Cơ hội nào cho dệt may với EVFTA?

Dệt may là một trong những ngành được đánh giá sẽ hưởng lợi nhiều từ Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - Liên minh châu Âu (EVFTA), nhưng để được hưởng mức thuế suất ưu đãi, ngành này sẽ phải vượt qua nhiều thách thức, trong đó, thách thức lớn nhất vẫn là chưa đủ chuỗi giá trị.

Sản xuất nguyên liệu sẽ gia tăng mạnh?

Năm 2019, kim ngạch xuất khẩu của dệt may Việt Nam đạt hơn 39 tỷ USD nhưng nhập khẩu nguyên phụ liệu chiếm tới 22,36 tỷ USD. Điều này cho thấy dệt may Việt Nam hiện phụ thuộc rất lớn vào nguồn cung nguyên liệu từ nước ngoài, phản ánh sự mất cân đối trong chuỗi toàn cầu khi chúng ta mới tham gia công đoạn cắt may thuê là chính. Nguyên nhân lớn nhất được xác định là do doanh nghiệp “ngại đầu tư” các trang thiết bị hiện đại, chiếm nguồn vốn lớn, hiệu quả hoạt động không cao.

   
xuat-khau-det-may-viet-nam-duoc-mua-khi-dung-thu-3-the-gioi
 
Xuất khẩu dệt may Việt Nam đứng thứ 3 thế giới nhưng giá trị thực tế vẫn rất thấp.

Do đó, quy tắc xuất xứ từ vải sẽ khiến ngành dệt may Việt Nam khó được hưởng lợi từ hiệp định này. Bởi thực tế, ngành dệt may hiện chưa chủ động được nguồn vải đủ tiêu chuẩn để xuất khẩu vào EU. Theo nguyên tắc cộng gộp trong EVFTA cho phép doanh nghiệp Việt Nam sử dụng vải của Hàn Quốc hoặc một nước thứ 3 mà hai bên cùng ký Hiệp định Thương mại tự do. Tuy nhiên, vải từ Hàn Quốc, Nhật Bản… có giá thành cao và chủng loại nguyên liệu không phong phú khiến doanh nghiệp Việt Nam khó đạt lợi nhuận cao, chi phí xuất nhập khẩu gia tăng nên ảnh hưởng lớn đến hiệu quả sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.

Hiện nay, hơn 60% vải nhập khẩu vào Việt Nam là từ Trung Quốc và Đài Loan, có giá thấp hơn nhiều so với vải nhập khẩu từ Hàn Quốc. Theo tính toán của các nhà sản xuất hàng may mặc trong nước, nếu chuyển sang sử dụng nguồn vải của Hàn Quốc sẽ không đạt hiệu quả kinh tế ngay cả khi được hưởng mức thuế suất 0% từ EVFTA.

Tìm hiểu sâu hơn về nguyên liệu ngành dệt may cho thấy khả năng sản xuất trong nước mới chỉ đáp ứng được 30% nhu cầu về sợi các loại. Chủ yếu phải nhập khẩu nguyên liệu từ bông, tơ đến 70% để gia công kéo sợi.

Theo ông Vũ Đức Giang, Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam (Vitas), quy tắc xuất xứ "từ vải trở đi" của Hiệp định EVFTA vẫn là thách thức trong ngắn hạn đối với ngành dệt may Việt Nam. Bên cạnh đó, tình trạng ngành dệt may chưa chủ động được nguồn cung nguyên liệu vải còn có lý do từ một số địa phương không tiếp nhận dự án dệt nhuộm vì lo ngại ảnh hưởng đến môi trường.

Bởi vậy, có thể nhìn nhận rằng, chỉ còn chưa đầy một năm nữa thì thuế xuất vào thị trường châu Âu đối với mặt hàng dệt may có hiệu lực thì doanh nghiệp Việt Nam rất khó để nắm bắt được lợi thế này như một cơ hội chuyển mình.

Cầu đầu tư chiều sâu cho dệt nhuộm

Ngoài việc hưởng lợi thế về thuế suất, Hiệp định EVFTA còn hứa hẹn mang lại cho doanh nghiệp dệt may Việt Nam cơ hội nhập khẩu máy móc chất lượng cao, tiếp cận nguồn nguyên liệu đạt chuẩn tại EU… Thông tin mới nhất từ Bộ Công Thương dự báo kim ngạch xuất khẩu hàng dệt may vào thị trường EU sẽ tăng nhanh với mức khoảng 67% đến năm 2025 so với kịch bản không có Hiệp định EVFTA.

Cơ hội nào cho dệt may với EVFTA?
Việt Nam chưa có một khu công nghiệp nhuộm đạt tiêu chuẩn châu Âu.

Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam Vũ Đức Giang cũng cho rằng, những FTA thế hệ mới như CPTPP, EVFTA là một con đường tương đối sáng cho Việt Nam nhưng chúng ta chỉ có thể tận dụng tốt các cơ hội khi Chính phủ quyết liệt chỉ đạo bởi các FTA thế hệ mới này quy định rất khắt khe về nguyên liệu và quy trình sản xuất. Trong khi đó, nhiều danh nghiệp dệt may vẫn chưa minh bạch được vấn đề về vùng nguyên liệu.

Để giải quyết vấn đề này nhằm tối đa hóa lợi ích thu được từ EVFTA, Việt Nam cần chú trọng phát triển ngành công nghiệp dệt, nhuộm và công nghiệp phụ trợ ngành dệt may để nâng dần tỷ lệ số lượng vải sản xuất trong nước thay thế vải nhập khẩu từ các nước ngoài hiệp định. Nói nôm na rằng dệt may Việt Nam cần được hoạch định một chiến lược rõ ràng, có sự hỗ trợ mạnh từ phía Chính phủ, các địa phương trên cả nước hòng nhanh chóng xây dựng một chuỗi giá trị hoàn chỉnh từ nguyên liệu - sợi - dệt - nhuộm- cắt may và sản phẩm.

Theo đó, cần có cơ chế, chính sách ưu đãi thông thoáng để tạo sức hút cho các nhà đầu tư trong và ngoài nước, tham gia triển khai xây dựng các dự án đầu tư vào dệt, nhuộm - khâu yếu nhất trong quy trình khép kín nêu trên. Trong đó, đặc biệt chú trọng về điều kiện sản xuất đảm bảo được về yêu cầu vệ sinh môi trường, trách nhiệm xã hội như xử lý nước thải tập trung, công nghệ nhuộm tiên tiến...

Tìm hiểu về công nghệ nhuộm vải, thông tin từ một lãnh đạo của Công ty CP Xơ sợi Việt Nam (VNPoly) cho biết, hiện nay không có một doanh nghiệp nhuộm nào tại Việt Nam có đủ khả năng nhuộm vải đạt tiêu chuẩn cao nhất theo yêu cầu của Nike hay Target. Trong suốt 2 năm qua, VNPoly đã nỗ lực chuẩn bị rất nhiều để nâng cao chất lượng sợi DTY theo tiêu chuẩn cao nhất của các hãng thời trang hàng đầu thế giới. Với sự hợp tác chặt chẽ và hỗ trợ của đối tác Shinkong, VNPoly đã vượt qua được đợt đánh giá chất lượng sợi và được Nike, Target chấp nhận là nhà cung cấp sợi cho các hãng này. Trong đó, đặc biệt khó là tiêu chuẩn về khả năng bắt màu (công nghệ nhuộm).

Có thể thấy rằng, mặc dù còn nhiều khó khăn do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, nhưng để nắm bắt được lợi ích từ Hiệp định EVFTA, không chỉ cần doanh nghiệp dệt may Việt Nam sẵn sàng tâm thế chuyển mình vươn lên mà cần nhất là phải có khu công nghiệp dệt nhuộm trọng điểm, hiện đại, quy mô đủ lớn để đáp ứng được các yêu cầu cao nhất của các hãng thời trang thế giới cũng như trong nước về khâu yếu nhất trong chuỗi giá trị dệt may nước ta là dệt, nhuộm.

Nguồn: https://petrotimes.vn/co-hoi-nao-cho-det-may-voi-evfta-586555.html

 

ĐĂNG KÝ HỘI VIÊN

Vui lòng đọc kĩ nội dung Thư mời gia nhập hội
Điền đầy đủ thông tin vào đơn gia nhập hội và gửi về địa chỉ bên dưới

  • Address: 183H Dương Quảng Hàm, P. 5, Q.Gò Vấp
  • Phone: (08) 6 2973 567 - Fax : (08) 62 973 540
  • Website: http://agtek.org.vn/