Theo "Báo cáo tình hình sản xuất công nghiệp và hoạt động thương mại 6 tháng đầu năm, giải pháp thực hiện trong thời gian tới" của Bộ Công Thương, sản xuất dệt may tháng 6 tăng 4,3% so với tháng 5 (cùng kỳ tăng 2,5%). Tính chung 6 tháng đầu năm tăng 2,8% (cùng kỳ tăng 11,5%).
Sản xuất trang phục tháng 6 tăng 17,5% so với tháng trước, nhưng tính chung 6 tháng vẫn giảm 4,7% so với cùng kỳ năm 2019. Do ảnh hưởng của dịch Covid, trong 6 tháng đầu năm, tình hình sản xuất, xuất khẩu ngành dệt may cũng gặp nhiều khó khăn về thiếu hụt nguồn nguyên liệu và đơn hàng xuất khẩu giảm mạnh do bị hoãn, hủy đơn hàng, giãn tiến độ giao hàng và chậm thanh toán làm cho các doanh nghiệp trong ngành gặp nhiều khó khăn.
Lượng đơn hàng bị hủy, hoãn đều chủ yếu tập trung trong khoảng thời gian tháng 5, tháng 6. Tập đoàn Dệt may Việt Nam ước tính, ngành dệt may có thể mất tới 50% đơn đặt hàng trong tháng 5. Sự phục hồi của nguồn cung trong bối cảnh nhu cầu giảm có thể khiến giá sản phẩm dệt may trên toàn thế giới giảm 20%.
Báo cáo của Bộ Công Thương cũng nêu rõ, trong nước, các doanh nghiệp dệt may đã và đang chuyển đổi quy trình sản xuất, chuyển đổi sản phẩm, thúc đẩy chuyển đổi nhanh kết cấu mặt hàng truyền thống sang mặt hàng có khả năng thích ứng nhanh. Cụ thể như: Khi gặp khó đơn hàng với mặt hàng veston cao cấp, sơ mi cao cấp... thì chuyển sang đồ bảo hộ lao động, may đồ dệt kim, sơ mi truyền thống... đồng thời sản xuất khẩu trang vải, đồ bảo hộ trong nước và xuất khẩu.
Đến cuối quý II/2020, các thị trường xuất khẩu chính của ngành dệt may (Mỹ, Hàn Quốc, Nhật Bản, châu Âu) đã nới lỏng chính sách giãn cách xã hội; nhu cầu tiêu dùng, mua sắm của người dân tăng dần. Nhiều doanh nghiệp đã bắt đầu xuất khẩu được hàng hóa theo các đơn hàng đã ký trước đây. Theo chu kỳ hàng năm, kim ngạch xuất khẩu dệt may sẽ tăng mạnh nhất vào những tháng cuối năm do nhu cầu tiêu dùng các sản phẩm dệt may tại các dịp lễ, Tết, Giáng sinh tăng cao.
Không còn "mặn nồng" với nhà xưởng
Chị Trần Thị Phượng Quyên (sinh năm 1976, ngụ huyện Cần Đước, tỉnh Long An) kể, chị bắt đầu nghỉ việc ở Công ty Pouyuen (TP.HCM), chuyên sản xuất giày, từ khi dịch Covid-19 xuất hiện. Sau đó, công ty cho chị nghỉ việc và chi trả chị 96 triệu đồng. Ngoài ra, còn các khoản tiền bảo hiểm thất nghiệp và bảo hiểm xã hội khác.
Ở nhà, chị Quyên mua máy về nhận may gia công hoặc may quần áo đơn giản để có thêm thu nhập. Chị chia sẻ: "Nhiều đồng nghiệp đang làm ở trong công ty than dữ lắm, do không có đơn hàng nên thu nhập giảm nhiều so với trước". Một số công nhân còn bị điều chuyển công tác đi các nhà xưởng khác. Họ có ý định nghỉ việc nhưng nếu nghỉ thì không được hưởng trợ cấp thất nghiệp. Cuộc sống gia đình trong những ngày không còn làm ở công ty cũng đã ổn định nên chị Quyên không còn "mặn nồng" với nhà xưởng như trước.
Gần 10 năm gắn bó với Công ty PouYuen, khi dịch Covid diễn ra, chị Nguyễn Thị Thanh Tú (sinh năm 1994, ngụ quận Bình Tân, TP.HCM) cũng bị mất việc. Chị Tú nghỉ việc khi đứa con đầu lòng được hơn 12 tháng tuổi. Chị Tú cho biết, đa phần công nhân rơi vào tình cảnh cắt giảm lao động là ở các tỉnh và đi làm có xe của công ty đưa rước. Chị đang tìm kiếm một việc làm thời vụ để lãnh tiền bảo hiểm thất nghiệp.
Chồng chị có nghề nghiệp riêng nên phần nào cũng tạm lo được cuộc sống cho 2 mẹ con. Chị Tú sống cùng nhà chồng ở quận Bình Tân nên đỡ được tiền thuê mướn chỗ trọ. Nhiều khi muốn tìm một việc mới nhưng người mẹ trẻ này lại đắn đo. Chị muốn dành thời gian để chăm con cứng cáp hơn sẽ đưa đi gửi nhà trẻ rồi mới đi làm.
Số người thất nghiệp còn tăng?
Chị P.K.D, trưởng phòng nhân sự của một công ty dệt may (quận 12, TP.HCM), nhận định, không riêng gì lao động nữ - kể cả lao động nam thì từ thời điểm này đến cuối năm, số người nhận trợ cấp thất nghiệp và chuẩn bị thất nghiệp sẽ còn tăng.
Nhiều công ty đang tính toán đến việc chấm dứt hợp đồng, sa thải hoặc cho công nhân nghỉ không lương. Chị P.K.D nói, do nhiều mặt hàng không thể xuất khẩu vào thị trường Mỹ và EU. Hiện tại, các doanh nghiệp chỉ được xuất những mặt hàng là khẩu trang y tế và bộ đồ phòng chống dịch. Thế nhưng, để xuất được khẩu trang y tế và bộ đồ phòng chống dịch còn liên quan đến vấn đề pháp lý, chất lượng sản phẩm...
Chị P.K.D đưa ra giải pháp, cơ quan quản lý Nhà nước cần có chế độ mở và có các công văn hướng dẫn doanh nghiệp đang chuyển hướng sản xuất các mặt hàng y tế cụ thể hơn. Thêm nữa, cơ quan chức năng cũng cần có các văn bản hướng dẫn cụ thể doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn vay từ ngân hàng với lãi suất thấp.
"Hơn 3 tháng qua, tôi tìm và bổ sung đủ kiểu giấy tờ để tìm đường cho mặt hàng may mặc liên quan đến y tế xuất ra nước ngoài nhưng vẫn chưa đủ thủ tục. Nguyên nhân là do hàng hóa về lĩnh vực này không phải là thế mạnh của Việt Nam. Nhiều loại hồ sơ, thủ tục doanh nghiệp không thể nắm bắt hết được mà phải "đi lòng vòng" nên mất nhiều thời gian", chị D. cho biết.
(còn nữa)