Theo Bộ Công Thương, nguyên, phụ liệu ngành dệt may đang phụ thuộc quá nhiều vào nguồn nhập khẩu. Hàng năm, Việt Nam nhập khẩu 60% vải, 55% xơ sợi và 45% phụ liệu từ thị trường Trung Quốc. Mặt khác, chúng ta chưa làm chủ và phát triển được các công đoạn sản xuất như nhuộm, chế tạo các loại vải chất lượng cao, vật liệu, phụ kiện cao cấp.
Cho nên khi gặp biến động về nguồn cung, hoạt động sản xuất, kinh doanh của DN bị tác động tiêu cực.
Thực tế, khi dịch Covid-19 bùng phát vào đầu năm nay, chuỗi cung ứng nguyên liệu của ngành dệt may bị đứt gãy khiến cho nhiều DN dệt may “ngồi trên đống lửa”.
Bởi nhập khẩu vải và nguyên, phụ liệu ngành dệt may đang chiếm khoảng 40% kim ngạch xuất khẩu hàng may mặc. Trong đó, 70% vải nhập khẩu phục vụ cho mục đích may xuất khẩu.
Mặc dù các DN đang tích cực tìm kiếm nguồn cung khác từ Ấn Độ, Hàn Quốc, Nhật Bản..., song các nguyên, phụ liệu từ các nguồn cung này chưa đa dạng, phong phú về mẫu mã và giá cao hơn nguồn hàng từ Trung Quốc. Thế nên, “nút thắt” thiếu nguồn cung nguyên liệu vẫn chưa có giải pháp hữu hiệu.
Theo các chuyên gia, “điểm nghẽn” lớn nhất của ngành dệt may là mới chỉ tham gia vào chuỗi giá trị phân khúc thấp, trong khi phần thương hiệu và thiết kế là khâu tạo ra giá trị gia tăng rất lớn vẫn còn hạn chế. Đến thời điểm này, ngành dệt may chưa tận dụng được lợi thế khi tham gia các hiệp định thương mại thế hệ mới (FTA), bởi hầu hết các DN chưa đáp ứng được các yêu cầu về xuất xứ hàng hóa.
Rõ ràng, muốn gia tăng giá trị, cần phải hóa giải được con số 65% hàng xuất khẩu của Việt Nam là thuần gia công. Muốn vậy, các DN dệt may phải đầu tư, chủ động được nguồn cung nguyên liệu.
Đây thực sự là vấn đề nan giải, vì suất đầu tư cho một nhà máy sản xuất vải quy mô khoảng 10 triệu mét/năm cần khoảng 30 triệu USD, thực sự quá sức, quá tầm đối với 85% số DN trong tổng số 8.450 DN dệt may trong nước có quy mô vốn dưới 50 tỷ đồng.
Trong khi đó, nhà đầu tư nước ngoài không mặn mà với lĩnh vực sản xuất nguyên liệu vì cả nước chưa quy hoạch được khu chế xuất nguyên, phụ liệu dệt may chuyên biệt và nhiều địa phương từ chối các dự án dệt nhuộm do lo ngại về môi trường. Đặc biệt, chi phí logistics tại Việt Nam quá cao so với nhập khẩu từ Trung Quốc.
Ngày 6-8-2020, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 115/NQ-CP về các giải pháp thúc đẩy phát triển công nghiệp hỗ trợ, đặt ra mục tiêu đến năm 2025, tỷ lệ cung cấp trong nước của ngành dệt may đạt 65%. Nghị quyết cũng nhấn mạnh xây dựng các khu công nghiệp hỗ trợ tập trung để tạo cụm liên kết ngành, nhằm thu hút các nhà đầu tư trong và ngoài nước tham gia vào lĩnh vực này.
Các DN dệt may đang trông đợi nghị quyết sẽ tháo gỡ được “nút thắt” bấy lâu nay về nguyên, phụ liệu dệt may, nhờ khơi thông nguồn vốn đầu tư. Vì Chính phủ đã yêu cầu Ngân hàng Nhà nước điều chỉnh các chính sách tín dụng đối với lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi cho các DN công nghiệp hỗ trợ có thể tiếp cận các nguồn vốn vay ưu đãi, vốn ODA, vốn vay ưu đãi nước ngoài...
Thiết nghĩ, giờ là lúc các DN dệt may phải nắm bắt cơ hội để gia tăng hàm lượng giá trị sản phẩm thông qua việc đầu tư vào sáng tạo, đổi mới phương thức sản xuất, kinh doanh, liên kết với khách hàng, nhằm hình thành chuỗi sản xuất, đáp ứng quy tắc xuất xứ theo cam kết của các FTA mà Việt Nam đã ký kết.
Thanh Thảo
Nguồn:Bienphong.com.vn