Theo nhận định của nhóm khảo sát đề tài "Nghiên cứu, đánh giá tác động của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 đối với ngành dệt may Việt Nam" do Tập đoàn Dệt may Việt Nam thực hiện, biến động lao động trong 10 năm tới của dệt may không đáng kể, chỉ chuyển từ lĩnh vực này sang lĩnh vực khác, từ cấp độ này sang cấp độ khác.
Tuy nhiên, trong tương lai xa hơn, sẽ có biến động lớn về lực lượng lao động. Theo đó, nhiều vị trí việc làm mới với những yêu cầu gắn với công nghệ 4.0 sẽ phát sinh. Xu thế lao động có trình độ và kỹ năng trung bình trở lên sẽ được sử dụng nhiều hơn, trong khi đó, những công việc đòi hỏi kỹ năng thấp, lao động chân tay sẽ thu hẹp dần.
Qua khảo sát của nhóm nghiên cứu, 84,4% lao động trong ngành chỉ có trình độ phổ thông, số lượng nhân lực có trình độ từ trung cấp trở lên chỉ chiếm 15,6%. Lao động phần lớn xuất thân từ nông thôn, tác phong công nghiệp, kỷ luật lao động còn nhiều hạn chế. Những điều đó khiến người lao động khó khăn trong tiếp cận cái mới và công nghệ cao. Do tính chất nghề nghiệp nên đại đa số người lao động khi ngoài 45 tuổi là suy giảm khả năng làm việc.