Dệt may hưởng lợi từ EVFTA: Nút thắt lớn là vùng nguyên liệu

Nguyên tắc để hàng dệt may Việt Nam được hưởng thuế suất ưu đãi theo EVFTA yêu cầu vải phải được dệt tại Việt Nam, hoặc EU và cắt may tại Việt Nam. Trong khi nhiều doanh nghiệp vẫn chưa minh bạch được vấn đề về vùng nguyên liệu.

Các doanh nghiệp dệt may Việt Nam giờ mới là thời điểm rơi vào tình trạng "ngấm đòn" Covid-19 sau giai đoạn được "cứu cánh" bởi các mặt hàng khẩu trang, đồ bảo hộ. Tới nay, đơn hàng đã thưa dần và dự báo bước vào giai đoạn thoái trào.

Tại buổi làm việc mới đây giữa Ban nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân (Ban IV) và Hiệp hội Dệt may Việt Nam, Ông Vũ Đức Giang, Chủ tịch Hiệp hội cho biết, Việt Nam hiện đang dư thừa năng lực sản xuất cả khẩu trang y tế thông dụng và khẩu trang vải thông thường.

Đối với thị trường nội địa, đã 3 tháng không có ca nhiễm Covid-19 mới trong cộng đồng nên nhu cầu về khẩu trang vải đã hoàn toàn dư thừa.

Tại Châu Âu, nhiều doanh nghiệp nhập khẩu trang nhưng không bán được nên họ cũng dừng nhập hàng. Chỉ còn thị trường Mỹ là nhập khẩu trang vải,  tuy nhiên theo đánh giá thì cũng chỉ tầm tới tháng 11 là chững nhu cầu, ông Giang cho biết.

Thị trường khẩu trang đã bão hoà kể từ tháng 7, chỉ còn những doanh nghiệp có chứng nhận EC và FDA của Mỹ thì vẫn còn cơ hội vì vẫn có đơn hàng tới khoảng tháng 10. Do đó, các doanh nghiệp nên cân nhắc kỹ lưỡng trong bài toán đầu tư sản xuất mặt hàng này.

Trở lại với "nghề" chính của các doanh nghiệp dệt may Việt Nam là ngành thời trang xuất khẩu thì toàn bộ các ngành hàng cũng không có mảng nào phục hồi được 100% cho đến cuối năm nay.

Đánh giá về khả năng phục hồi từ nay tới cuối năm, Ông Giang cho biết, hiện vẫn chưa có bất kỳ đơn hàng nào đối với các mặt hàng cao cấp, veston, còn đối với các sản phẩm "uniform" như quần áo bảo hộ lao động, đồng phục,... dự kiến có thể giữ được độ ổn định khoảng 80%, sơ mi, quần tây, quần áo đồ nữ các loại khả năng hồi phục là khoảng 60%, thời trang cao cấp nữ hồi phục 50%, quần áo trẻ em các loại khả năng hồi phục khoảng 65%.

Dệt may hưởng lợi từ EVFTA: Nút thắt lớn là vùng nguyên liệu - Ảnh 1.

Để tận dụng được EVFTA , quan trọng nhất là phải đáp ứng quy định về nguồn nguyên liệu

Theo thống kê, EU chiếm 34% tổng nhập khẩu hàng dệt may thế giới với nhu cầu hàng may mặc tăng 3%/năm. Việt Nam hiện đang chỉ chiếm 2,2% thị phần. Còn đối với Việt Nam, EU là thị trường dệt may lớn thứ 2, chiếm 16,3% tổng kim ngạch năm 2019.

Các đối thủ chính của Việt Nam tại EU đều có lợi thế vượt trội về thuế quan như: Bangladesh và Campuchia, Pakistan hay Ấn Độ, Trung Quốc.

Khi EVFTA có hiệu lực, 43% mặt hàng được loại bỏ thuế nhập khẩu ngay lập tức, các mặt hàng còn lại được giảm thuế về 0% theo lộ trình 4,6 và 8 năm.

Chủ tịch Hiệp hội dệt may Việt Nam Vũ Đức Giang cũng cho rằng, những FTA thế hệ mới như CPTPP, EVFTA là một con đường tương đối "sáng" cho Việt Nam nhưng chúng ta chỉ có thể tận dụng tốt các cơ hội khi Chính phủ quyết liệt chỉ đạo.

Bởi lẽ, các FTA thế hệ mới như CPTPP hay mới đây là EVFTA quy định rất khắt khe về nguyên liệu và quy trình sản xuất. Nguyên tắc để hàng dệt may Việt Nam được hưởng thuế suất thuế nhập khẩu ưu đãi theo EVFTA yêu cầu vải phải được dệt tại Việt Nam, hoặc EU và cắt may tại Việt Nam. Trong khi đó, nhiều doanh nghiệp dệt may vẫn chưa minh bạch được vấn đề về vùng nguyên liệu, ông Giang cho hay.

Để giải quyết vấn đề này, theo ông Giang, Chính phủ cần sớm ban hành Quy hoạch phát triển ngành tới năm 2040 gồm cả dệt may và da giày. Trong đó đặt trọng tâm vào việc xây dựng các khu công nghiệp dệt may có xử lý nước thải hiện đại, để chu trình dệt - nhuộm - may - hoàn tất được đầu tư phát triển, đóng góp vào nguồn cung toàn cầu và giảm bớt phụ thuộc nhập khẩu, tận dụng tối đa ưu đãi từ EVFTA hay những hiệp định thương mại khác.

"Bất kể nhà đầu tư nước nào vào đầu tư phần công nghệ dệt nhuộm sợi cũng được, kể cả Hồng Kong, Trung Quốc, miễn đáp ứng các chuẩn quốc tế về môi trường, đặt nhà máy tại Việt Nam để tận dụng nguồn cung vải tại chỗ thay vì phải xuất sợi sang Trung Quốc rồi nhập vải hoặc sợi nhuộm ngược lại", ông Giang nói.

Ngoài ra, những vấn đề về chính sách thuế với hàng hóa nhập khẩu, nguyên liệu nhập khẩu để sản xuất xuất khẩu còn nhiều bất cập hay một số quy định liên quan chính sách cho người lao động cần được cải thiện là những vấn đề mà doanh nghiệp dệt may hiện rất quan tâm.

Đơn cử như quy định từ Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, trước đây theo danh mục các ngành nghề thuộc mảng may mặc, Bảo hiểm xã hội Việt Nam sẽ áp dụng các cơ chế tính phụ cấp độc hại và chế độ khi nghỉ hưu, thai sản...nhưng hiện nay lại đưa ra cách tiếp cận khác, tạo ra sự vướng mắc trong giải quyết chế độ chính sách cho lao động trong ngành, ông Giang cho biết thêm.

Theo Hạ An

BizLive

ĐĂNG KÝ HỘI VIÊN

Vui lòng đọc kĩ nội dung Thư mời gia nhập hội
Điền đầy đủ thông tin vào đơn gia nhập hội và gửi về địa chỉ bên dưới

  • Address: 183H Dương Quảng Hàm, P. 5, Q.Gò Vấp
  • Phone: (08) 6 2973 567 - Fax : (08) 62 973 540
  • Website: http://agtek.org.vn/