KẾT QUẢ KINH DOANH CỦA MỘT SỐ DOANH NGHIỆP DỆT MAY 6 THÁNG ĐẦU NĂM 2020

Các mặt hàng xuất khẩu và kinh doanh nội địa đều bị ảnh hưởng vì dịch bệnh tác động tới kết quả sản xuất kinh doanh 6 tháng đầu năm của tất cả các doanh nghiệp Dệt May Việt Nam nói chung và các doanh nghiệp trong hệ thống Vinatex nói riêng.

Bối cảnh tình hình dịch bệnh Covid 19 diễn biến phức tạp trong quý I, mặc dù đã được kiểm soát tốt trong quý II/2020 nhưng các doanh nghiệp dệt may đều bị ảnh hưởng. Cho đến thời điểm này, các doanh nghiệp đều đã công bố kết quả kinh doanh quý II/2020. Kết quả của hầu hết các doanh nghiệp đều giảm so với cùng kỳ năm trước và đạt tỷ lệ hoàn thành kế hoạch thấp hơn so với dự kiến. Trong số đó, vẫn có một vài doanh nghiệp đạt kết quả kinh doanh khả quan nhờ các đơn hàng khẩu trang vải kháng khuẩn và đồ bảo hộ y tế xuất khẩu bù đắp cho sự thiếu hụt trong đơn hàng truyền thống.

Tổng công ty CP May Việt Tiến (sàn UpCom, mã CK:VGG): 6 tháng đầu năm doanh thu giảm gần 670 tỷ đồng, tương đương giảm 17% so với cùng kỳ năm trước. Lợi nhuận giảm sâu chỉ bằng 7% so với kết quả cùng kỳ. Lượng hàng tồn kho tăng thêm gần 300 tỷ đồng so với đầu năm. Do doanh nghiệp bị ảnh hưởng nặng nề bởi tình trạng hoãn hủy đơn hàng, đặc biệt diễn ra mạnh vào hồi tháng 3,4/2020.

Công ty CP May Sông Hồng (sàn HOSE, mã CK:MSH): 6 tháng đầu năm, Doanh thu thuần đạt 1.901 tỷ đồng, giảm 12% so với cùng kỳ. Lợi nhuận sau thuế chỉ bằng 55% so với cùng kỳ. Đáng chú ý là khoản phải thu đối tác New York & Company (đã nộp đơn phá sản tại Mỹ) là 219 tỷ đồng; giá trị khoản nợ này gấp 4,6 lần so với đầu năm và khó có khả năng thu hồi.

Công ty CP Đầu tư và Thương mại TNG (sàn HNX, mã CK: TNG): Kết quả sản xuất kinh doanh của công ty giảm mạnh. Theo giải trình của Công ty, do bị ảnh hưởng của dịch bệnh nên toàn bộ các đơn hàng đều bị giãn thời gian giao hàng nhưng các chi phí đầu vào công ty vẫn duy trì thanh toán đúng theo quy định và hợp đồng đã ký, nhân viên vẫn được bố trí việc làm và trả lương bình thường. Do đó, chỉ tiêu doanh thu quý 2/2020 giảm 14% và lợi nhuận giảm nhiều tới 42% so với cùng kỳ năm trước. Kết thúc 6 tháng đầu năm, lợi nhuận trước thuế đạt 80 tỷ đồng.

Tổng công ty May 10 – CTCP (sàn Upcom, mã CK: M10): 6 tháng đầu năm, doanh thu thuần đạt 1.800 tỷ đồng, tăng 17% so với cùng kỳ năm 2019. Sau khi trừ đi giá vốn hàng bán, 6 tháng đầu năm 2020 lợi nhuận gộp bán hàng và cung cấp dịch vụ của TCT là gần 220 tỷ đồng. Lợi nhuận sau thuế 6 tháng đầu năm 2020 vẫn được duy trì tương đương với cùng kỳ năm trước là 39 tỷ đồng. May 10 là doanh nghiệp có triển khai sản xuất khẩu trang vải và khẩu trang y tế vừa tiêu thụ nội địa vừa xuất khẩu nên doanh thu và lợi nhuận ít bị ảnh hưởng.

Tổng công ty CP Dệt May Hòa Thọ (sàn UpCom, mã CK: HTG): 6 tháng đầu năm, doanh thu thuần đạt 1.498 tỷ đồng, giảm 24% so với cùng kỳ năm trước. Lợi nhuận trước thuế chỉ đạt gần 31 tỷ đồng, bằng 54% so với cùng kỳ năm trước.

Tổng công ty Việt Thắng – CTCP (sàn HOSE, mã CK: TVT): Lãi gộp giảm 19,5 tỷ đồng so với cùng kỳ do doanh thu thuần giảm gần 33,2 tỷ đồng, chỉ đạt 839,5 tỷ đồng trong 6 tháng đầu năm 2020. Một số chỉ tiêu khác, doanh thu hoạt động tài chính tăng 3,2 tỷ đồng chủ yếu do tăng thu tiền cổ tức nhận từ các khoản đầu tư tài chính dài hạn và chi phí quản lý doanh nghiệp giảm 5,3 tỷ đồng chủ yếu do giảm chi phí lương nhân viên.

Kết quả kinh doanh của doanh nghiệp ngành Sợi bị ảnh hưởng nặng nề hơn doanh nghiệp ngành May. Theo chia sẻ của các doanh nghiệp, trong nhiều trường hợp họ đã phải cân nhắc bán sợi với giá thấp hơn giá thành sản xuất để giảm hàng tồn kho, duy trì sản xuấn ổn định: đủ trang trải cho khấu hao, lãi vay và một phần chi phí lương…

Công ty CP Sợi Thế Kỷ (sàn HOSE, mã CK: STK): Trong quý 2, STK ghi nhận doanh thu thuần giảm 49% so với cùng kỳ, lãi gộp giảm mạnh 79% chủ yếu là do giảm doanh số bán hàng. Khép lại quý 2, STK ghi nhận lãi ròng giảm 95% so với cùng kỳ, xuống chỉ còn 3 tỷ đồng. Doanh thu thuần 6 tháng đầu năm đạt 869 tỷ và lợi nhuận đạt 65,8 tỷ đồng chỉ bằng 53% cùng kỳ năm trước.

Công ty CP Sợi Phú Bài (sàn UpCom, mã CK: SPB): 6 tháng đầu năm, doanh thu thuần đạt 356 tỷ đồng, tương đương giảm 9% so với cùng kỳ và lợi nhuận chỉ đạt 1,6 tỷ đồng, tăng 62% so với cùng kỳ.

Nhiều lãnh đạo doanh nghiệp trong ngành cho biết, kết quả kinh doanh nói trên không bất ngờ bởi doanh nghiệp đều đã lường trước những thách thức, khó khăn có thể xảy ra ngay từ khi đại dịch Covid-19 bắt đầu gây ảnh hưởng tới nền kinh tế toàn cầu vào đầu năm 2020. Đặc biệt là nhóm ngành sản xuất Dệt May cũng đã được dự báo là sẽ bị ảnh hưởng nặng nề. Chính vì thế mà song song với việc thực hiện các biện pháp phòng chống dịch bệnh hiệu quả, nhiều doanh nghiệp đã chủ động thực hiện nhiều giải pháp linh hoạt để ổn định sản xuất kinh doanh, thích ứng nhanh trong điều kiện bình thường mới…

Một trong những giải pháp phổ biến được các doanh nghiệp áp dụng là thực hiện cắt giảm các chi phí không cần thiết. Lãnh đạo doanh nghiệp bằng mọi cách tìm kiếm đơn hàng, có khi mạnh dạn nhận cả những đơn hàng nhỏ lẻ hoặc mặt hàng mới chưa từng sản xuất trước đó… Bên cạnh đó, không thể không kể tới sự sát cánh của người lao động bằng sự cảm thông chia sẻ với lãnh đạo doanh nghiệp chứ không còn đòi hỏi quyền lợi hay có tâm lý nhảy việc như trước đây. Người lao động lúc này càng hiểu giá trị của việc đóng góp lâu dài cho một doanh nghiệp có ý nghĩa như thế nào!

Cùng với sự gồng mình chống đỡ từ phía các doanh nghiệp cũng rất cần có sự hỗ trợ về chính sách từ các cơ quan quản lý Nhà nước đối với ngành công nghiệp có lực lượng lao động rất lớn như ngành Dệt May. Nếu chỉ một doanh nghiệp hoặc nhà máy đóng cửa sẽ kéo theo hàng trăm, hàng nghìn người lao động mất việc làm và chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến an sinh xã hội… Chính vì vậy, các doanh nghiệp Dệt May đang mong muốn Chính phủ xem xét đồng thuận với các kiến nghị như sau:

– Đề nghị miễn đóng Bảo hiểm xã hội, phí công đoàn năm 2020 cho cả người sử dụng lao động và người lao động

– Đề nghị cho doanh nghiệp hoãn nộp các loại thuế thu nhập doanh nghiệp năm 2019, nộp thuế VAT các loại đến hết năm 2020.

– Kiến nghị chính phủ dùng quỹ bảo hiểm thất nghiệp chi 50% lương tối thiểu cho công nhân thiếu việc làm phải nghỉ, DN lo 50% để đảm bảo thu nhập tối thiểu cho NLĐ. Hiệp hội kiến nghị trước mắt chưa có chính sách cụ thể về miễn giảm Bảo hiểm xã hội và phí công đoàn thì cho Chính phủ có thể dừng ngay thu từ tháng 3 để giúp có nguồn tiền chi trả cho lao động thiếu việc làm.

– Kiến nghị Chính phủ chỉ đạo các Ngân hàng thương mại cho ân hạn, chưa phải trả gốc và lãi các khoản vay dài hạn đến hạn phải trả năm 2020.

– Kéo dài thời gian vay vốn lưu động lên 11 tháng, bao gồm cả phần đang vay do nguyên phụ liệu về chậm và khách hàng cũng trả chậm, giãn tiến độ giao hàng.

Bài: Đặng Thanh Huyền, Nguyễn Thăng Long

Nguồn: Vinatex.com

ĐĂNG KÝ HỘI VIÊN

Vui lòng đọc kĩ nội dung Thư mời gia nhập hội
Điền đầy đủ thông tin vào đơn gia nhập hội và gửi về địa chỉ bên dưới

  • Address: 183H Dương Quảng Hàm, P. 5, Q.Gò Vấp
  • Phone: (08) 6 2973 567 - Fax : (08) 62 973 540
  • Website: http://agtek.org.vn/