|
Xuất khẩu dệt may cả năm dự báo giảm 16% so với năm trước và giảm mạnh so với mục tiêu 40-42 tỷ USD đặt ra từ đầu năm nay. Ảnh: Nguyễn Thanh |
Vinatex nêu rõ, nhìn chung, tổng cầu dệt may toàn thế giới năm 2020 nhiều nguy cơ bị sụt giảm. Năm 2019, kim ngạch nhập khẩu dệt may thế giới là 755 tỷ USD. Với kịch bản dịch bệnh Covid-19 kéo dài đến hết năm 2020, ước tổng nhập khẩu dệt may thế giới chỉ đạt đến ngưỡng 600 – 640 tỷ USD, giảm từ 15-20% so với mức 755 tỷ USD của năm 2019.
Khảo sát của Liên đoàn các nhà sản xuất thiết bị và hàng hoá dệt may cũng đưa ra dự báo về khả năng suy giảm 25% tổng cầu năm 2020 toàn thế giới.
Với ngành dệt may Việt Nam, nhất là đối với ngành may mặc, trong quý 1/2020, tình trạng hủy, giãn đơn hàng rất nghiêm trọng. Nhiều doanh nghiệp đã chứng kiến ngay mức doanh thu giảm 20% trong quý 1/2020 và tiếp tục trượt giảm ở quý 2/2020.
Cùng với tình trạng hủy đơn hàng là tình trạng giãn đơn hàng, với các đơn hàng giao trong tháng 3 đều bị lùi xuống tháng 4, tháng 5. Nhiều doanh nghiệp còn chuyển sang may khẩu trang trong nỗ lực duy trì được việc làm cho công nhân, hạn chế tổn thất do dịch bệnh.
Tuy nhiên hiện nay, khi thị trường trong nước đã bão hòa, các doanh nghiệp phải tìm cách xuất khẩu sang nước ngoài dẫn tới cạnh tranh ở mức cao.
Thực tế cho thấy, nhiều doanh nghiệp có các đơn hàng khẩu trang đến hết quý 3/2020 và có thể giúp duy trì tạo công ăn việc làm cho công nhân trong thời điểm khó khăn do Covid-19 gây ra, nhưng biên lợi nhuận chưa được cao do có tới 80% các đơn hàng làm khẩu trang theo hình thức gia công.
Hơn nữa, nếu trong giai đoạn tới, khi xuất khẩu khẩu trang, quần áo bảo hộ lao động giảm sẽ khiến doanh nghiệp còn khó khăn hơn nữa vào những tháng cuối năm.
Với tình hình thị trường như trên, Vinatex dự báo xuất khẩu dệt may của Việt Nam 6 tháng cuối năm tiếp tục giảm khoảng từ 14-18% so với cùng kỳ năm trước, khiến tổng kim ngạch xuất khẩu năm 2020 vào khoảng 32,75 tỷ USD, giảm khoảng 16% so với năm 2019.
"Có thể nói, 6 tháng cuối năm nay doanh nghiệp dệt may mới thực sự bước vào giai đoạn khó khăn khi các mặt hàng truyền thống, thế mạnh của nhiều doanh nghiệp may như veston, sơ mi cao cấp gần như chưa có đơn hàng cho 2 quý cuối năm do tình hình dịch bệnh Covid-19 trên thế giới vẫn tiếp tục tăng mạnh", đại diện lãnh đạo Vinatex cho hay.
Theo Vinatex nửa cuối năm doanh nghiệp dệt may cần tối thiểu hóa sự sụt giảm doanh thu và lợi nhuận bằng việc quản trị chi phí sản xuất chặt chẽ, giữ vững chất lượng sản phẩm, bố trí lại lực lượng sản xuất, xác định lực lượng lao động chủ lực cần duy trì việc làm và thu nhập để người lao động đồng hành cùng doanh nghiệp vượt qua giai đoạn khó khăn khi thị trường chưa hồi phục.
Từ góc độ doanh nghiệp dệt may cụ thể, bà Phạm Thị Phương Hoa, Tổng Giám đốc Tổng công ty May Hưng Yên – CTCP chia sẻ, hiện nay, doanh nghiệp vẫn đang duy trì hoạt động sản xuất khá ổn định và có thể chia đều việc làm cho người lao động.
“Chúng tôi đã có đơn hàng đến hết quý 3 và đang tìm kiếm đơn hàng cho quý 4. Mặc dù rất lo lắng nhưng ban lãnh đạo doanh nghiệp vẫn đang nỗ lực tìm kiếm các giải pháp để vượt qua năm 2020 đầy thách thức”, bà Hoa nhấn mạnh.
Tương tự, ông Nguyễn Văn Miêng, Tổng Giám đốc Tổng công ty CP Dệt May Nam Định cho biết, để đảm bảo duy trì việc làm cho người lao động, thời gian qua, doanh nghiệp đã có những xoay chuyển trong cơ cấu sản xuất.
Nếu như đối với ngành sợi trước đây doanh nghiệp sản xuất 1.100 tấn, trong đó xuất khẩu được 600 tấn, nghĩa là tỷ trọng xuất khẩu lên tới 65%, thì giờ đây xuất khẩu sợi chỉ còn 45%.
“Chúng tôi bù đắp sự thiếu hụt đó bằng cách đẩy mạnh khai thác thị trường nội địa. Về mặt hàng vải, hiện Tổng công ty đang sản xuất khoảng 1,2 triệu mét/tháng, đến quý 3 và 4 năm nay nhiều khả năng chúng tôi sẽ bị sụt giảm khoảng 230-300.000 mét. Do đó, chúng tôi đang mở rộng thị trường ra các tỉnh phía Bắc, hướng tới dòng sản phẩm mới và tận dụng lợi thế vải qua nhuộm để bán sản phẩm đã qua hoàn tất và cung cấp cho các công ty may”, ông Miêng nói.
Kim ngạch xuất khẩu dệt may của Việt Nam trong 6 tháng đầu năm ước đạt 15,68 tỷ USD, giảm tới 13,4% so với cùng kỳ 2019. Đây là lần đầu tiên kim ngạch dệt may trong 6 tháng đầu năm của Việt Nam chứng kiến mức giảm mạnh trong 1 thập kỷ trở lại đây. Kết quả này một lần nữa cho thấy rõ tác động của dịch bệnh Covid-19 lên các doanh nghiệp dệt may Việt Nam. |