`Đo lường` lợi ích của dệt may, nông sản và điện tử của Việt Nam khi tham gia RCEP

Tham gia vào RCEP, Việt Nam đứng trước nhiều lợi thế khi các ngành như: Viễn thông, công nghệ thông tin, dệt may, giày dép và nông nghiệp được hưởng các chính sách ưu đãi và mở rộng thị trường xuất khẩu.

Nghiên cứu của Ngân hàng Thế giới (WB) thực hiện năm 2018 cho thấy, khi tham gia RCEP, Việt Nam có cơ hội giúp tổng sản phẩm quốc dân (GDP) của Việt Nam tăng thêm 0,4% đến năm 2030 nếu xét lợi ích trực tiếp, có thể lên đến 1% nếu có tính đến lợi ích gián tiếp từ cải cách thể chế.

 
Theo Bộ Công Thương, bên cạnh thúc đẩy các doanh nghiệp Việt mở rộng thị trường xuất khẩu, RCEP sẽ giúp mở cửa để nhập khẩu hàng hóa rẻ hơn, đặc biệt là các nguyên vật liệu đầu vào phục vụ sản xuất. Các số liệu của Bộ Công Thương cho thấy, tính riêng ASEAN, nhập khẩu nguyên liệu, thiết bị sản xuất của Việt Nam hằng năm vượt 30 tỉ USD. Ngoài ra, Việt Nam vẫn đang nhập siêu từ các thị trường lớn như Trung Quốc, Hàn Quốc với nguyên liệu đầu vào của các ngành công nghiệp xuất khẩu quan trọng như điện tử, máy tính, dệt may, giày dép, ô tô…
 

Mở rộng xuất khẩu thêm 14 thị trường

 

RCEP là một trong những ưu tiên hàng đầu của Việt Nam trong chiến lược hội nhập – quốc gia đã và đang rất trung thành với nguyên tắc mở cửa và đã có trong tay 12 hiệp định tự do thương mại, cả song phương và đa phương. Thế nên, Hiệp định RCEP có thể giúp các công ty VN mở rộng thị trường xuất khẩu, tham gia vào chuỗi cung ứng vùng và thu hút vốn đầu tư nước ngoài.
 
Khi được ký kết và đi vào thực thi, RCEP sẽ hình thành khu vực kinh tế lớn nhất từ trước đến nay, với GDP chiếm tới 32% tổng GDP toàn cầu, khoảng 32.000 tỷ USD. RCEP, gồm 15 nước thành viên, là hiệp định thương mại tự do lớn nhất thế giới và tác động vượt ra khỏi tầm khu vực. RCEP sẽ tạo ra một không gian phát triển mới cho các nước thành viên ASEAN để có thể phục hồi trong kỷ nguyên Covid-19.
 
 
Theo đó, đứng đầu về giá trị trao đổi thương mại của Việt Nam với các thành viên RCEP là Trung Quốc, khi 10 tháng qua, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu đạt 103,5 tỷ USD, trong đó Việt Nam xuất khẩu 37,9 tỷ USD và nhập khẩu 65,6 tỷ USD.
 
Thương mại 2 chiều với Hàn Quốc ghi nhận 53,5 tỷ USD, trong đó xuất khẩu 16 tỷ USD và nhập khẩu gần 37,5 tỷ USD. Thị trường Nhật Bản đạt mốc trên 32 tỷ USD, trong đó xuất khẩu 15,5 tỷ USD và nhập khẩu 16,5 tỷ USD.
 
Trong khi đó, trao đổi thương mại với 9 thị trường ASEAN đạt 43,4 tỷ USD; xuất khẩu 19 tỷ USD và nhập khẩu 24,4 tỷ USD.
 
2 thị trường còn lại là Australia và New Zealand có giá trị trao đổi thương mại khiêm tốn hơn. Với Australia 6,77 tỷ USD, trong đó xuất khẩu 2,99 tỷ USD, nhập khẩu 3,78 tỷ USD. Với New Zealand  đạt 870 triệu USD, trong đó xuất khẩu gần 400 triệu USD, nhập khẩu 460 triệu USD.
 
Là hiệp định thương mại tự do lớn nhất thế giới, bao trùm một thị trường khổng lồ, do đó, RCEP khi đi vào thực thi, mở cơ hội đẩy mạnh xuất - nhập khẩu hàng hóa rẻ hơn (là đầu vào cho sản xuất) và máy móc thiết bị có công nghệ hiện đại phù hợp.
 

Hưởng lợi từ nhóm ngành thế mạnh

 

Các thị trường trong khối RCEP hiện bao trùm gần như toàn bộ chuỗi sản xuất của nhiều loại hàng hóa mà Việt Nam có thế mạnh, như sản phẩm điện tử, dệt may, giày dép, thực phẩm chế biến...
 

Nhóm hàng dệt may thách thức nhiều hơn cơ hội

 

Với RCEP Cùng với giúp cắt giảm 10% các chi phí giao dịch thương mại, nguồn nguyên liệu dệt may vô cùng rộng lớn từ Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc cho phép Việt Nam vừa mở rộng khả năng đáp ứng tiêu chí xuất xứ, vừa tiếp cận sâu rộng hơn các thị trường tiêu dùng giàu có của Singapore, Australia, New Zealand, Nhật Bản, Hàn Quốc và Trung Quốc. với Hiệp định AJCEP ký giữa ASEAN và Nhật Bản, hay VJFPA ký giữa Việt Nam và Nhật, hoặc CPTPP giữa 11 nước trong đó có Việt Nam, cả 3 FTA này đều không có sự tham gia của Trung Quốc, Hàn Quốc. Trong khi đây là 2 thị trường cung cấp nguồn nguyên phụ liệu lớn cho ngành dệt may. Thế nên, với 3 FTA kia, hàng dệt may xuất sang Nhật sẽ không được hưởng ưu đãi. RCEP sẽ “giải mã” được nguồn nguyên liệu để xuất hàng dệt may sang Nhật, Úc…
 
Dệt may sẽ được hưởng lợi từ RCEP khi không quá khắt khe về quy tắc xuất xứ
 
Tuy nhiên, nhóm hàng dệt may cũng đang đứng trước nhiều khó khăn, từ trước khi có Hiệp định này Việt Nam đã phụ thuộc phần lớn nguồn nguyên liệu nhập khẩu từ Trung Quốc. Giá nguyên liệu nhập khẩu từ nước này vốn đã thấp hơn so với nguyên liệu mà các doanh nghiệp trong nước làm ra, đồng nghĩa việc cạnh tranh đã gặp khó từ lâu.
 
Ngành dệt may, việc có thêm một FTA mới là điều hết sức cần thiết. Tuy nhiên vấn đề là thị trường xuất khẩu lớn nhất của ngành dệt may là Mỹ và EU. Trong khi đó, với Hiệp định RCEP vốn chỉ có thêm Trung Quốc là nước có FTA mới với Việt Nam. Vì trước đó trong khu vực ASEAN, Việt Nam đã có Hiệp định Khu vực Mậu dịch Tự do ASEAN. Tương tự các nước Nhật Bản, Úc và Newzeland đã là thành viên của Hiệp định CPTPP…. Do đó, dù có ưu đãi về thuế quan khiến nguyên liệu nhập khẩu từ Trung Quốc về sẽ giảm nhưng lại không được tính là nguyên liệu nội khối. Đồng nghĩa nguyên liệu mua từ Trung Quốc không được EU chấp nhận về quy tắc xuất xứ nguồn gốc, vì quốc gia này chưa có FTA với EU. Còn xuất khẩu hàng dệt may sang Trung Quốc càng khó hơn vì nước này được biết đến là quốc gia xuất khẩu hàng dệt may top đầu thế giới.
 

Nhóm ngành điện tử

Hiện thuế nhập khẩu linh phụ kiện máy tính, vi mạch… từ nhiều nước về Việt Nam hay giữa các nước khác nhau đều rất thấp, gần như bằng 0%. Thế nên, nhóm hàng CNTT nói chung của Việt Nam xuất hay nhập khẩu không bị vướng mắc về thuế quan. Hơn nữa, Việt Nam đã có các hiệp định song phương với Nhật, Hàn với đầy đủ ưu đãi mà RCEP cũng không qua mặt hơn. Do đó nếu theo quy tắc tính gộp xuất xứ, doanh nghiệp tại Việt Nam mua linh kiện từ các nước thành viên tham gia RCEP về lắp ráp, sản xuất rồi xuất khẩu sang các nước này thì vẫn được hưởng ưu đãi thuế quan sẽ có lợi cho nhiều ngành khác 

 
Lắp ráp điện tử của Việt Nam sẽ được mở rộng thị trường xuất khẩu
 
Ở chiều ngược lại, với RCEP người tiêu dùng trong nước sẽ có cơ hội mua các sản phẩm CNTT nói chung với giá giảm hơn bởi theo lộ trình hầu hết các sản phẩm nhập khẩu nguyên chiếc như máy tính, ti vi… thuế cũng đều sẽ giảm mạnh về còn 0%. Nhưng các hàng hóa này từ Trung Quốc có thể được nhập về Việt Nam nhiều hơn khiến cho các công ty sản xuất sản phẩm máy tính, ti vi tại Việt Nam sẽ gặp áp lực cạnh tranh nhiều hơn.
 

Nhóm ngành nông sản

Nhu cầu đối với các sản phẩm mà Việt Nam có thế mạnh tương đối cao, đặc biệt là nông sản nhiệt đới, thực phẩm chế biến. Cho đến nay, Trung Quốc vẫn là thị trường xuất khẩu nông sản lớn nhất của Việt Nam, chiếm tới 26,9% tổng lượng hàng nông sản Việt Nam xuất khẩu ra thế giới. 

 
Do ảnh hưởng của dịch COVID-19, trong 9 tháng năm 2020, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu nông sản Việt Nam - Trung Quốc chỉ đạt hơn 9,8 tỷ USD, giảm 8,6% so với cùng kỳ năm trước. Phần lớn các mặt hàng xuất khẩu chủ yếu của Việt Nam sang Trung Quốc đều suy giảm, cụ thể như hàng rau quả đạt 1,4 tỷ USD giảm 25,9%. Việc tham gia RCEP có thể thúc đẩy xuất khẩu các nông sản thế mạnh của Việt Nam sang thị trường này.
 
Nông sản sẽ mở rộng ra các thị trường khó tính và giảm phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc
 
Ngoại trừ Nhật Bản, Australia, New Zealand, người tiêu dùng của khu vực RCEP không quá khó tính, trong khi nhu cầu của nhóm này đối với các sản phẩm Việt Nam có thế mạnh lại tương đối cao, đặc biệt là nông sản nhiệt đới, thực phẩm chế biến. Trong 5 năm trở lại đây, rất nhiều quốc gia trong khối có thế mạnh xuất khẩu như Thái Lan, Việt Nam, Singapore, Malaysia, Indonesia… đều coi trọng các thị trường nội khối ASEAN.
 
Việt Nam đã xuất khẩu vào thị trường ASEAN rất nhiều chủng loại hàng nông sản (gạo, cà phê, hạt tiêu, rau quả, thủy sản…). Hiện, ASEAN là thị trường tiêu thụ rau quả lớn thứ 2 của Việt Nam, trong đó, Thái Lan là nước trong khối nhập khẩu nhiều rau quả Việt Nam nhất.
 
Với việc tham gia RCEP, hàng rào thuế quan giữa các quốc gia thành viên sẽ được giảm bớt, các hàng rào phi thuế quan đối với thương mại giữa các quốc gia thành viên, chẳng hạn như thủ tục hải quan và kiểm dịch cũng như các tiêu chuẩn kỹ thuật cũng dễ dàng hơn được kỳ vọng sẽ tạo thuận lợi cho hàng hóa Việt Nam, trong đó có nông sản khi xuất khẩu vào các thị trường trong RCEP. Đồng thời, RCEP sẽ giúp Việt Nam nhập khẩu hàng hóa rẻ hơn, đặc biệt là các nguyên vật liệu đầu vào phục vụ sản xuất, bởi chỉ tính riêng ASEAN, nhập khẩu nguyên liệu, thiết bị sản xuất của nước ta hàng năm vượt 30 tỷ USD. 
 
Tuy nhiên, việc tham gia RCEP cũng khiến áp lực cạnh tranh của nông sản Việt trở nên căng thẳng hơn bởi nhiều đối tác trong khu vực cũng có những sản phẩm tương đồng, thậm chí có thể phải cạnh tranh ngay tại thị trường trong nước. 
Nguồn: Doanhnhanvn.vn

 

ĐĂNG KÝ HỘI VIÊN

Vui lòng đọc kĩ nội dung Thư mời gia nhập hội
Điền đầy đủ thông tin vào đơn gia nhập hội và gửi về địa chỉ bên dưới

  • Address: 183H Dương Quảng Hàm, P. 5, Q.Gò Vấp
  • Phone: (08) 6 2973 567 - Fax : (08) 62 973 540
  • Website: http://agtek.org.vn/