Nguyên nhân là do tác động của dịch Covid-19, các thị trường truyền thống như Mỹ, châu Âu (chiếm đến 70-80% xuất khẩu của Việt Nam) gần như tê liệt, đơn hàng khu vực châu Á nhỏ giọt. Nhiều DN dệt may chưa có đơn hàng giá trị cao như veston, sơ mi cao cấp, trong khi mặt hàng khẩu trang và đồ bảo hộ được coi là “cứu cánh” cho nhiều DN, thì giá đã giảm mạnh do thừa nguồn cung trên toàn thế giới.
Theo dự báo, nếu tình hình không sớm cải thiện, sẽ có khoảng 60% đến 70% DN siêu nhỏ và vừa đứng trước nguy cơ đóng cửa. Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam (Vitas) Vũ Đức Giang cho biết, dịch Covid-19 đã khiến văn hóa tiêu dùng thay đổi, người dân chuyển chi tiêu cho sản phẩm thiết yếu chứ không đặt nặng vấn đề mua sắm như trước. Để xoay xở tồn tại, nhiều DN may mặc đang quay lại thị trường nội địa, nhưng nhu cầu trong nước cũng yếu vì người dân siết chặt chi tiêu.
Theo Bộ Công thương, 7 tháng đầu năm, sản xuất dệt tăng 1,8%, sản xuất trang phục giảm 4,6% so với năm 2019. Kim ngạch xuất khẩu hàng dệt và may mặc 7 tháng ước đạt 16,18 tỷ USD, giảm 12,1%; xơ, sợi dệt các loại giảm 20,9% so với cùng kỳ. Dự báo, tổng kim ngạch xuất khẩu năm 2020 của ngành khoảng 32,75 tỷ USD, giảm 16% so với 2019.
LẠC PHONG
Nguồn:Saigondautu.vn