Dệt may thiếu đơn hàng, làm sao để biến thách thức thành cơ hội?

Ông Nguyễn Xuân Dương, Chủ tịch Hiệp hội Dệt May tỉnh Hưng Yên, Chủ tịch HĐQT Tổng Công ty May Hưng Yên, Phó Chủ tịch Hiệp hội Dệt May Việt Nam (VITAS) cho biết, lượng đơn hàng giảm sút là vấn đề đáng báo động của ngành dệt may, nhưng cơ hội không phải là đã hết.

Nhiều thông tin cho biết đơn hàng của các DN dệt may đang bị giảm sút, điều này ảnh hưởng như thế nào tới các DN, thưa ông?

- Hiện nay, thông báo của 2 thị trường chính là châu Âu và châu Mỹ đều cho thấy có thể giảm khoảng 50%, chưa kể số lượng đơn hàng còn lại còn phải chia cho các thị trường xuất khẩu khác như Ấn Độ, Bangladesh, Trung Quốc… Do đó, nếu như mọi năm, khoảng tháng 7 và tháng 8 sẽ ký kết hợp đồng để sản xuất hàng Xuân từ tháng 10 đến tháng 4, nhưng hiện nay, do dịch Covid-19 nên chưa ký được hợp đồng. Vì thế, thống kê sơ bộ đến thời điểm hiện nay, DN nào lớn thì mới có được năng lực sản xuất quý 4 là 10%, còn lại hầu như chưa có đơn hàng. Đây là vấn đề đáng báo động cho toàn ngành dệt may nước ta. Nhiều DN khó khăn đã giảm hàng loạt lao động, đơn hàng giảm thì tất nhiên lao động cũng phải giảm.

Theo ông, các DN Việt Nam có những cơ hội nào để vượt khó?

- Cơ hội đầu tiên phải kể đến là việc Việt Nam đã thành công trong phòng chống dịch Covid-19, điều này sẽ có tác động lớn đến lựa chọn của khách hàng, đối tác với yếu tố an toàn. Nếu sau này, Chính phủ quyết định mở cửa trở lại những chuyến bay thương mại sớm, thì một số khách hàng chắc chắn sẽ ưu tiên Việt Nam trước.

Những cơ hội còn lại đều phụ thuộc vào chính năng lực của các DN dệt may. Hiện lượng cầu thấp và còn phải chia ra cho nhiều thị trường, nhưng nếu các DN Việt Nam làm tốt về thời gian, chất lượng, giá cả hợp lý thì có thể giành được nhiều đơn hàng hơn. Đặc biệt, các DN cần thay đổi phương thức ký hợp đồng, trước kia thường phải kết nối thông qua trung gian thì nên triển khai ký hợp đồng trực tiếp với đối tác dựa trên nền tảng số, công nghệ thông tin để giúp giảm bớt khâu trung gian, kết nối nhanh chóng với đối tác hơn khi có thể chào giá, gửi hàng, thỏa thuận ký kết ngay trên mạng internet. Điều này giúp DN không những tiết kiệm được thời gian, nâng cao uy tín mà còn giúp giá trị đơn hàng được nâng lên.

Hiện nay, định hướng của Hiệp hội Dệt may là làm thế nào chuyển thách thức thành cơ hội. Hiệp hội sẽ dành thời gian, chi phí để đào tạo cho người lao động trong thời gian không có việc làm. Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đang kiến nghị với Chính phủ nâng mức đào tạo cho người lao động từ 1 triệu đồng lên 3 triệu đồng/tháng. Đây là cơ hội tốt để DN thực hiện đào tạo, nâng cao tay nghề cho người lao động, từ đó tăng năng suất, chất lượng, khách hàng sẽ ưu tiên đặt hàng.

Từ phía cơ quan quản lý, nên có những chính sách hỗ trợ như thế nào, thưa ông?

- Với những khó khăn như hiện nay, DN nào cũng cần thêm nguồn lực về tài chính, nhưng các gói hỗ trợ về tín dụng vẫn còn đưa ra tiêu chí quá cao, lãi suất cao nên nhiều DN chưa thể tận dụng được. Do đó, các cơ quan quản lý, ngành ngân hàng nên có thêm giải pháp để giảm lãi suất cho vay, nới điều kiện vay vốn, đồng thời là tăng kinh phí đào tạo lao động cho DN.

Hơn nữa, chi phí bảo hiểm xã hội và phí công đoàn đã chiếm 30% quỹ tiền lương, nếu giảm được những chi phí này sẽ giúp DN phát triển. Nếu không có sự hỗ trợ kịp thời từ cơ quan quản lý, 50% DN có thể phá sản, khi đó DN buộc phải sa thải lao động, Chính phủ lại phải lo trợ cấp thất nghiệp, hỗ trợ đào tạo. Ngoài ra, các bộ, ngành cũng chưa nên bàn về lương tối thiểu vùng năm 2021 trong thời điểm này vì DN đang rất khó khăn, duy trì được mức lương tối thiểu hiện nay cũng là quá sức rồi!

Xin cảm ơn ông!

Nguồn: Hương DịuHải quan Online

 

 
 

ĐĂNG KÝ HỘI VIÊN

Vui lòng đọc kĩ nội dung Thư mời gia nhập hội
Điền đầy đủ thông tin vào đơn gia nhập hội và gửi về địa chỉ bên dưới

  • Address: 183H Dương Quảng Hàm, P. 5, Q.Gò Vấp
  • Phone: (08) 6 2973 567 - Fax : (08) 62 973 540
  • Website: http://agtek.org.vn/