Tại Hội thảo công bố báo cáo "Dệt may Việt Nam: Tác động của Covid-19 và xa hơn nữa" diễn ra chiều 29/6, ông Phạm Bảo Dương, Phó giám đốc Học viện Nông nghiệp Việt Nam cho biết: Tại Việt Nam, dệt may là một trong những ngành kinh tế quan trọng. Với 2,6 triệu lao động, ngành đang giải quyết gần 5% tổng số lao động và đóng góp 12,4% vào tổng kim ngạch xuất khẩu năm 2019 của Việt Nam.
Dệt may là mặt hàng xuất khẩu chủ lực thứ ba với giá trị gần gấp đôi giá trị xuất khẩu hàng nông sản. Nhưng đại dịch Covid-19 đã khiến ngành dệt may gặp rất nhiều khó khăn. Lần đầu tiên tất cả các mặt hàng xuất khẩu của ngành dệt và ngành may mặc đều bị suy giảm.
Quan cảnh buổi hội thảo. Ảnh: Hưng Giang
Tính đến hết tháng 5/2020, xuất khẩu may mặc Việt Nam giảm 13,6% so với cùng kỳ 2019. Nhập khẩu nguyên phụ liệu dệt may và da giày giảm 16% so với cùng kỳ năm trước. Năm tháng đầu năm 2020, xuất khẩu vào thị trường Mỹ giảm 14,9%, thị trường EU (28) giảm 19%. Hai thị trường này đã chiếm gần 60% giá trị xuất khẩu của ngành dệt may Việt Nam.
Cũng theo ông Dương, trong bối cảnh đại dịch Covid-19 chưa được kiểm soát hoàn toàn trên phạm vi toàn cầu, sự mở cửa trở lại của các nền kinh tế chủ chốt châu Âu và Mỹ với thế giới bên ngoài chưa xác định được rõ thời gian và mức độ nên có thể nhận định rằng năm 2020 và năm 2021 sẽ là thời điểm hết sức khó khăn của ngành dệt may. Nhưng năm 2020 cũng là năm Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam và Liên minh châu Âu (EVFTA) được phê chuẩn thông qua.
Trong bối cảnh đó, Báo cáo nghiên cứu “Dệt may Việt Nam: Tác động của Covid-19 và xa hơn nữa” do Chương trình Nghiên cứu Chiến lược Mekong - Trung Quốc (MCSS) thuộc Trung tâm Đổi mới Sáng tạo Nông nghiệp, Học viện Nông nghiệp Việt Nam thực hiện nhằm phân tích thực chứng những tác động của tình hình kinh tế thế giới đến triển vọng ngành dệt may Việt Nam.
Cũng tại hội thảo, ông Phạm Sỹ Thành, Giám đốc Chương trình MCSS, Trưởng nhóm nghiên cứu thực hiện báo cáo cho biết: Năm 2019, ngành dệt may là ngành có mức xuất khẩu lớn thứ ba với kim ngạch gần 40 tỷ USD, đóng góp khoảng 15% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam. Sắp tới, khi hiệp định EVFTA đưa vào thực thi, sẽ giúp giảm thuế bình quân với hàng may mặc Việt Nam từ 12% về 0%.
Ông Phạm Sỹ Thành, Giám đốc Chương trình MCSS, Trưởng nhóm nghiên cứu thực hiện báo cáo, cho biết: Sắp tới, khi Hiệp định EVFTA đưa vào thực thi, sẽ giúp giảm thuế bình quân với hàng may mặc Việt Nam từ 12% về 0%. Ảnh: Hưng Giang.
"Với hiệu ứng của việc hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và EU được phê chuẩn, dệt may Việt Nam cần đầu tư nhiều hơn vào sáng tạo để tạo ra nhiều giá trị tăng thêm cho ngành. Để làm được việc đó, rất cần Nhà nước có những thay đổi mạnh mẽ về chính sách và cơ cấu thuế, giá phù hợp", TS. Thành nhận định.
Bà Hoàng Phương Thảo, Trưởng Đại diện của ActionAid Quốc tế tại Việt Nam, chia sẻ, bản báo cáo là nghiên cứu đầu tiên trong chuỗi các hoạt động hợp tác nghiên cứu giữa ActionAid Quốc tế tại Việt Nam và chương trình MCSS.
"Chúng tôi kỳ vọng các kết quả nghiên cứu có tính đột phá và thực tế như thế này sẽ được MCSS tiếp tục trong các nghiên cứu tiếp theo, đặc biệt quan tâm đến hiệu ứng của các chính sách vĩ mô tới cuộc sống và sinh kế của các nhóm yếu thế", bà Thảo cho biết.
Bản báo cáo đã cung cấp những thông tin hữu ích cho ngành dệt may Việt Nam nêu lên những khó khăn chung của ngành khi chịu tác động từ đại dịch Covid-19, bao gồm khó khăn về đầu vào, khó khăn về lao động, khó khăn về kinh doanh - doanh thu và xuất khẩu.
Trong đó, nhập khẩu vải và nguyên phụ liệu ngành dệt may hiện đang có giá trị khoảng 40% giá trị kim ngạch xuất khẩu hàng may mặc; trong đó, 70% vải nhập khẩu phục vụ cho mục đích may xuất khẩu. Như vậy, chi phí cho nhập khẩu nguyên phụ liệu đang chiếm khoảng 30% tổng giá trị xuất khẩu của doanh nghiệp. Sản xuất vải đang là “nút thắt cổ chai” của ngành dệt may Việt Nam.
Bên cạnh đó, còn có những rào cản về chính sách, khi quá ít doanh nghiệp dệt may thụ hưởng các giải pháp hỗ trợ (chỉ 133/3.143 doanh nghiệp, chiếm 3,6% tổng doanh nghiệp được khảo sát đã tiếp nhận được các chính sách hỗ trợ) hay việc khó tiếp cận được các giải pháp hỗ trợ tín dụng.
Đồng thời, Hiệp hội Dệt may Việt Nam và các doanh nghiệp kinh doanh lĩnh vực này cho rằng việc giãn, giảm hoặc miễn thuế không có nhiều tác dụng tích cực đối với doanh nghiệp của ngành. Ngoài ra qui định hoãn đóng bảo hiểm xã hội hiện chưa hợp lí, và người lao động không được hỗ trợ hiệu quả, trong bối cảnh Chính phủ có chính sách hỗ trợ người lao động bị buộc thôi việc do Covid-19 nhưng rất khó tiếp cận do thủ tục quá rườm rà.
Đáng chú ý, bản báo cáo còn nêu bật những khó khăn liên quan đến các hiệp định FTA của Việt Nam, bao gồm việc thiếu phân khúc sản xuất vải; không có chuỗi cung ứng đầy đủ nên khó tận dụng lợi thế FTA; không dễ dàng tận dụng được ưu đãi của EVFTA; không tận dụng được lợi thế của CPTPP hay mức thuế suất hàng dệt may vào Mỹ vẫn ở mức cao...
Nguồn:Nongnghiep.vn