Theo thông tin mới nhất về thì trường xuất nhập khẩu của Tổng cục Hải quan, 7 đầu năm, Trung Quốc là thị trường nhập khẩu lớn nhất của nhóm hàng nguyên phụ liệu phục vụ ngành dệt may da giày (bao gồm bông các loại; vải các loại; xơ sợi dệt các loại và nguyên phụ liệu dệt may da giày), dù giảm 12% so với cùng kỳ 2019 nhưng vẫn chiếm tỷ trọng tới 49% kim ngạch nhập khẩu nhóm hàng này của cả nước (tương đương 5,88 tỷ USD).
Liên quan đến nhập khẩu nhóm hàng nguyên phụ liệu phục vụ cho ngành dệt may, da giày, trong tháng 7 tiếp tục xu hướng tăng nhẹ (1,6%) đạt 1,76 tỷ USD so với tháng trước.
Tuy nhiên, tính chung trong 7 tháng đầu năm nay, tổng trị giá nhập khẩu của nhóm hàng này chỉ đạt 12,02 tỷ USD, vẫn giảm mạnh 16% (tương ứng giảm 2,33 tỷ USD) so với cùng kỳ năm 2019.
Đây là nhóm hàng có mức giảm mạnh nhất trong số các nhóm hàng chủ lực nhập khẩu của Việt Nam trong 7 tháng qua.
Việc giảm nhập khẩu nguyên phụ liệu phục vụ cho ngành dệt may, da giày cũng tương đồng với hoạt động xuất khẩu gặp nhiều khó khăn của dệt may, giày dép những tháng đầu năm.
Cụ thể, cùng thời điểm 7 tháng đấu năm, xuất khẩu hàng dệt may đạt 16,25 tỷ USD, giảm 11,7% so với cùng kỳ năm trước.
Trong 7 tháng đầu năm, Mỹ vẫn là thị trường xuất khẩu hàng dệt may lớn nhất của Việt Nam với trị giá đạt 7,66 tỷ USD, giảm 9,6% so với cùng kỳ năm trước.
Tiếp theo là thị trường EU với 2,02 tỷ USD, giảm 18,3%; Nhật Bản với 1,97 tỷ USD, giảm 8,3%...
Đối với nhóm hàng giày dép, kim ngạch 7 tháng đầu năm đat 9,5 tỷ USD, giảm 8,3% so với cùng kỳ năm trước.
Trong đó, Mỹ cũng duy trì vị thế số một với kim ngạch đạt 3,43 tỷ USD giảm 8,6% và EU đạt 2,47 tỷ USD, giảm 16%.