Kết quả kinh doanh sụt giảm, doanh nghiệp dệt may kiến nghị gỡ khó
Thông tin về kết quả kinh doanh 6 tháng trong cuộc họp chi hội dệt may các khu vực mới đây, nhiều doanh nghiệp dệt may cho biết, đang đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, kết quả kinh doanh của đa số các doanh nghiệp đều sụt giảm mạnh so với cùng kỳ.
Cụ thể, Tập đoàn Dệt may Vinatex lợi nhuận sau thuế 6 tháng đạt 276 tỷ đồng, giảm 20,7%, May Việt Tiến thậm chí lợi nhuận 6 tháng năm nay chỉ bằng 7% so với cùng kỳ, trong khi lượng hàng tồn kho tăng thêm gần 300 tỷ đồng so với đầu năm.
Các doanh nghiệp khác như TNG, Dệt may Hòa Thọ, cũng có mức giảm lợi nhuận từ 30% đến hơn 50%. Thậm chí, May Sông Hồng còn mắc khoản phải thu đối tác New York & Company (đã nộp đơn phá sản tại Mỹ) là 219 tỷ đồng; giá trị khoản nợ này gấp 4,6 lần so với đầu năm và khó có khả năng thu hồi.
Các doanh nghiệp sợi cũng tương tự khi Sợi Thế Kỷ có lợi nhuận sau thuế 6 tháng của giảm gần 50%. Theo chia sẻ của các doanh nghiệp ngành sợi, trong nhiều trường hợp họ đã phải cân nhắc bán sợi với giá thấp hơn giá thành sản xuất để giảm hàng tồn kho, duy trì sản xuấn ổn định, đủ trang trải cho khấu hao, lãi vay và một phần chi phí lương…
Trước tình hình đó, các doanh nghiệp tiếp tục đề xuất nhiều chính sách hỗ trợ từ Chính phủ như miễn đóng bảo hiểm xã hội, phí công đoàn năm 2020 cho cả người sử dụng lao động và người lao động. Cho phép doanh nghiệp hoãn nộp các loại thuế thu nhập doanh nghiệp năm 2019, nộp thuế VAT các loại đến hết năm 2020.
Theo các doanh nghiệp, việc giảm thuế thu nhập doanh nghiệp là giải pháp hỗ trợ thiết thực nhất đối với doanh nghiệp hiện nay có thể giúp duy trì sự sống cho doanh nghiệp và giữ công ăn việc làm cho người lao động, do đó nên xem xét áp dụng giảm thuế thu nhập một cách bình đẳng cho tất cả các doanh nghiệp, chứ không chỉ riêng cho những doanh nghiệp có doanh thu dưới 200 tỷ đồng.
Lợi nhuận trước thuế nửa đầu năm 2020 của một số doanh nghiệp dệt may sụt giảm mạnh.
“Nếu có thể giảm được xuống 12% là tốt nhất còn nếu không thì xuống mức 15%, hiện tại mức thuế 20% là quá cao và là gánh nặng cho doanh nghiệp trong khi đã nỗ lực tiết giảm mọi chi phí có thể để giữ người lao động”, đại diện Công ty cổ phần May Sông Hồng kiến nghị.
Đặc biệt, hầu hết các doanh nghiệp đều tha thiết kiến nghị xin miễn đóng phí công đoàn vì đây là chi phí rất nặng trong bối cảnh khó khăn hiện nay. Bên cạnh đó, đối với các chính sách miễn giảm khác, doanh nghiệp dệt may kiến nghị xin giảm bảo hiểm thất nghiệp từ 2% xuống 1%; xin bỏ 2% phí công đoàn; bỏ thuế nhập khẩu khi gia công lại,
Đồng thời kiến nghị Chính phủ dùng quỹ bảo hiểm thất nghiệp chi 50% lương tối thiểu cho công nhân thiếu việc làm phải nghỉ, doanh nghiệp lo 50% để đảm bảo thu nhập tối thiểu cho người lao động.
Các doanh nghiệp dệt may cũng đề xuất Chính phủ chỉ đạo các ngân hàng thương mại cho ân hạn, chưa phải trả gốc và lãi các khoản vay dài hạn đến hạn phải trả năm 2020. Đồng thời, kéo dài thời gian vay vốn lưu động lên 11 tháng, bao gồm cả phần đang vay do nguyên phụ liệu về chậm và khách hàng cũng trả chậm, giãn tiến độ giao hàng.
Thúc đầy liên kết chuỗi để tận dụng tối đa cơ hội
Nhận định về tình hình ngành dệt may các tháng cuối năm cũng như trong ngắn hạn, ông Vũ Đức Giang, Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam cho biết, tình trạng sẽ còn khó khăn hơn nữa ở quý III và còn tiếp tục kéo dài sang năm 2021, kim ngạch xuất khẩu toàn ngành năm nay dự kiến sẽ chỉ đạt khoảng 32 tỷ USD, giảm 22% so với kế hoạch dự kiến.
“Nếu đến tháng 12/2020 thế giới không kiểm soát được đại dịch, nhu cầu may mặc toàn cầu sẽ giảm sâu vào cuối năm 2021. Kỳ vọng kiểm soát được thì có thể nghĩ đến khả năng hồi phục vào cuối Quý 4/2021 và ảnh hưởng vẫn còn kéo sang năm 2022. Đại dịch chắc chắn sẽ vẫn là thách thức trong vòng 2 năm tới”, ông Giang nhấn mạnh.
Trong bối cảnh này, để nâng cao hiệu suất ngành may mặc, tận dụng phát huy tối đa các lợi thế sẵn có, đại diện Hiệp hội dệt may cho rằng cần thúc đẩy liên kết chuỗi, giảm phụ thuộc vào các nước cung cấp nguyên phụ liệu, đồng thời đáp ứng yêu cầu xuất xứ của các Hiệp định CPTPP, EVFTA khai thác các lợi thế từ các Hiệp định.
“Việc xây dựng chuỗi liên kết không chỉ giữa các doanh nghiệp sợi, dệt nhuộm, may mặc, thiết bị, mà còn giữa các doanh nghiệp sợi, các doanh nghiệp dệt, các doanh nghiệp may với nhau nhằm đa dạng hóa sản phẩm, tạo thành một khối, từ đó giúp các doanh nghiệp tiếp cận được những đơn hàng lớn, tận dụng cơ hội do các hiệp định thương mại thế hệ mới mang lại”, ông Giang phân tích.
Tuy nhiên, theo Hiệp hội, trách nhiệm này không chỉ riêng ngành dệt may có thể làm được mà cần có vai trò của Chính phủ trong việc phát triển quy hoạch các ngành, trong đó có dệt may.
Bên cạnh đó, Hiệp hội Dệt may cũng cho rằng, trong khó khăn thách thức vẫn có những cơ hội các doanh nghiệp có thể nắm bắt được ngay trong thời kỳ dịch họa.
“Việt Nam cần tranh thủ để quảng bá về điểm đến an toàn, sản phẩm sạch tới các đối tác, các doanh nghiệp cần tranh thủ thời gian củng cố lực lượng, thay đổi phương pháp, tận dụng tối đa cơ hội từ việc các khách hàng đang thu gọn đầu mối để kết nối gần hơn, mở rộng sản phẩm, rút ngắn thời gian sản xuất…”, đại diện Hiệp hội gợi mở.
Nguồn:Tinnhanhchungkhoan.vn