sẽ làm cho làng nghề “sống lại”. Ước mơ người dân trong làng có việc làm, có cái ăn có cái mặc đủ đầy, cuộc sống sung túc hơn từ nghề dệt thổ cẩm, một lần nữa trỗi dậy mạnh mẽ.
Bà Trụ chia sẻ: "Ngày trước dệt thổ cẩm của người Chăm làm ra chủ yếu phục vụ cho cuộc sống hằng ngày và trong lễ hội ở địa phương. Cách dệt rất đơn điệu. Vốn mê khung dệt từ nhỏ nên với tôi, giữ được nghề truyền thống của cha ông là cần thiết rồi, nhưng phải làm sao đa dạng được mẫu mã và giới thiệu rộng rãi để mọi người biết đến, điều đó khiến tôi luôn trăn trở".
Theo: Thu Hoài, Tạp chí Thời Đại