Ấn Độ lên kế hoạch giành lại các thị trường xuất khẩu dệt may
Chính phủ Ấn Độ sẽ triển khai một chương trình khuyến khích sản xuất (PLI) cho ngành dệt may thâm dụng lao động và điều chỉnh chính sách bấy lâu vốn thiên vị chuỗi giá trị dựa vào bông.
Chính phủ Ấn Độ sẽ triển khai một chương trình khuyến khích sản xuất (PLI) cho ngành dệt may thâm dụng lao động và điều chỉnh chính sách bấy lâu vốn thiên vị chuỗi giá trị dựa vào bông.
Báo Financial Express ngày 11/8 đưa tin, động thái này diễn ra trong bối cảnh New Delhi đang lên kế hoạch tái khởi động một nỗ lực nhằm giành lại nhiều thị trường xuất.
Theo phóng viên TTXVN tại Ấn Độ, trong một cuộc họp gần đây với một nhóm các quan chức và nhà đầu tư Nhật Bản, Thứ trưởng Bộ Dệt may Ấn Độ Ravi Capoor cho biết chương trình trên sẽ khuyến khích sản xuất khoảng 40 mặt hàng có tiềm năng xuất khẩu cao và đưa Ấn Độ trở lại vị thế một nhà sản xuất quan trọng về hàng may mặc từ sợi tổng hợp.
Bên cạnh đó, Bộ Dệt may Ấn Độ cũng đang làm việc với Bộ Tài chính để điều chỉnh cơ cấu thuế gián thu đang làm tê liệt phân khúc hàng dệt may nhân tạo. Trong khi bông và hàng dệt làm từ bông chỉ chịu mức thuế hàng hóa và dịch vụ (GST) chung là 5% trong toàn bộ chuỗi giá trị, thì mức thuế này đối với sợi tổng hợp là 18%.
Điều này diễn ra bất chấp thực tế hàng dệt nhân tạo chiếm tới 65-70% nhu cầu toàn cầu và do đó có tiềm năng xuất khẩu lớn. Tuy nhiên, ở Ấn Độ, hàng dệt bông chiếm gần 70% thị trường.
Tình trạng này bắt nguồn từ sự can thiệp chính sách trong nhiều thập kỷ, và cùng với luật lao động cứng nhắc cũng như chi phí kho vận tăng cao, đã làm hạn chế khả năng của Ấn Độ trong việc đẩy mạnh xuất khẩu hàng may mặc.
Chính phủ Ấn Độ đã tung ra gói trị giá 60 tỷ rupee (hơn 800 triệu USD) vào năm 2016 để thúc đẩy xuất khẩu hàng may mặc. Nhưng do thiếu những cải cách cơ cấu để khắc phục các vấn đề tồn tại, gói này không mang lại nhiều hiệu quả.
Ông Capoor cũng nói với các nhà đầu tư rằng, Chính phủ Ấn Độ sẽ khuyến khích tăng công suất dệt máy theo sáng kiến “Ấn Độ tự lực”. Ấn Độ đáp ứng hơn 70% nhu cầu hằng năm của nước này thông qua nhập khẩu, trị giá khoảng 2 tỷ USD, từ các nước như Đức, Trung Quốc và Italy. Để giải quyết vấn đề, Chính phủ Ấn Độ sẽ thúc đẩy việc thiết lập các khu phức hợp dệt may lớn gần các cảng.
Các biện pháp can thiệp chính sách lớn như trên sẽ được đưa ra trong bối cảnh đại dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 đã khiến xuất khẩu của Ấn Độ chậm lại.
Kim ngạch xuất khẩu hàng dệt may của nước này đã giảm 8,6% so với cùng kỳ năm ngoái xuống còn 33,7 tỷ USD trong tài khóa 2020, và chứng kiến mức sụt giảm mạnh hơn do COVID-19 gây ra, tới gần 72% trong 2 tháng đầu tài khóa này (tháng 4-5/2020).
Do đó, tỷ trọng của ngành dệt may trong cơ cấu xuất khẩu nói chung đã liên tục giảm trong những năm gần đây, từ mức 13,7% trong tài khóa 2016 xuống chỉ còn 10,8% trong tài khóa trước, mức thấp nhất trong khoảng một thập kỷ./.
Nguồn: Bnews.vn