Dệt may chịu tác động kép từ đại dịch
Tại Hội thảo "Triển vọng kinh tế - thương mại Việt Nam: Cơ hội cho doanh nghiệp Việt Nam và Vương quốc Anh", ông Trương Văn Cẩm - Phó Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam cho biết, đại dịch Covid-19 gây thiệt hại kép đối với ngành dệt may Việt Nam.
Cụ thể, đại dịch đã gây đứt gãy nguồn cung nguyên liệu từ Trung Quốc, bắt đầu từ cuối tháng 3, nhu cầu ở thị trường Mỹ và EU sụt giảm nghiêm trọng, do vậy, xuất khẩu dệt may gặp nhiều khó khăn.
Quý I/2020, xuất khẩu dệt may giảm 2% so với cùng kỳ. Sang Quý II, kim ngạch xuất khẩu giảm sâu tới 27%, tới Quý III, xuất khẩu phục hồi, khả quan. Tính chung 9 tháng đầu năm 2020, kim ngạch xuất khẩu dệt may mới đạt 25,7 tỷ USD, giảm 11,6% so với cùng kỳ 2019.
“Năm 2020, dự kiến, kim ngạch xuất khẩu dệt may chỉ đạt 35%, giảm 10% so với cùng kỳ 2019. Đây là một mức giảm rất sâu”, ông Trương Văn Cẩm nhận định. Tuy nhiên ông cũng đánh giá rất cao những nỗ lực của các doanh nghiệp dệt may trong 9 tháng đầu năm, nhất là nỗ lực tìm kiếm đơn hàng, đảm bảo thu nhập cho người lao động, duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh.
Ông Trương Văn Cẩm, Phó Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam cho biết, dự kiến kim ngạch xuất khẩu ngành dệt may Việt Nam năm 2020 chỉ đạt 35%, giảm 10% so với 2019
Trước đó không lâu, trong buổi họp báo Chính phủ thường kì, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cũng cho biết, tác động của dịch Covid-19 khiến đơn hàng dệt may, da giày gặp nhiều khó khăn. Các mặt hàng truyền thống, thế mạnh của nhiều doanh nghiệp may Việt Nam là veston, sơ mi cao cấp hầu như chưa có đơn hàng cho quí cuối năm.
"Hiện nay, một số ngành chúng ta đang có thế mạnh về xuất khẩu, trong đó có dệt may, da giày. So với các năm trước, doanh nghiệp đang gặp nhiều khó khăn về đơn hàng cho sản xuất.
Chính vì vậy, Chính phủ đã có chỉ đạo cho các Bộ, ngành, trong đó có Bộ Công Thương, hỗ trợ cho các doanh nghiệp trong hoạt động sản xuất - kinh doanh, quan trọng nhất là mức xuất khẩu”, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải nói.
Đáng lưu ý, trong báo cáo tình hình sản xuất, thương mại 9 tháng đầu năm của Bộ Công Thương cho thấy, trong 9 tháng năm 2020, dưới tác động của dịch Covid-19, dệt may là một trong những ngành hàng chịu thiệt hại trực tiếp lớn nhất cùng với ngành du lịch, hàng không, da giày. Tình hình sản xuất, xuất khẩu ngành dệt may vẫn gặp nhiều khó khăn.
Tổng cầu dệt may thế giới năm 2020 sụt giảm mạnh. Năm 2019, kim ngạch nhập khẩu dệt may thế giới là 775 tỉ USD, do Covid-19 diễn biến phức tạp, kéo dài, ước tổng kim ngạch nhập khẩu năm 2020 đạt 600 – 640 tỉ USD, giảm 15-20% so với 2019, thậm chí có thể giảm tới 25%.
Kỳ vọng vào FTA song phương với Anh
Phó Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam Trương Văn Cẩm cho biết, tới đây, khi Anh rời EU, để khai thác thị trường Anh một cách tốt nhất, Hiệp hội mong muốn Chính phủ Việt Nam và Anh sớm ký kết được Hiệp định thương mại tự do.
Bởi, một FTA song phương tiêu chuẩn cao và thế hệ mới, tương tự như EVFTA, sẽ có tác động tích cực đến thương mại giữa hai nền kinh tế. Các sản phẩm vốn là lợi thế của Việt Nam như điện tử, da giày, dệt may, đồ gỗ nội thất, thủy sản - cũng là các sản phẩm mà Anh có nhu cầu lớn - sẽ tăng mạnh trong trung và dài hạn.
Mặt khác, cũng sẽ có nhiều cơ hội hơn cho các doanh nghiệp Anh trong các lĩnh vực như dịch vụ, tài chính, ngân hàng, bảo hiểm, tư vấn, công nghệ cao, năng lượng tái tạo, dược phẩm, ô tô… thâm nhập sâu hơn vào thị trường Việt Nam.
“Chúng tôi rất mong muốn hệ thống tham tán thương mại của Việt Nam ở nước ngoài sẽ là cầu nối khai thác tốt thị trường. Các Cục, Vụ thuộc các Bộ ngành tích cực hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp”, ông Trương Văn Cẩm kiến nghị.
Nói về điểm yếu của ngành dệt may Việt Nam hiện nay trong tiến trình hội nhập, ông Cẩm cho biết khâu sản xuất nguyên phụ liệu, đặc biệt là vải chưa phát triển. Trong khi đó, hiệp định EVFTA yêu cầu phải đảm bảo qui tắc xuất xứ từ vải.
So với các Hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam đang tham gia, quy tắc xuất xứ trong EVFTA có nhiều điểm mới và phức tạp hơn, cả về cách diễn đạt tiêu chí và các quy định kèm theo. Cụ thể với ngành dệt may của Việt Nam, để được hưởng thuế suất thuế nhập khẩu ưu đãi theo EVFTA thì yêu cầu vải phải được dệt tại Việt Nam hoặc EU và cắt may tại Việt Nam.
"Chúng tôi kiến nghị chính phủ tạo điều kiện để ngành tự sản xuất được vải", ông Trương Văn Cẩm đề xuất.
Về phía Bộ Công Thương, trong bối cảnh khó khăn này, Bộ Công Thương đã thường xuyên làm việc trực tiếp với các Bộ, ngành, đơn vị liên quan, đồng thời gặp gỡ các Hiệp hội, doanh nghiệp... để lắng nghe những vướng mắc, từ đó, đưa ra những giải pháp khai thác, tận dụng tối đa những cơ hội, thúc đẩy xuất khẩu dệt may sang thị trường các nước.
Theo: Hạ An, Tạp chí Công thương