- Cách đọc quy tắc xuất xứ trong Hiệp định EVFTA
Dưới đây là ví dụ cụ thể quy tắc xuất xứ cho quần áo dệt kim Chương 61 và một số mặt hàng dệt thoi của Chương 62:
Nguồn: Bộ Công Thương
Cách đọc quy tắc như sau:
– Cột thứ nhất là mã HS, ký hiệu “ex” thể hiện chỉ áp dụng cho 1 số sản phẩm trong Chương đó.
– Cột thứ hai là mô tả hàng hóa, cột này cũng rất quan trong để biết được quy tắc xuất xứ áp dụng cho sản phẩm nào. Không phải tất cả các mặt hàng có HS 4 số đều có chung 1 quy tắc, các trường hợp cột 1 có chữ “ex” thì càng phải lưu ý mô tả hàng hóa ở cột thứ hai.
– Cột thứ ba là quy tắc xuất xứ áp dụng, mô tả quy trình sản xuất phải đáp ứng, ở cột thứ ba này cần lưu ý mấy điểm sau:
(i) Thứ nhất là footnote ở cuối quy tắc xuất xứ, footnote này quan trọng vì nó cho biết sản phẩm có được áp dụng các linh hoạt về quy tắc xuất xứ hay không (các linh hoạt về quy tắc xuất xứ được quy định tại Chú giải 6 và Chú giải 7 và sẽ được trình bày ở phần dưới):
+ Footnote 3: Đối với các điều kiện đặc biệt liên quan đến các sản phẩm được sản xuất từ nhiều nguyên liệu dệt may, xem Chú giải 6 của Phụ lục I, Nghị định thư I (Định nghĩa và chú giải).
+ Footnote 5: Xem Chú giải 7 của Phụ lục I, Nghị định thư I (Định nghĩa và chú giải).
(ii) Thứ hai là lưu ý các lựa chọn về quy tắc xuất xứ cho một sản phẩm, thể hiện bằng việc xuống dòng và chữ “hoặc”, cụ thể Chú giải 2 viết như sau:
“Chú giải 2 – Cấu trúc của danh mục công đoạn gia công hoặc chế biến cần thiết
2.4. Trường hợp có hai quy tắc thay thế lẫn nhau được quy định tại cột thứ ba, được chia dòng khác hoặc bởi từ “hoặc”, nhà xuất khẩu có quyền lựa chọn áp dụng một trong hai quy tắc.”
Ứng với cách đọc trên thì quy tắc xuất xứ cho hàng may mặc dệt kim Chương 61 được hiểu như sau:
– Đối với các mặt hàng may mặc có cắt may thành hình thì quy tắc áp dụng là dệt vải+cắt may
– Đối với “loại khác” các mặt hàng dệt thẳng từ sợi ra thành phẩm thì quy tắc áp dụng doanh nghiệp được lựa chọn: Hoặc kéo sợi từ xơ + dệt thành hình hoặc cho phép nhập sợi từ xơ tự nhiên chưa nhuộm về nhuộm + dệt thành hình.
- Không phải tất cả các mặt hàng may mặc phải đáp ứng xuất xứ 2 công đoạn “từ vải trở đi”, một số mặt hàng có thể chỉ cần đáp ứng “1,5 công đoạn” tức một phần nhất định vải sử dụng không cần dệt tại Việt Nam.
Với cách đọc quy tắc xuất xứ như trên, quy tắc xuất xứ trong EVFTA không phải hoàn toàn 2 công đoạn “từ vải trở đi” mà nhiều mặt hàng quy tắc xuất xứ chỉ yêu cầu “1 công đoạn rưỡi”, tức vẫn cho sử dụng vải nhập khẩu chưa in, chưa thêu bên ngoài EVFTA với hạn chế về trị giá, giao động từ 40% đến 47,5% giá xuất xưởng của thành phẩm.
Dưới đây là ví dụ cụ thể quy tắc xuất xứ cho quần áo dệt thoi của Chương 62:
Đối với một số hàng may mặc Chương 62 (ký hiệu “ex” thể hiện chỉ áp dụng cho 1 số sản phẩm trong Chương 62) trong hình ví dụ trên yêu cầu quy trình dệt vải và cắt/may phải diễn ra tại Việt Nam hoặc nếu chỉ cắt may (making-up), không dệt vải (tức được nhập vải mộc) thì phải có công đoạn in và đi kèm ít nhất 2 công đoạn hoàn thiện (như giặt, tẩy trắng, làm bóng, định hình bằng nhiệt, cào lông, cán vải, chống co ngót …) kết hợp ràng buộc vải chưa in không có xuất xứ được sử dụng không quá 47,5% giá xuất xưởng của thành phẩm. Như vậy, không phải tất cả các mặt hàng may mặc đều phải đáp ứng nguyên tắc gọi nôm na “từ vải trở đi”. Rõ ràng theo cách quy định này, doanh nghiệp có linh hoạt rất lớn khi có thể sử dụng 1 phần không nhỏ vải mộc nhập khẩu ngoài khối EVFTA (dưới 47,5% giá xuất xưởng thành phẩm) về in và hoàn tất và cắt may thành phẩm tại Việt Nam vẫn đáp ứng quy tắc xuất xứ của EVFTA để hưởng ưu đãi thuế quan.
- Các linh hoạt khác về quy tắc xuất xứ trong EVFTA (ngoại trừ cộng gộp vải)
Hiệp định EVFTA có linh hoạt cho phép sử dụng một lượng/trị giá nhất định nguyên liệu không đáp ứng được quy trình gia công, chế biến cần thiết trong quá trình sản xuất mà thành phẩm cuối cùng vẫn đạt xuất xứ EVFTA (gần tương tự quy định De Minimis trong các FTA khác), cụ thể:
(1) Chú giải 6: chỉ áp dụng cho sản phẩm pha trộn (được sản xuất từ 02 nguyên liệu dệt may cơ bản trở lên – nguyên liệu dệt may cơ bản được quy định chỉ gồm xơ, sợi, không có vải) được sử dụng nguyên liệu không có xuất xứ không quá 10% trọng lượng thành phẩm/trọng lượng của tất cả các nguyên liệu làm ra thành phẩm. Chú giải này thường xuất hiện trong quy tắc xuất xứ cho sợi và vải. Tuy nhiên trong danh mục ví dụ trên quần áo dệt kim được áp dụng linh hoạt này.
Vậy doanh nghiệp có thể tận dụng linh hoạt này như thế nào?
– Đối với doanh nghiệp làm sợi: linh hoạt này không có ý nghĩa vì quy tắc xuất xứ cho sợi yêu cầu đáp ứng quy trình kéo từ xơ, xơ không có yêu cầu về xuất xứ, nhập ngoài EVFTA không hạn chế nên linh hoạt này với doanh nghiệp sợi là không dùng đến.
– Đối với doanh nghiệp làm vải: linh hoạt này cần trong một số trường hợp, trước hết ta cùng nhìn quy tắc xuất xứ cho vải bông làm ví dụ:
Nhà sản xuất/xuất khẩu vải bông có 3 lựa chọn về quy tắc xuất xứ:
(1) Kéo từ xơ tự nhiên hoặc nhân tạo hoặc ép đùn sợi filament nhân tạo, đi kèm công đoạn dệt => Tức doanh nghiệp phải thực hiện 2 công đoạn từ kéo sợi đến dệt vải. Nếu chọn quy tắc này doanh nghiệp sản xuất vải bông pha (ví dụ bông pha polyester) thì được áp dụng linh hoạt 1 loại sợi không cần kéo, nhập khẩu ngoài EVFTA không quá 10% trọng lượng vải thành phẩm. Nếu doanh nghiệp không đáp ứng được quy trình sản xuất này thì tính chuyển lựa chọn quy tắc dưới:
(2) Dệt vải đi kèm với nhuộm hoặc nhuộm sợi đi kèm với dệt => Nếu áp dụng quy tắc này doanh nghiệp không cần kéo sợi, chỉ cần dệt vải kèm nhuộm hoặc nhuộm sợi kèm dệt. Trong trường hợp này không cần quan tâm đến xuất xứ của sợi.
(iii) In đi kèm với ít nhất 2 công đoạn hoàn tất (scouring, bleaching, mercerising, heat setting, raising, calendering, shrink resistance processing, permanent finishing, decatising, impregnating, mending and burling) với điều kiện vải chưa in sử dụng không quá 47,5% giá xuất xưởng của sản phẩm => Nếu chọn quy tắc này doanh nghiệp không cần dệt vải, chỉ cần in kết hợp với ít nhất 2 công đoạn hoàn tất kể trên với ràng buộc vải chưa in nhập khẩu ngoài EVFTA không quá 47,5% giá xuất xưởng của thành phẩm,
(2) Chú giải 7: Tỷ lệ linh hoạt khác áp dụng cho các sản phẩm dệt may nhất định:
Khi trong danh mục dẫn chiếu đến Chú giải này, các nguyên liệu dệt may mà không thỏa mãn quy tắc xuất xứ được quy định tại cột thứ ba của danh mục trong quá trình sản xuất sản phẩm liên quan có thể được sử dụng, với điều kiện các nguyên liệu dệt may này được phân loại ở một nhóm khác với nhóm của sản phẩm và giá trị sử dụng không vượt quá 8% giá xuất xưởng của sản phẩm. Chú giải này thường xuất hiện trong quy tắc xuất xứ cho hàng may mặc, quần áo.
* Ví dụ về cách đọc hiểu quy tắc xuất xứ và áp dụng các linh hoạt tại Chú giải 6 và Chú giải 7 cho hàng may mặc, quần áo:
(i) Hàng dệt kim:
Đọc lời văn quy tắc cho hàng may mặc dệt kim Chương 61 ta thấy:
– Đối với các sản phẩm phải cắt, may từ 2 miếng vải dệt kim trở lên yêu cầu quy trình dệt vải và cắt may. Linh hoạt được áp dụng ở đây có cả footnote 3 và 5 tức được áp dụng linh hoạt ở Chú giải 6 và 7 nêu trên nhưng về mặt lý thuyết linh hoạt của Chú giải 6 không áp dụng được vì quần áo được may từ 2 miếng vải khác nhau nhưng vải không phải là nguyên liệu dệt may cơ bản theo quy định ở Chú giải 6. Linh hoạt ở Chú giải 7 thì có thể áp dụng được.
– Đối với các sản phẩm khác (ở đây hiểu là các sản phẩm dệt kim dệt thẳng ra sản phẩm không qua cắt may) quy trình sản xuất phải đáp ứng là nhuộm sợi từ xơ tự nhiên đi kèm dệt thành hình phải diễn ra tại Việt Nam.
(ii) Hàng dệt thoi
Đối với hàng dệt thoi ở Chương 62, quy tắc áp dụng chung cho đa số sản phẩm của Chương có 2 lựa chọn:
– Dệt vải đi kèm cắt, may (2 công đoạn) hoặc
– Có cắt may nhưng trước đó có quy trình in đi kèm với ít nhất 2 công đoạn chuẩn bị hoặc hoàn thiện được liệt kê trong hình trên với giới hạn vải chưa in không có xuất xứ sử dụng không quá 47,5% giá xuất xưởng của thành phẩm (gọi nôm na là 1,5 công đoạn).
Đọc ở cột thứ 3 về các công đoạn gia công hoặc chế biến cần thiết ta thấy đối với một số mặt hàng quần áo nữ và trẻ em, phụ kiện may mặc đã thêu thuộc nhóm 6202, 6204, 6206, 6209 và 6211 có 2 lựa chọn về quy tắc xuất xứ nhà xuất khẩu có thể chọn: (i) dệt vải đi kèm cắt/may hoặc (ii) (không cần dệt vải) làm từ vải chưa thêu (không xuất xứ) với điều kiện vải chưa thêu này không quá 40% giá xuất xưởng của thành phẩm. Quy tắc cho nhóm hàng này có footnote 5 dẫn chiếu tới Chú giải 7 cho phép nguyên liệu không đáp ứng quy trình gia công, chế biến cần thiết được sử dụng không quá 8% giá xuất xưởng của thành phẩm.
Bài: Vương Đức Anh
Xem thêm Tạp chí dệt may và Thời trang số tháng 8/2020 tại đây!