Vì sao TCM tăng trưởng “ngược dòng” và tiếp tục “mạo hiểm” đầu tư nhà máy?

Trong khi nhiều doanh nghiệp cùng ngành dệt may lao đao, dừng một phần sản xuất hoặc luân phiên cho công nhân nghỉ việc thì Công ty CP Dệt may - Đầu tư - Thương mại Thành Công (TCM) vẫn “ngược dòng” mùa dịch báo lãi. Công Thương đã có cuộc trao đổi với ông Trần Như Tùng - Phó Chủ tịch HĐQT TCM về “bí kíp” để chiến thắng đại dịch Covid 19.

Năm 2020 được đánh giá là năm cực kỳ khó khăn với nền kinh tế nói chung và dệt may nói riêng, song TCM vẫn đạt kết quả kinh doanh ấn tượng. Xin ông chia sẻ đôi nét về tình hình kinh doanh của TCM trong 8 tháng vừa qua?

Năm 2020, dịch bệnh Covid 19 xảy ra trên toàn cầu làm cho nền kinh tế gặp không ít khó khăn, trong đó có dệt may. Theo tôi, nếu nhìn về khía cạnh khác, thì đây vừa là thách thức lớn để các doanh nghiệp cố gắng vượt qua vừa là cơ hội để các doanh nghiệp nhìn lại, khẳng định mình trước cơn bão lớn và tìm ra hướng đi tốt nhất cho riêng mình.

Về phía Thành Công, cũng như các doanh nghiệp xuất khẩu dệt may Việt Nam khác, chúng tôi đã gặp không ít khó khăn do dịch bệnh Covid-19 trong thời gian qua. Tuy nhiên, Thành Công may mắn và chuyển đổi nhanh chóng sang sản xuất, xuất khẩu các đơn hàng vải kháng khuẩn, khẩu trang, đồ bảo hộ y tế sang Mỹ. Nhờ đó vừa bù đắp sự thiếu hụt của thị trường truyền thống lại vừa tạo việc làm và mang lại doanh thu, lợi nhuận cho công ty. Cụ thể, 8 tháng đầu năm, dù doanh thu của TCM ghi nhận giảm nhẹ 4% với giá trị đạt khoảng 2.361 tỷ đồng song lợi nhuận vẫn tăng 3% so với cùng kỳ khi đạt 163 tỷ đồng. Với kết quả này, TCM đã thực hiện 63% kế hoạch doanh thu và 88% lợi nhuận cả năm.

vi sao tcm tang truong nguoc dong va tiep tuc mao hiem dau tu nha may
Ông Trần Như Tùng - Phó Chủ tịch HĐQT TCM

Như ông chia sẻ thì Thành Công may mắn hơn doanh nghiệp khác do nhanh chóng chuyển hướng qua sản xuất đồ bảo hộ, khẩu trang y tế. Đâu là nền tảng để công ty có thể chuyển hướng nhanh và kịp thời như vậy, thưa ông?

Việc may mắn này không ngẫu nhiên có mà đó là sự chuẩn bị của cả tập thể Thành Công trong những năm qua. Đó là công ty có sự chuẩn bị từ những năm trước cho việc tập trung công tác nghiên cứu phát triển sản phẩm vải mới thông qua Trung tâm R&D, trong đó có vải kháng khuẩn và những sản phẩm có tính năng vượt trội. Thêm vào đó Thành Công có hệ thống sản xuất khép kín từ sợi, dệt/đan, nhuộm và may nên chủ động được nguyên liệu đầu vào cũng như thời gian giao hàng rất ngắn (khoảng 2-3 tuần cho 1 đơn hàng đi Mỹ).

Đặc biệt, TCM đang tiếp tục đầu tư xây dựng một nhà máy may số 2 ở khu công nghiệp Hòa Phú, tỉnh Vĩnh Long với năng lực sản xuất 12 triệu sản phẩm/năm. Theo tiến độ dự án được cấp trong giấy chứng nhận đầu tư đã điều chỉnh thì trong giai đoạn năm 2021 đến tháng 1/2022, Thành Công sẽ đầu tư xây dựng và đưa vào sử dụng nhà máy may số 2; năm 2022 đến tháng 7/2023, sẽ đầu tư xây dựng và đưa vào hoạt động nhà máy đan và nhà máy nhuộm. Sở dĩ chúng tôi xây dựng nhà máy này là để góp phần hoàn chỉnh năng lực sản xuất, đảm bảo tiến độ vải đáp ứng thời gian đơn hàng may xuất khẩu cũng như mở rộng hơn nữa tại thị trường Châu Âu nhằm tận dụng lợi thế của Hiệp định EVFTA .

Tại ĐHCĐ thường niên hồi tháng 6 vừa qua TCM đã thông qua kế hoạch doanh thu năm 2020 đạt 3.780 tỷ đồng, tăng nhẹ 4% so với thực hiện năm trước song lãi sau thuế lại giảm 13%, xuống còn 188 tỷ đồng. Ông có thể nói rõ hơn về kế hoạch này?

Như chúng ta thấy, tình hình dịch bệnh hiện vẫn còn đang xảy ra trên thế giới và một số nước vẫn chưa được kiểm soát. Tôi cho rằng trong thời gian ngắn trong vài tháng tới thì tình hình xuất khẩu cũng chưa được cải thiện nhiều. Chưa kể việc sản xuất khẩu trang và đồ bảo hộ y tế chỉ là giải pháp ngắn hạn để vượt qua khó khăn trong mùa dịch Covid-19 nhằm đảm bảo công việc và thu nhập cho người lao động. Chính vì thế TCM đã phải điều chỉnh lại mục tiêu kinh doanh của năm 2020, theo đó sẽ chỉ tăng 4% so với thực hiện năm trước.

Riêng về lãi sau thuế, trước khi dịch xảy ra chúng tôi kỳ vọng lợi nhuận sau thuế tăng 15% so với 2019 nhưng sau đó phải điều chỉnh lại giảm 13%. Lý do chúng tôi dự báo tình hình kinh doanh các tháng tới sẽ còn khó khăn do dịch bệnh, đơn hàng sụt giảm trong khi các chi phí khác ngày càng tăng.

Có thể thấy, mục tiêu mà TCM đưa ra trong bối cảnh thị trường còn đầy thách thức nên chúng tôi sẽ đẩy mạnh nghiên cứu để cho ra đời những sản phẩm có tính năng vượt trội, bên cạnh đó sẽ tìm kiếm thêm các đơn hàng khẩu trang, đồ bảo hộ y tế và vải kháng khuẩn tại thị trường Mỹ cũng như các thị trường khác. Ngoài ra, chúng tôi cũng đang tập trung đẩy mạnh tốc độ sản xuất nhằm đáp ứng thời gian giao hàng ngắn nhất và cắt giảm chi phí để tối ưu hóa lợi nhuận nhằm mang lại hiệu quả kinh doanh mà công ty đã đề ra. Cụ thể, hiện công ty đang phối hợp với đơn vị bên ngoài triển khai lắp đặt hệ thống điện năng lượng mặt trời tại Nhà máy may Vĩnh Long hướng tới sử dụng năng lượng xanh. Việc này không chỉ nhằm thu hút các đơn hàng từ những thị trường khó tính như Nhật, Mỹ, EU mà còn có thể tiết kiệm chi phí sử dụng điện trong thời gian tới.

TCM xác định việc đầu tư nhà máy nhằm đáp ứng nhu cầu mở rộng hơn nữa tại thị trường Châu Âu cũng như tận dụng lợi thế của EVFTA. Vậy những cơ hội mà EVFTA mang lại cho dệt may Việt Nam cụ thể ra sao, thưa ông?

Trước khi EVFTA có hiệu lực, dệt may phải chịu mức thuế suất vào EU bình quân gia quyền là 9%. Ngay khi EVFTA có hiệu lực, các dòng thuế sẽ giảm dần về 0% theo lộ trình. Nếu tận dụng tốt cơ hội này sản phẩm dệt may Việt Nam sẽ có cơ hội mở rộng hơn thị phần tại thị trường EU.

Về phía TCM, hiện tại thị trường Châu Âu chỉ chiếm 30% kim ngạch xuất khẩu của chúng tôi. Tuy vậy với những gì mà EVFTA mang lại cũng như tiềm lực mà Thành Công hiện có chúng tôi đặt mục tiêu sẽ gia tăng giá trị lên từ 30 - 50% trong những năm tới. Và việc đầu tư mở rộng nhà máy tại Vĩnh Long là bước đi chiến lược giúp chúng tôi hiện thực hóa mục tiêu này trong tương lai.

Xin cảm ơn ông!

Nguồn:Congthuong.vn

ĐĂNG KÝ HỘI VIÊN

Vui lòng đọc kĩ nội dung Thư mời gia nhập hội
Điền đầy đủ thông tin vào đơn gia nhập hội và gửi về địa chỉ bên dưới

  • Address: 183H Dương Quảng Hàm, P. 5, Q.Gò Vấp
  • Phone: (08) 6 2973 567 - Fax : (08) 62 973 540
  • Website: http://agtek.org.vn/