Dệt may Thành Công: Lợi thế từ chuỗi sản xuất hoàn chỉnh
Dệt may Thành Công đã giải quyết được 2 điểm nghẽn chính của ngành.
Dịch COVID-19 trong năm 2020 đã ảnh hưởng nặng nề lên hoạt động kinh doanh của nhiều doanh nghiệp dệt may do sự thiếu hụt đơn hàng truyền thống và ngắt đoạn chuỗi cung ứng, chủ yếu là vải từ Trung Quốc. Trong bối cảnh đó, Công ty Cổ phần Dệt may - Đầu tư - Thương mại Thành Công (TCM) vẫn ghi nhận doanh thu tăng trưởng dương trong giai đoạn dịch bệnh.
Linh hoạt vượt bão COVID-19
Lũy kế 9 tháng đầu năm 2020, Công ty lãi sau thuế hơn 200,6 tỉ đồng, tăng 30,5% so với cùng kỳ năm 2019. Kết quả này có được là nhờ chuỗi sản xuất hoàn chỉnh từ sợi tới may, giải quyết được cả 2 điểm nghẽn nói trên. Công ty có thể tự sản xuất vải kháng khuẩn, không chỉ đáp ứng được đơn hàng khẩu trang của chính doanh nghiệp, phục vụ khách hàng có sẵn, mà còn cung cấp vải kháng khuẩn cho các doanh nghiệp sản xuất khẩu trang khác trong nước.
Theo số liệu thống kê sơ bộ của Tổng cục Hải quan Việt Nam, trong tháng 10.2020, cả nước có 60 doanh nghiệp chính tham gia xuất khẩu khẩu trang y tế các loại với hơn 143 triệu chiếc, tăng nhẹ 0,3% so với số lượng xuất khẩu trong tháng 9. Như vậy, từ đầu năm đến hết tháng 10, các doanh nghiệp Việt Nam đã xuất khẩu hơn 1,13 tỉ chiếc khẩu trang y tế các loại.
Đến nay, Dệt may Thành Công là một trong số ít doanh nghiệp dệt may trong nước có chuỗi sản xuất hoàn chỉnh từ sợi tới may. Theo đánh giá của Công ty Chứng khoán Mirae Asset, đây là lợi thế cạnh tranh lớn của Dệt may Thành Công vì đảm bảo được về quản lý chất lượng và tối ưu chi phí, hiệu quả xuyên suốt chuỗi sản xuất, cho phép doanh nghiệp trở thành nhà cung ứng của các khách hàng tầm cỡ quốc tế như Adidas.
Trợ lực từ EVFTA và CPTPP
Mặc dù là một trong những nước xuất khẩu dệt may lớn nhất thế giới, Việt Nam vẫn phụ thuộc nhiều vào vải nhập khẩu, đặc biệt từ Trung Quốc. Nguyên nhân là chi phí đầu tư vào khâu dệt nhuộm cao trong khi ngành dệt may Việt Nam vẫn được cấu thành chủ yếu từ những doanh nghiệp nhỏ lẻ với quy mô vốn thấp, hạn chế trong đầu tư và phát triển.
Theo số liệu được Mirae Asset đưa ra, vải trong nước chỉ đáp ứng 25% nhu cầu may và 75% vải nhập khẩu là để phục vụ đơn hàng may mặc xuất khẩu. Trong bối cảnh đó, lợi ích thuế, đi kèm với yêu cầu xuất xứ sản phẩm, được đặt ra bởi EVFTA và CPTPP, cùng với đó là sự ngắt đoạn nguồn cung từ Trung Quốc trong năm 2020 do dịch bệnh là động lực thúc đẩy các doanh nghiệp sản xuất vải có sẵn trong nước, một trong số đó là Dệt may Thành Công.
Đối với mảng may, Mirae Asset kỳ vọng đây sẽ tiếp tục là động lực tăng trưởng chính của Dệt may Thành Công trong giai đoạn 2021-2023. Công ty đã thành công lấy được đơn hàng của Adidas. Mirae Asset ước tính đơn hàng từ Adidas chiếm khoảng 40% công suất may của Dệt may Thành Công trong những tháng cuối năm 2020.
Nhìn lại năm 2020, giá trị xuất khẩu dệt may Việt Nam nói chung đã giảm 12% tính đến hết tháng 11. Trong khi đó, một số doanh nghiệp có được đơn hàng khẩu trang và đồ bảo hộ y tế để bù đắp vào tình trạng thiếu hụt đơn hàng truyền thống như Dệt may Thành Công.
Theo Mirae Asset, Dệt may Thành Công sẽ đáp ứng được yêu cầu khắt khe từ thị trường EU, xuất phát từ kinh nghiệm làm việc với các thương hiệu lớn như Adidas. Bên cạnh đó, Hiệp định EVFTA sẽ tiếp tục thúc đẩy đơn hàng vải ở thị trường Việt Nam.
Theo đó, công ty chứng khoán này dự phóng doanh thu từ thị trường Việt Nam và châu Âu của Dệt may Thành Công sẽ tăng lần lượt 30% và 15% so với cùng kỳ trong năm 2021. Về diễn biến giá cổ phiếu trên thị trường, kết thúc phiên giao dịch 25.11, TCM đóng cửa ở mức giá 35.500 đồng/cổ phiếu, tăng hơn 49% so với đầu tháng 11. Trong khi đó, chỉ số VN-Index cũng tăng hơn 8% từ đầu tháng 11 tới nay và đã vượt qua vùng giá cao nhất của năm 2020 quanh khu vực 991 điểm (tháng 1.2020).
Nhìn nhận về diễn biến chung của thị trường chứng khoán, ông Huỳnh Minh Tuấn, Giám đốc Môi giới Hội sở, Công ty Chứng khoán Mirae Asset, nhận định, vaccine được công bố thời gian gần đây đã từng bước đi đến hồi kết cho cơn đại dịch thế kỷ đúng như câu nói “ai buộc nấy gỡ”. Theo ông Tuấn, không lâu nữa, các hoạt động tiên phong sẽ được triển khai trên bình diện toàn cầu. Tâm lý ổn định và nền kinh tế chắc chắn sẽ sớm phục hồi, thương mại toàn cầu cũng vì vậy mà tích cực hơn là điều tất yếu.
Ông Tuấn chia sẻ thêm: “Chính sách tiền rẻ “Easy Money” giai đoạn này khả năng vẫn sẽ kéo dài ít nhất cho đến quý II/2021 với nhiều dư địa từ chính sách cho tới sức tiêu dùng” .
Nguồn: Nhipcaudautu.vn